Việc xả nước thải vô tư của người dân hiện nay đang làm cho nguồn nước mặt bị ô nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt là tại các khu dân cư đô thị và nông thôn. Đề tài "Tiểu dự án Vệ sinh phân tán Desa" của nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Kỹ thuật môi trường Đô thị và Khu công nghiệp – CEETIA (Trường Đại học Xây dựng) do TS. Nguyễn Việt Anh làm chủ nhiệm đã nghiên cứu thành công các giải pháp xử lý nước thải hữu hiệu, trong đó có 2 dạng bể tự hoại cải tiến: BAST và BASTAF.
Hiện nay, các loại nước xám, nước đen và nước mưa, đặc biệt là nước đen mới chỉ có một phần được xử lý sơ bộ bằng bể tự hoại, còn lại thải trực tiếp vào hệ thống cống chung và kênh mương, ao hồ tự nhiên khiến nhiều nơi nguồn nước bị nhiễm amôni cao.
Việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung đang được bắt đầu một cách chậm chạp ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Vì thế, trong 20 – 30 năm tới, xử lý nước thải sinh hoạt phân tán ở quy mô hộ gia đình và cụm dân cư sẽ giữ vai trò quyết định trong bảo vệ môi trường đô thị, ven đô và nông thôn.
Khi tham gia Dự án tăng cường năng lực cho CEETIA (do Chính phủ Thụy Sỹ tài trợ), TS. Nguyễn Việt Anh đã dành mối quan tâm lớn cho việc xử lý nước thải phân tán và tìm ra 2 phương pháp thay thế bể tự hoại truyền thống: bể tự hoại cải tiến với vách ngăn mỏng (baffled septic tank – BAST) và bể tự hoại cải tiến có vách ngăn – và ngăn lọc kỵ khí (BASTAF).
TS. Nguyễn Việt Anh cho biết: “Đa phần người dân dùng bể tự hoại truyền thống, xây dựng dựa trên hai quá trình: lắng và phân huỷ kỵ khí cặn lắng. Biện pháp này khó đấu nối với cống, hiệu suất xử lý thấp (chỉ xử lý được khoảng 50% cặn lơ lửng, 30% chất hữu cơ COD). Trên thực tế, bể tự hoại truyền thống còn cho hiệu suất xử lý thấp hơn nhiều, do bà con thiết kế, xây dựng và quản lý không đúng quy cách. Điều này dẫn đến môi trường nước mặt bị ô nhiễm nghiêm trọng. Chúng tôi đã tìm cách cải tiến bể tự hoại truyền thống bằng việc thay đổi cấu tạo bể, thêm vào các vách ngăn mỏng hướng dòng chảy thẳng đứng trong bể”.
Bể đầu tiên được TS. Nguyễn Việt Anh thí nghiệm tại chính ngôi nhà của mình. Bể tự hoại cải tiến có 4 vách ngăn cao 1,5m, đường kính 20cm, giúp dòng chảy của bể hướng lên trên (so với bể tự hoại truyền thống chỉ có 2 cột lắng, dòng chảy ngang), thời gian lưu nước được thay đổi trong khoảng 12 – 72 giờ. Hiệu suất xử lý trung bình theo CODts, COD lọc và SS đạt được khá ổn định (tương ứng là 58 – 76%; 47 – 61%; 61 – 68% tuỳ thuộc vào thời gian lưu nước và số ngăn của bể). Sản phẩm cuối cùng của quá trình này là một lượng khí và nước không đáng kể. Đối với bể tập trung cho 100 hộ trở lên, có thể trồng thảm thực vật trên lớp cặn thải này, còn đối với hộ gia đình, có thể dễ dàng đấu nối với đường cống chính để góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường.
Theo TS. Nguyễn Việt Anh, bể 2 – 4 ngăn là thích hợp nhất với các hộ gia đình, vừa đảm bảo việc vận hành dễ dàng, vừa tiết kiệm mà hiệu quả xử lý cũng khá triệt để.
Để nâng cao hiệu quả xử lý của bể BAST, TS. Nguyễn Việt Anh đã thêm một ngăn lọc kỵ khí vào vị trí ngăn cuối cùng bằng than xỉ hoặc các quả cầu chế tạo từ nhựa tái chế nhằm tăng hiệu suất xử lý lên 10%. Đồng thời, ngăn lọc kỵ khí này còn có vai trò quan trọng trong việc tránh rửa trôi các chất rắn ra khỏi bể. Từ năm 2002 đến nay, bể BAST và BASTAF đã được thiết kế, xây dựng tại các khu vực nội thành và ven đô Hà Nội, Hà Tây, Bắc Ninh, trong đó có 14 bể đã đưa vào sử dụng cho nhà chung cư cao tầng, trường học, cụm dân cư, làng nghề nấu rượu, chế biến nông – hải sản.
Kết quả thu được tại làng nghề Lai Xá (Kim Chung – Hoài Đức – Hà Tây), một trong những nơi đầu tiên đưa công trình này vào thử nghiệm đã chứng minh đây là công nghệ có hiệu quả lâu dài trong xử lý nước thải, chất lượng đầu ra ổn định, giá thành hợp lý (4 – 5 triệu đồng/hộ – 5 khẩu). Công trình này đã vinh dự được nhận Cúp Môi trường Việt