Đến Thụy Sĩ, bạn sẽ thấy đất nước này không chỉ nổi danh về các ngành công nghiệp chế tạo đồng hồ tinh xảo và hệ thống ngân hàng – tiền tệ phát triển bậc nhất thế giới cũng như phong cảnh núi non kỳ thú, mà bạn sẽ ngạc nhiên vì mảnh đất nhỏ bé này vô cùng sạch sẽ.
Thụy Sĩ là một nước nhỏ, diện tích chỉ có 41.293 km2, nhưng có đến 70% là núi; riêng rặng núi Alps đã chiếm 60%, chỉ còn lại một rẻo cao nguyên hẹp chạy từ Đông Nam lên Tây Bắc.
Đất hẹp như thế mà dân lại đông tới gần 7,2 triệu người, sống tập trung trong một số đô thị lớn, mật độ dân số rất cao, đồng thời công nghiệp chế tạo lại hết sức phát triển; do đó rất khó giữ được môi trường sinh thái tốt.
Thế nhưng khi tới đây ta sẽ không hề thấy cảnh môi trường bị ô nhiễm bởi chất thải của các nhà máy, như ở nhiều nước công nghiệp khác. Bầu trời Thụy Sĩ lúc nào cũng trong vắt, không khí thơm tho trong lành, khắp nơi rực một màu xanh của cây cối xanh tốt, nhà cửa, đường phố sạch bong… Tất cả là nhờ bàn tay chăm sóc của con người, trong đó chính quyền và xã hội đóng vai trò tổ chức quan trọng.
Xử lý rác đặc biệt
Cách đây ba chục năm, hầu như tất cả các dòng sông và hồ nước ở Thụy Sĩ đều bị ô nhiễm nghiêm trọng. Chính phủ đã xây dựng một hệ thống hiện đại xử lý nước thải đô thị, bảo đảm toàn bộ nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt chỉ sau khi được xử lý đạt được tiêu chuẩn nước sạch rồi mới được dẫn vào sông hồ. Người dân Thụy Sĩ tự hào vì có ít nhất 80% nước hồ của họ có thể trực tiếp dùng để uống chẳng cần phải đun sôi.
Để được như vậy, chính quyền áp dụng phương thức xử lý rác rất đặc biệt. Mọi người đều biết, các phương thức xử lý rác truyền thống đều có nhược điểm là không tránh khỏi làm cho các nguồn nước ngầm bị ô nhiễm; nước mưa cũng đưa các chất bẩn thấm vào mạch nước ngầm. Bởi vậy, 6 năm trước, Thụy Sĩ bắt đầu thực thi Luật Cấm chôn rác; cụ thể là chỉ được chôn các loại rác thải không đốt cháy được, không tuần hoàn sử dụng được và các vật còn lại của rác đô thị sau khi đốt. Hơn 30 năm trước, ở đây họ đã thực hiện chế độ phân loại rác. Ngày nay việc phân loại rác càng chi li, nghiêm ngặt hơn, thậm chí ngay cả chai lọ có công dụng khác nhau cũng phải phân loại để xử lý riêng. Trên đường phố, đâu đâu cũng thấy những thùng rác có biển tên khác nhau chỉ rõ thùng nào đựng loại rác nào, chứ không phải tất cả các loại rác đều chứa chung vào một thùng.
Không khí trong lành là nhờ… pháp luật bảo đảm
Trên đất nước Thụy Sĩ, khắp nơi đều thấy những hàng cây cổ thụ khổng lồ xanh tốt cành lá sum sê. Có những cây đã 300 – 400 năm tuổi, gốc cây to tới mức 4 – 5 người ôm không xuể. Những hàng cây cổ thụ to cao ngất trời ấy thực sự là những cỗ máy nhả ô-xy làm cho cả nước trở thành một nhà máy tạo dưỡng khí khổng lồ. Mỗi khi đi dạo ven hồ, hương thơm ngát của cỏ cây pha lẫn hơi nước ẩm ướt trong không khí làm cho con người ngây ngất, khoan khoái hít thở, cảm thấy cực kỳ dễ chịu. Tất cả sự dễ chịu thoải mái ấy đều là kết quả của việc người dân nước này triệt để thực thi một chế độ luật pháp bảo vệ môi trường rất nghiêm ngặt.
