Du lịch Bản Đôn đang đuổi khách

Đường vào khu “Lưu trú sinh thái” bẩn thỉu và lầy lội, nhà sàn ẩm mốc, chăn đệm hôi hám và được “khuyến mại” thêm cả rận, chương trình tham quan nghèo nàn, đi một bước cũng phải móc ví.

Ngủ chung với rận và rệp


Nằm cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột chừng 50km, khu du lịch sinh thái Bản Đôn lâu nay vẫn được nhiều du khách trong và ngoài nước tìm tới với mong muốn khám phá những nét văn hóa đặc trưng Tây Nguyên. Tuy nhiên, so với số tiền bỏ ra để mua tour, những trải nghiệm mà du lịch sinh thái Bản Đôn mang lại đã khiến đa phần du khách lắc đầu ngao ngán.

Trong vai một khách du lịch “bụi” tới tham quan, chúng tôi đã tới Bản Đôn vào một ngày cuối tuần sau chặng đường gần 50km gập ghềnh, đầy ổ gà. Tại khu vực đón tiếp khách tham quan, cô nhân viên của Công ty TNHH một thành viên Du lịch và khách sạn Biệt Điện liến thoắng: “Ngủ tại nhà sàn của bản, 25.000 đồng/đêm/người nếu ngủ chung. Thích ngủ riêng thì 10.000 đồng/ngày đêm”.

Vốn là người hay thức khuya, sợ làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của các du khách khác nên phóng viên đành “tặc lưỡi” thuê riêng một nhà sàn để ngủ qua đêm, vừa tiện bảo quản máy móc mang theo. Làm thủ tục đăng kí lưu trú xong, cô nhân viên liền dẫn  “khách” vào khu “Lưu trú sinh thái” của công ty nằm cách đó chỉ vài chục bước chân. Để vào được căn nhà sàn đã thuê, khách phải đi qua một con đường lầy lội, trơn nhẫy bùn đất.

Leo lên chiếc cầu thang gỗ ọp ẹp, mở cửa nhà sàn số 103, cô nhân viên hí hoáy bật điện nhưng mãi mà đèn vẫn không chịu sáng nên đành bảo “khách”: “Anh đợi lát, em lên bảo chúng nó bật điện lên” rồi quày quả quay về phía văn phòng. Vừa bước vào trong nhà sàn, mùi ẩm mốc xộc thẳng vào mũi khiến phóng viên phải quay ra. Chừng 10 phút sau, thấy cô nhân viên quay lại nói: “Điện phòng này hỏng rồi, anh chịu khó sang phòng bên cạnh vậy”.

Nhà sàn bên cạnh cũng chẳng khá hơn là mấy, mùi ẩm mốc vẫn bốc lên như muốn xua khách đi nơi khác. Bật điện, giao phòng xong, cô nhân viên quay bước đi thẳng về văn phòng mà chẳng nói thêm lời nào. Bên trong nhà sàn số 104, 3 chiếc đệm mút tấp đống nằm một góc, chăn màn chất đầy trên bàn nước cũng đang đua nhau bốc mùi khó chịu.

Sắp xếp đồ dùng cá nhân xong, “khách” vào nhà tắm định mở nước rửa mặt nhưng mãi chả thấy nước chảy nên lại phải cuốc bộ đi tìm cô nhân viên công ty Biệt Điện để thắc mắc. Cô nhân viên điềm đạm: “Anh cứ về phòng, em sẽ bật nước lên ngay”. “Khách” quay về phòng đợi gần 1 tiếng đồng hồ vẫn không thấy nước chảy. Khi “khách” trở ra văn phòng để “thắc mắc lần 2” thì văn phòng đã chẳng còn một ai. Thấy phóng viên cứ loay hoay trong văn phòng du lịch, cô bé bán hàng lưu niệm bên cạnh cười bảo: “Họ về ăn cơm hết rồi anh ạ!”. Ăn tối ở quán ăn “gọi mãi mới thấy nhân viên” xong, “khách” quay lại nhà sàn, thấy nước vẫn chưa chảy nên đành ra quán mua 2 chai nước suối lớn để dùng tạm.

20h – Bản Đôn chìm trong bóng tối, chả quán xá nào chịu mở cửa nên phóng viên cùng 5 – 6 du khách khác lếch thếch kéo nhau “ai về nhà sàn nấy” ngủ sớm. Vừa đặt lưng xuống đệm chưa được 10 phút, đã giật nảy mình vì bị “con gì” đốt vào lưng đau nhói. Bên phía nhà sàn 102, có tiếng chửi tục với “con gì”  vừa cắn. Và cứ như vậy cho đến 5h sáng, khi “con gì” đó đã cắn chán rồi, “khách” mới có thể nằm yên. Vừa chợp mắt chưa đầy 5 phút, “khách” lại giật mình tỉnh giấc vì có tiếng nước chảy trong nhà tắm…

Đi cầu treo, chụp ảnh voi cũng phải trả tiền

8h sáng, khi phóng viên ra khỏi nhà sàn đi chụp ảnh, 3 thanh niên ở nhà sàn 102 cũng vừa bước xuống cầu thang, vừa đi họ vừa vạch lưng áo nhau đếm xem ai có nhiều vết “con gì” cắn nhất.

