ThienNhien.Net – Với chính sách "mở toang cửa thu hút đầu tư" của mình từ hàng chục thập niên trước, một chính sách thông thoáng đến quá mức, TP. Việt Trì đã và đang "bắn súng lục vào hiện tại" và thảm họa môi trường sẽ là "phát đại bác" mà tương lai dành cho địa phương này. Một thảm họa về môi trường đang tới và rất có thể chỉ vài năm nữa đây sẽ là địa phương ô nhiễm nhất nhì miền Bắc!
Thành phố “ô nhiễm”
Thành phố Việt Trì là Thành phố loại II, là thành phố của lễ hội, tại vị trí “ngã ba sông”, điểm giao nhau của sông Hồng, sông Ðà và sông Lô, là cửa ngõ phía Tây của Thủ đô Hà Nội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ghi nhận năm 2005 là 18%. Thu nhập bình quân trên đầu người tăng nhanh, trung bình đạt 500USD/năm. Đô thị hóa là nhân tố của quá trình phát triển kinh tế – xã hội, tuy nhiên quá trình này đã tác động không nhỏ tới môi trường. Và giờ đây, có không ít hộ gia đình đang muốn chạy trốn khỏi mảnh đất này trước nguy cơ bệnh tật đang ập về với họ.
Tại Việt Trì, hiện tài nguyên đất đô thị đang bị khai thác triệt để để xây dựng các công trình, diện tích cây xanh và mặt nước giảm, gây ra úng ngập. Mỗi khi lâm vào cảnh này, người dân lại chứng kiến thêm cả việc “bơm nước thải ô nhiễm theo mưa” của hàng loạt các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn thành phố. Lợi dụng mưa to, họ mặc sức bơm nước thải ra ngoài. Trong lúc mưa to gió lơn, ai nấy đều lo toan cho gia đình mình, hơi đâu mà đi rình, đi “úp” những kẻ đang tâm làm những việc như vậy. Thành thử, cứ sau cơn mưa là mùi không khí lại thối, lại hôi đến rùng mình ở xung quanh các phường như Bến Gót, Bạch Hạc.
Đến nay, tại Việt Trì sự chồng chéo trong việc phân bố các cơ sở sản xuất rải rác dọc theo thành phố đã biểu hiện rõ nét hơn bao giờ hết khi mà cả thành phố không có khu xử lý nước thải công nghiệp và sinh hoạt tập trung. Mặt khác, do quá trình đô thị hóa mà đến nay các cơ sở sản xuất lại “nằm gọn” trong các vùng dân cư đông đúc, trung tâm của thành phố. Ông Nhạc Văn Tiến, Bí thư, Chủ tịch HĐND phường Bến Gót bức xúc cho biết: “Các vấn đề cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị, như hệ thống cấp thoát nước, thu gom xử lý rác thải sinh hoạt, giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn và không khí… chưa được thành phố quan tâm đúng mức. Kỳ họp nào chúng tôi cũng có kiến nghị lên thành phố, UBND tỉnh nhưng kết quả đều rơi vào im lặng…Thế là “tít mù nó chạy vùng quanh”, người dân kêu mãi thì hết hơi, mỏi mồm, “nằm yên” ở nhà mà “hưởng ô nhiễm”!
Thương thay những dòng sông
Đến thời điểm hiện nay, “nạn nhân” của sự ô nhiễm môi trường tại thành phố công nghiệp này không chỉ dừng lại ở những người dân sống tại đây, mà nó đã tác động nghiêm trọng đến nguồn nước sông Hồng, sông Đà, sông Chảy, sông Bứa,.. khi chảy qua địa phương này. Riêng các đầm, ao, hồ nằm trên địa bàn TP.Việt Trì có thể được coi như những cãi phễu hứng trọn vẹn nguồn nước thải đô thị và công nghiệp của thành phố. Theo thống kê sơ bộ thì chỉ khoảng 3,2% lượng nước thải công nghiệp được xử lý đảm bảo tiêu chuẩn cho phép ra môi trường.
Nước thải của Cty Hóa chất Việt Trì đổ thẳng ra sông Hồng |
Qua phân tích 08 mẫu nước với tần xuất 4 lần/năm từ thượng lưu sông Hồng chảy về hạ lưu qua các huyện Hạ Hòa, Thanh Ba, thị xã Phú Thọ, huyện Lâm Thao, Thành phố Việt Trì (tại các vị trí Bờ trái sông Hồng trên và dưới cửa xả của công ty Giấy lửa Việt cự ly 100m, xuôi về Bến phà Ngọc Tháp, cầu Phong Châu là vị trí sau khi tiếp nhận nước thải của Công ty Giấy Bãi Bằng và Công ty supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, xuôi về Phường Bến gót nơi tiếp nhận, chịu ảnh hưởng nước thải của các cơ sở sản xuất phía Nam Việt Trì như: Công ty Cổ phần Hóa chất Việt Trì, công ty Pangrim Noetext, Công ty TNHH Miwon Việt Nam,…) thì đa phần đều vượt tiêu chuẩn cho phép, khiến dòng sông vốn hiền hòa thơ mộng, nay trở nên ô nhiễm, mang mầm mống bệnh tật.
