Ðứng trên bờ kênh Bảy Xã, huyện Tân Châu, tỉnh An Giang, ít ai ngờ đây là tuyến kè giảm xói mòn được đánh giá là hiệu quả với thổ nhưỡng vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cỏ xanh um chạy dài theo bờ kênh, bên dưới là những hàng tre và tràm được trồng xen kẽ.
Ðã qua ba mùa lũ, những nơi trồng cỏ Vetiver vẫn không hề bị sạt lở. Mô hình này tỏ ra thích hợp với những nơi ngập sâu, dòng chảy mạnh. Trong đó, tre là loại cây có rễ chùm, sức bám đất mạnh mọc thành bụi, tạo thành mạng lưới bao giữ lấy đất, thân cao chịu được ở những vùng ngập sâu; còn cỏ Vetiver có tác dụng chống xói mòn mái dốc rất tốt.
TS Trần Tấn Văn, Viện nghiên cứu khoáng sản và tài nguyên mỏ địa chất nhận xét: “Với những ưu điểm: hiệu quả cao, chi phí thấp, áp dụng đơn giản, thân thiện với môi trường, cỏ Vetiver đã trở thành sự lựa chọn để giảm nhẹ bất lợi của thiên tai ở Việt Nam. Chưa kể, làm kè bằng đá hộc, bê-tông, phải khai thác, vận chuyển nguyên liệu từ xa đến. Khi xây bờ kè, phải đào đắp nên thải một lượng lớn đất xuống sông, làm thay đổi dòng chảy, gây trầm trọng thêm vấn đề thiên tai. Mặt khác, bê-tông mảng phủ lên lõi đất cát, rất dễ gãy vỡ khi có xói lở ngầm”.
Du nhập vào Việt
Do bộ rễ phát triển mạnh thành chùm, đan xen trong đất và có thể chịu lực bằng 1/6 lần so với bê-tông nên hàng rào Vetiver có tác động đệm rất tốt, chống được xói mòn nếu đặt theo đường đồng mức với khoảng cách nhất định.
Ngoài việc là một hàng rào bảo vệ hiệu quả, cỏ Vetiver còn có thể giải phóng được năng lượng từ dòng xoáy của nước lũ tạo thành dải bờ kè thiên nhiên bảo vệ các công trình cơ sở hạ tầng rất hiệu quả và rẻ, giúp bảo vệ các công trình đập, kênh, đường bộ, sông hồ thủy điện không bị bồi lấp, chống lũ lụt, hạn chế dòng chảy mất mùa trên diện rộng.
Theo TS Lê Việt Dũng, Trường đại học Cần Thơ, giải pháp chống xói lở bằng cỏ này hiệu quả cao, chi phí thấp, áp dụng đơn giản, lại thân thiện với môi trường. Vùng đồng bằng sông Cửu Long có 37 con sông trong đó có hơn 140 điểm thường xuyên sạt lở mạnh với chiều dài hàng chục km.
Ðến nay đã có hơn 3.000 ha đất đã trôi xuống sông. Chỉ riêng An Giang, hàng năm bị mất bình quân 3,75 triệu mét khối đất, thiệt hại 16,8 tỷ đồng. Những vạt cỏ Vetiver đầu tiên được trồng tại một con kênh bị sạt lở nặng ở xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang đã giữ bờ đất vững chãi, bờ kênh vẫn nguyên vẹn qua nhiều mùa lũ.
Tại đê bao huyện Tân Phước (Tiền Giang) và đê bao ở một số cụm, tuyến dân cư vượt lũ khu vực Ðồng Tháp Mười (Long An), sau khi trồng bốn tháng, lượng đất trên mái đê mất do bị xói mòn, sạt lở giảm chỉ còn 50 đến 100 tấn/ha (nếu không trồng cỏ thì mất từ 400 đến 750 tấn/ha).
Tỉnh An Giang dự kiến từ nay đến năm 2010 trồng thêm 6 triệu bụi cỏ Vetiver (tương đương 3.100 ha) để chống sạt lở bờ đê, bờ sông, hạn chế ô nhiễm nguồn nước. Ước tính biện pháp này sẽ giúp tiết kiệm cho ngân sách khoảng 50 tỷ đồng (phí nạo vét, tu bổ).
Theo ước tính của tỉnh An Giang, từ năm 2006 đến năm 2010, khi ứng dụng hệ thống Vetiver để chắn sóng, bảo vệ đê kinh, cụm tuyến dân cư thì sẽ giảm khoảng 47,8 tỷ đồng chi phí nạo vét, tu bổ.