Một thí dụ: Bất cứ hành vi tự tiện chặt cây nào đều bị phạt nặng bằng tiền; hơn nữa, dù chặt cây với bất kỳ lý do nào, nếu đã chặt bao nhiêu cây ở nơi này thì bắt buộc phải trồng lại từng ấy cây ở nơi khác.
Hiến pháp Thụy Sĩ ngay từ năm 1971 đã quy định rõ ràng: áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường là nghĩa vụ của nhà nước. Trong lần sửa đổi hiến pháp hồi tháng 12/998 có tăng thêm một chương “Bảo vệ môi trường và sửa sang lãnh thổ” và hàng loạt các luật riêng khác thể hiện sự quan tâm cao độ của Chính phủ Liên bang Thụy Sĩ đối với vấn đề bảo vệ môi trường. Chính là nhờ có chế độ luật pháp nghiêm ngặt và hoàn thiện mà Thụy Sĩ thực hiện được mục tiêu vừa phát triển công nghiệp vừa giữ được môi trường sinh thái tốt đẹp ưu việt.
Ngoài ra, Thụy Sĩ còn chú trọng nghiên cứu và đẩy mạnh áp dụng các kiến trúc bảo vệ môi trường kiểu mới. Tòa nhà trụ sở Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum) là một thí dụ kiểu mẫu. Về mùa nóng, khi đi vào tòa kiến trúc đồ sộ này bạn sẽ cảm thấy dù ngoài trời nắng chói chang nóng bức là thế mà trong nhà lúc nào cũng mát rượi rất dễ chịu.
Đây không phải là cái mát nhân tạo do hệ thống điều hòa nhiệt độ đem lại – vì tòa nhà này không hề trang bị hệ thống ấy. Nơi sinh ra luồng không khí mát mẻ ấy chính là một hầm lớn chứa đầy nước đá ở dưới gầm nhà; không khí ngoài trời trước hết được “kéo” vào đây rồi mới dẫn lên nhà.
Nước đá mùa đông rất sẵn, chẳng mất tiền điện để làm đá. Không trang bị hệ thống điều hòa nhiệt độ có nghĩa là không cần tới cách làm mát sử dụng khí fluorine, một chất khí độc có mùi khó chịu gây ô nhiễm môi trường. Cách làm mát thiên nhiên này thật ưu việt, vừa tiết kiệm chi phí lại vừa bảo vệ môi trường sống trong sạch cho con người.
Ý thức của từng người dân quan trọng nhất Chính quyền Thụy Sĩ rất chú trọng công tác giáo dục bảo vệ môi trường cho công dân nước mình, coi đó là một khâu cơ bản trong giáo dục. Các trường trung, tiểu học đều có môn học “Con người và môi trường”, học sinh bắt buộc phải học. Thiếu niên khi đến tuổi trưởng thành đều được tặng một món quà là cuốn sổ hướng dẫn cách gìn giữ môi trường xanh sạch. Trong hệ thống lớp học ban đêm giáo dục người lớn cũng có giáo trình bảo vệ môi trường, học suốt một năm. Các giám đốc công ty, xí nghiệp ở Thụy Sĩ đều nhận thức rõ ràng là bất cứ hoạt động nào của họ cũng gây ra tác động, ảnh hưởng tới môi trường. Họ nắm chắc tư tưởng phát triển bền vững, chú trọng kết hợp tăng trưởng kinh tế trước mắt với lâu dài, không những xét tới sự phát triển nhanh chóng hiện nay mà phải cân nhắc đến việc làm thế nào để con cháu mình sau này có điều kiện phát triển tốt hơn nữa. Trong đời sống hằng ngày và phương thức hành động, người Thụy Sĩ từ lâu đã quen với việc chính quyền liên tiếp đưa ra các biện pháp cưỡng chế bảo vệ môi trường, chẳng ai có phàn nàn điều gì mà đều chấp hành nghiêm chỉnh. Thụy Sĩ xanh sạch được như ngày nay không phải chuyện ngày một ngày hai mà có. Đây là kết quả của nhiều năm kiên trì thực hiện chính sách bảo vệ môi trường của chính phủ với sự hợp tác của người dân. |