Theo báo cáo Hiện trạng môi trường năm 2006 của Sở tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ, hàm lượng ô nhiễm (BOD5, NH4+, -N, DO, COD, TSS…) so sánh với Tiêu chuẩn Việt Nam về chất lượng nước mặt (cột A) TCVN 5942:1995 thì nồng độ các chất ô nhiễm tại các sông lớn (sông Hồng, sông Lô, sông Đà) chảy qua Phú Thọ mấy năm gần đây cao hơn so với những năm trước.
Những đầm, ao “chết”!
Trong khu vực nội thành của TP. Việt Trì và các cụm, khu công nghiệp. Hệ thống các ao, hồ, đầm, kênh , mương là nơi tiếp nhận và vận chuyển nước thải của các khu công nghiệp, khu dân cư. Hiện nay, hệ thống này đều ở tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, có nhiều chỉ tiêu ô nhiễm vượt quá nhiều lần giới hạn cho phép của Tiêu chuẩn Việt Nam về chất lượng nước mặt (TCVN 5942:1995). Các đầm, hồ trong thành phố phần lớn ở trạng thái phú dưỡng, nhiều hồ bị phú dưỡng đột biến và tái nhiễm bẩn hữu cơ.
Đầm Sen thuộc địa phận phường Thanh Miếu hứng nước thải của các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn phía Nam Việt Trì như Công ty Dệt Trí Đức, Công ty TNHH Plastic, HTX Phú Cát…và nước thải sinh hoạt của khu dân cư. Chất lượng nước ở đây ô nhiễm nặng và gây mất cân bằng sinh thái. Nồng độ các chất hữu cơ như COD vượt 1,4 – 2lần, BOD5 vượt 1,2 – 2,1lần, Chất rắn lơ lửng vượt 1,1 – 1,4lần, NH4+ vượt 1,6 – 1,8 lần; Hàm lượng Coliform vượt 1,1 – 1,2 lần. Tương tự như vậy, Đầm Gia thuộc địa phận phường Tiên Cát và đầm Cẩm Đội thuộc thuộc địa phận Khu Công nghiệp Thụy Vân cũng chịu chung số phận.
Hiện nay, hầu hết nước dưới đất tại các vùng công nghiệp, đô thị ở Thành phố Việt Trì đều có dấu hiệu ô nhiễm về sắt, NH4+, Coliform, pH nằm ngoài giới hạn cho phép. Đặc biệt, ô nhiễm cục bộ tại một số địa điểm tại Thành phố, nồng độ As cao hơn tiêu chuẩn cho phép như: Bạch Hạc, Khu công nghiệp Thụy Vân.
Nhắm mắt dùng liều
Công tác quản lý khai thác và sử dụng nước sinh hoạt ở TP. Việt Trì hiện nay còn nhiều bất cập, việc khoan giếng tùy tiện, không khảo sát và không đúng quy trình đã tạo ra các cửa sổ địa chất thủy văn làm cho xâm nhập nhiều lượng chất ô nhiễm vào sâu trong lòng đất gây nguy cơ ô nhiễm nước dưới đất tăng lên. Một số vùng ở thành phố Việt Trì nằm ở các dộc ruộng, đồi xa đường ống nước chung của thành phố. Người dân đã đào giếng lấy nước để sử dụng dùng nước cấp cho sinh hoạt, chất lượng nước ngầm đã bị ô nhiễm bởi nước bề mặt và các công trình vệ sinh tự hoại như khu 4 tại phường Vân Cơ, khu 2 xã Minh Phương, Minh Nông.
Việc khai thác quá mức và không có quy hoạch đã làm cho nước dưới đất bị hạ thấp. Về mùa khô, rất cạn kiệt. Đến nay trên địa bàn Thành phố Việt Trì có 11 cơ sở sản xuất đang sử dụng nước ngầm phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất.
Nước ngầm phường Thanh Miếu do chịu tác động một phần của nước thải, khí thải từ các cơ sở sản xuất công nghiệp phía Nam Việt Trì cộng với nước thải sinh hoạt, nồng độ Fe có trong nước dưới đất tại khu phố Thanh Bình đã vượt tiêu chuẩn 1,1 – 1,2 lần.
Ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm đã ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân địa phương. Tại các vùng có nguồn nước ô nhiễm, tỷ lệ dân cư mắc bệnh cao hơn, bệnh nặng hơn các vùng khác. Các bệnh thường gặp là các bệnh về đường hô hấp, bệnh ngoài da, về mắt, các bệnh liên quan đến thần kinh, bệnh phụ khoa và đường ruột. Đối tượng chiếm tỉ lệ mắc bệnh cao nhất là phụ nữ và trẻ em.
Tình trạng ô nhiễm sông hồ, ao đầm nước do nhận đồng thời nhiều nguồn thải, lại chưa qua xử lý là nguyên nhân đang đe dọa hoạt động nuôi trồng thủy sản tại địa phương. Tại đầm Gia, ngày 09/06/2006 đã xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt do nồng độ ô xy hòa tan trong nước đột biến xuống quá thấp (0,4mg/l). Đồng thời, tình trạng này cũng góp phần tăng thêm sức ép đối với môi trường sản xuất nông nghiệp của Việt Trì.
Ông Nguyễn Bá Thọ, cán bộ Phòng Quản lý môi trường- Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ đã phải thừa nhận với chúng tôi về sự quá tải trong quá trình thẩm định các báo cáo đánh giá tác động môi trường của các đơn vị gửi đến. Công việc cứ ngày một tăng theo cấp số nhân, mà biên chế cán bộ thì quá mỏng. Cả phòng quản lý môi trường có 7 cán bộ (trong đó có một cán bộ vừa mới về), suốt ngày chỉ đọc các hồ sơ đánh giá tác động môi trường của các dự án mới đã mệt, thì còn thời gian đâu mà đi kiểm tra, thanh tra ô nhiễm môi trường nữa.
Trong tình trạng nhốn nháo hiện nay, các cơ sở sản xuất ở TP. Việt Trì thi nhau gây ô nhiễm mà mắt thường cũng có thể nhận biết được. Tiếc rằng, không hiểu các cơ quan chức năng quản lý về môi trường của tỉnh Phú Thọ ở đâu mà họ lại làm ngơ theo kiểu “mũ ni che tai” như vậy?!.
Những dây chuyền đã quá cũ kỹ như thế này là một phần nguyên nhân khiến ÔNMT tại Việt Trì càng trầm trọng hơn. (Ảnh:Xưởng Ván sợi ép của XN ván nhân tạo và chế biến lâm sản Việt Trì- thuộc Cty ván dăm Thái Nguyên) |
Đem những suy nghĩ này trao đổi với một cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ, chúng tôi chỉ nhận được một lời biện hộ: “Xử lý ô nhiễm môi trường khó lắm đâu phải đơn giản. Để phạt một cơ sở thì phải có các xét nghiệm, thử mẫu chất thải… nhưng việc này lại là chuyên môn của Sở Khoa học và Công nghệ. Sở Khoa học và Công nghệ lại không có trách nhiệm trong quản lý môi trường… Nói chung để xử lý một vụ việc là khó lắm”.
Trước những nguy cơ bệnh tật luôn luôn rình rập, những người dân sinh sống bên cạnh các nhà máy, xí nghiệp ô nhiễm nặng thuộc TP. Việt Trì đang cố vùng vẫy nhưng có vẻ rằng lối thoát duy nhất của họ chỉ còn cách “bán xới” khỏi mảnh đất này. Nhưng phận người nông dân nghèo khó, gia tài bán không có người mua thì “bói” đâu ra tiền để kiếm được “tấc đất cắm dùi” nơi khác. Còn mong cho các nhà máy, xí nghiệp ở đây di chuyển đến các khu công nghiệp tập trung của tỉnh này ư? Xem ra điều đó chỉ có xảy ra ở một tương lai rất xa nào đó mà thôi.
Nắm chắc bệnh tật và cái chết đến dần từ ô nhiễm môi trường mà không tránh, không tự cứu lấy được mình – đó là một thảm kịch đối với những người dân sinh sống trên mảnh đất này. Biết người dân của mình đang từng ngày sống trong nơm nớp lo âu, trong sự ô nhiễm trầm trọng mà không có cách can thiệp, giải quyết đến nơi đến chốn – đó cũng là thảm kịch của những người làm cán bộ nơi đây.
Nói như bà Trạm trưởng Trạm y tế phường Bến Cót, TP. Việt Trì – bác sỹ Lê Phương Loan thì: “Không có gì là lạ nếu các làng, các phường “ung thư” sẽ xuất hiện ngày càng nhiều tại thành phố công nghiệp này”. Vậy, lãnh đạo TP. Việt trì, tỉnh Phú Thọ có “cảm giác” gì không về những dự báo chính xác mười mươi đó?!