Trái đất có thể rơi vào một kỷ nguyên suy giảm mạnh mẽ sự đa dạng về sinh học, và sự biến đổi khí hậu toàn cầu có thể khiến nhiều giống loài trên Trái đất bị tuyệt chủng trong vài thế kỷ tới, theo công trình nghiên cứu vừa được công bố của các nhà khoa học thuộc Trường ĐH Leed (Anh).
Hành tinh chúng ta đã trải qua năm kỷ nguyên suy giảm đa dạng sinh học, mỗi kỷ nguyên trùng với các chu kỳ nhiệt độ Trái đất tăng mạnh, kéo dài 520 triệu năm, cũng là thời điểm xuất hiện các vết tích hóa thạch. Đặc biệt, đã có 95% số loài sinh vật biến mất khỏi Trái đất sau khi kết thúc một trong năm kỷ nguyên này.
Nghiên cứu trên, công bố trên tạp chí khoa học Proceedings of The Royal Society B của Anh, số ra ngày 24/10, cho biết nếu khí thải gây hiệu ứng nhà kính vượt ngoài tầm kiểm soát, sự gia tăng được báo trước của nhiệt độ toàn cầu trong vài trăm năm tới có thể rơi vào mức độ như đã từng xảy ra trong các kỷ nguyên trên.
Để làm rõ luận điểm của mình, các nhà khoa học Anh đã sử dụng nhiệt độ bề mặt nước biển, được ngoại suy từ những vết tích hóa thạch của mật độ axit và oxy, để xác định những dao động về nhiệt độ giữa các thời kỳ khí hậu Trái đất ấm lên và thời kỳ khí hậu lạnh giá trong hàng chục triệu năm qua. Sau đó, họ kết hợp dữ liệu này với sự biến đổi số lượng động thực vật tồn tại trên Trái đất, cũng dựa trên cơ sở vết tích hóa thạch.
Theo các nhà khoa học, nếu kết quả nghiên cứu trùng với nhiệt độ của Trái đất hiện nay, thì có thể khẳng định rằng nguy cơ tuyệt chủng nhiều giống loài sẽ gia tăng. Trong khi đó, Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc dự báo tới năm 2100, nhiệt độ Trái đất sẽ tăng trung bình từ 1,1-6,4 độ C so với mức của những năm 1980-1990.
Bất kể nguyên nhân gây ra tình trạng biến đổi khí hậu là do những chu kỳ tự nhiên của khí hậu Trái đất hay do sự đốt cháy nhiên liệu hóa thạch, kết quả vẫn sẽ là có nhiều giống loài trên hành tinh này bị diệt vong.