Nhiều năm qua, để chống sạt lở, nhiều địa phương đã trồng cỏ Vetiver ven kênh rạch. Ðến nay cỏ Vetiver được trồng để chống xói mòn ở Thái Nguyên, Bắc Giang, trên đường Hồ Chí Minh, ở Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Tiền Giang, Vĩnh Long, An Giang… Ngay cả ở các vùng đất phèn nặng ở vùng Ðồng Tháp Mười, đất ven biển nhiễm mặn cao ở vùng Gò Công Ðông – Tiền Giang, đất chua bạc màu vùng Ðông Nam Bộ, đất cát, đất kiềm mặn vùng bán khô hạn cỏ Vetiver cũng đã được trồng thành công.
Bên cạnh tác dụng chống xói mòn, cỏ Vetiver còn có khả năng cải thiện chất lượng nước thải và nước ô nhiễm. Theo nhiều nhà khoa học, cỏ Vetiver có thể sống được trong nước thải công nghiệp sản xuất giấy, gạo, bột mì… Sau bốn tháng trồng, cỏ đã giúp giảm nồng độ BOD từ 464 mg/lít giảm xuống 7,8 đến 9,1mg/lít, chất rắn hòa tan từ 8,1 mg/lít giảm xuống 1,8 mg/lít.
Do đó, trồng loài cỏ này được xem như xây dựng một hàng rào bê-tông sinh học bảo vệ đất. Khả năng khác thường với sự chịu đựng và hấp thu chất độc hại cao của cỏ rất thích hợp xử lý nước thải từ sản xuất công nghiệp, cả trên diện rộng. Ước tính, một kg sinh khối chồi cỏ có thể lọc sạch 6,86 lít nước độc hại/ngày.
Ngoài ra, trồng thử nghiệm tại vùng đất mặn, kiềm thuộc tỉnh Bình Thuận, sau ba tháng phát triển, cỏ đã khiến đất mặn, kiềm được cải thiện, hàm lượng muối hòa tan và độ pH giảm mạnh và lắng xuống độ sâu một mét. Những dẫn chứng trên cho thấy cỏ Vetiver có khả năng làm sạch, ổn định môi trường.
Giáo sư Paul Trương, Giám đốc và đại diện khu vực châu Á Thái Bình Dương thuộc Trung tâm nghiên cứu cỏ Vetiver quốc tế, cho biết: “Ứng dụng hệ thống cỏ Vetiver vào việc xử lý nước thải là kỹ thuật còn khá mới và là kỹ thuật sử dụng cây xanh để xử lý môi trường. Ðây là kỹ thuật có nhiều triển vọng vì nó là tự nhiên, xanh tươi, dễ trồng, chi phí thấp…”.
Công ty chế biến thủy sản Cafatex (Hậu Giang) dù đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải nhưng nước đó xả vào các con kênh vẫn gây ô nhiễm. Công ty đã trồng khoảng 400 mét vuông cỏ vetiver cạnh bể xử lý nước thải. Nước thải sau khi xử lý, được bơm tràn qua thảm cỏ trước khi thải ra kênh rạch, nhờ đó, tình trạng nước kênh rạch bị ô nhiễm gần như không còn. Hiện nay, cỏ Vetiver đang được trồng để xử lý nước từ trại chăn nuôi ở Tiền Giang, xử lý nước rò rỉ từ bãi rác ở Vĩnh Long…
Chưa kể, bộ rễ của cỏ Vetiver có đặc tính hút chất hữu cơ và vô cơ rất cao nên có tính năng hút được nhiều nước trong đất và có thể hút cả chất đi-ô-xin, giữ lại trong bộ rễ. Khả năng chịu đựng và cải thiện môi trường của loại cỏ này ở vùng ô nhiễm, khắc nghiệt cũng cao hơn gấp nhiều lần so với các loại thực vật khác. Khảo nghiệm thực tiễn cho thấy việc dùng loại cỏ này để giảm thiểu ô nhiễm môi trường là rất có triển vọng. Chất độc da cam lẫn trong đất cát khi mưa xuống rất dễ lan tỏa không kiểm soát được. Nếu trồng cỏ Vetiver tạo thành hàng rào khép kín với bộ rễ sâu một đến bốn mét có thể ngăn rửa trôi, chống lây lan phát tán chất độc.
Tại Việt Nam, khu vực có nhiều chất độc da cam dioxin như vùng A Lưới (Huế) đang được mạng lưới Vetiver quốc tế tài trợ chương trình “Nâng cao chất lượng nước tại Việt Nam” bằng việc trồng cỏ Vetiver.
Hiện nay, Trung Quốc đã dùng cỏ Vetiver để hút chất thải thấm ra từ các bãi rác lớn.
Mặt khác, ở Việt
Từ năm 2000, Trường đại học Cần Thơ đã thực hiện chương trình ổn định bờ sông, kênh rạch với kinh phí hàng năm từ 6 nghìn đến 10 nghìn USD. Sau khi nhân giống thành công, cỏ vetiver đã được nhân rộng, tại 12 trong 13 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long, tổng diện tích hàng nghìn ha. Sắp tới, trường sẽ mở rộng việc vận động các tỉnh trong khu vực trồng cỏ này để xử lý ô nhiễm môi trường nước.