Cùng với 2 cô gái người Nga ở phòng 101, cả nhóm 6 du khách chúng tôi kéo tới văn phòng du lịch để phản ảnh chuyện bị rận, rệp đốt cả đêm và chuyện tối qua không có nước tắm, vẫn cô nhân viên xởi lởi: “Chuyện không có nước tối qua là do đường ống hỏng, sáng nay bọn em mới sửa được. Còn làm gì có chuyện chăn đệm có rận, rệp, bọn em giặt giũ kĩ lắm”. Nói qua nói lại, phải đến khi nhóm 3 cậu thanh niên ở nhà sàn 102 đồng loạt kéo áo lên “khoe” hàng chục vết côn trùng cắn đang tấy đỏ trên lưng, cô nhân viên này mới đánh trống lảng sang chuyện khác. 

Hỏi giá tiền của các dịch vụ du lịch, cô nhân viên chỉ vào tấm bảng treo trên tường nói: “Có ghi hết trên bảng rồi, các anh chị cứ theo đó thực hiện”. Trên tấm bảng có ghi: “Phí tham quan Buôn Đôn: 11.000 đồng/khách bao gồm tham quan cầu treo, nhà sàn cổ, khu văn hóa nhà mồ. Giao lưu văn hóa cồng chiêng: 1.500.000 đồng/show/50 khách. Cưỡi voi: 200.000 đồng/giờ/3 khách…”. Trên tấm bảng quy định việc “Sử dụng dịch vụ cưỡi voi” treo ngoài cửa còn có thêm thông tin: “Quý khách có nhu cầu cưỡi voi, chụp hình với voi xin liên hệ với quầy lễ tân để được hướng dẫn mua vé”.

Thấy giá cưỡi voi đắt quá, 4 du khách “ta” lắc đầu… xin thôi, chỉ có 2 cô gái người Nga là hào hứng vì “Các bạn tôi bảo đến đây mà không cưỡi voi thì phí lắm”. “Vậy các bạn chị còn khuyên gì nữa không?” – Phóng viên hỏi, một trong 2 cô gái đáp lại bằng tiếng Anh: “Bạn tôi bảo không nên ngủ đêm ở đây!” rồi líu ríu leo lên lưng chú voi già đã bị cưa cụt ngà theo hướng dẫn của viên quản tượng.


10h sáng – Nhóm du khách 6 người rủ nhau đi mua quà lưu niệm. Quà ở đây nhiều vô kể, món nào cũng “mang đậm nét văn hóa Tây Nguyên” nhưng hầu hết chỉ là đồ nhái mang từ nơi khác đến, thậm chí còn có cả nanh heo rừng, vuốt hổ. Cầm chiếc vuốt hổ “xịn” mà người bán hàng đưa, phóng viên đưa ngay vào mũi chú chó đang đứng gần, chó ta chẳng những không sợ mà còn tỏ vẻ mừng rỡ vì tưởng đó là khúc xương.


Chọn mãi, cuối cùng cả 6 người cũng mua được những món quà ưng ý. 4 khách “ta” mua 8 chiếc lông đuôi với giá 120.000 đồng/chiếc vì theo quan niệm “lông đuôi voi sẽ mang lại may mắn” rồi cùng lên xe thẳng tiến về Buôn Ma Thuột. Đi được chừng 2km, xe của phóng viên bị thủng săm nên phải dừng lại để thay. Người đàn ông sửa xe thấy nhóm khách khoe nhau những chiếc lông đuôi voi mua được thì tủm tỉm cười. Ông bảo: “Mua là phải đốt thử, nếu không dễ vớ phải cuống lá dừa giả lông voi đấy!”. Nhóm khách nghi ngờ bỏ cả 8 chiếc lông đã mua ra đốt thử thì quả đúng như vậy! Trong 8 chiếc lông chỉ có 5 chiếc “xịn” bốc mùi khét đặc trưng.


Cảm thấy quá thất vọng, 2 “nạn nhân” mua phải 3 chiếc lông voi “cuống dừa” ngán ngẩm bảo nhau: “Nước không có mà tắm, nhà sàn thì hôi hám, chăn đệm toàn rận, đã vậy còn bị lừa nữa! Bản Đôn ơi…Đến một lần rồi thôi!”.