Tổng hợp sổ chứng tử của xã Thanh Vân (huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) cho thấy số người chết do ung thư đã ở mức báo động. Nguyên nhân nào gây nên bệnh cho người dân? Câu hỏi đang cần có đáp án trả lời của ngành chức năng.
Anh Nguyễn Thanh Hải – Trạm trưởng Trạm Y tế xã – lo lắng cho biết: So với dân số toàn xã (hơn 5.000 khẩu) thì số người chết do ung thư quả là chưa đến mức báo động đỏ nhưng cũng đủ giật mình.
Trong bốn năm, xã đã có trên 20 người chết vì ung thư; tính riêng năm 2006 và tám tháng của năm 2007 đã có tới 13 người, chủ yếu tập trung ở các khu thuộc nông trường Vân Lĩnh trước đây.
Nguyên nhân chỉ là phỏng đoán
Được biết, sáu năm qua, bệnh ung thư đã cướp đi sinh mạng của gần 30 người dân trong xã. Sổ chứng tử ghi rõ: Từ tháng 03/2003 đến hết tháng 08/2007 có 21 người chết vì ung thư gan, phổi, vòm họng, đại tràng. Số bệnh nhân tử vong do ung thư tăng đột biến trong năm 2006 và tám tháng của năm 2007. Trong số 13 người đã chết có tới 11 người từng làm ăn, sinh sống trên đất nông trường Vân Lĩnh.
Theo ông Nguyễn Văn Tê (60 tuổi) nguyên là cán bộ phòng kế hoạch của nông trường Vân Lĩnh (nhà máy chè Phú Thọ, nay là Công ty chè Phú Bền), hiện ở khu 12 – xã Thanh Vân và đang bị ung thư phổi giai đoạn cuối, phải duy trì sự sống bằng những liều thuốc giảm đau.
Ông Tê khẳng định đất ở đây đã nhiễm độc nặng sau nhiều năm sử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu bằng những con số giật mình: “Đất thuộc nông trường Vân Lĩnh rộng 16 km2, diện tích chè kinh doanh là 550 ha nhưng mỗi năm phun đến 15 tấn thuốc trừ sâu và các loại hóa chất khác, hiện nay số lượng hóa chất sử dụng phải tăng gấp đôi. Những hóa chất này khuếch tán trong không khí, gặp mưa ngấm sâu xuống đất”.
Anh Đặng Đình Phúc 49 tuổi và ông Hồng ở khu 10 (cách nhà ông Tê vài trăm mét) đang hàng ngày vật lộn với căn bệnh ung thư vòm họng bày tỏ: Chỉ đến năm 2006, khi liên tiếp sáu người chết vì ung thư; rồi thêm vài người nữa phát hiện bệnh đã di căn giai đoạn cuối thì người dân mới thực sự hoang mang.
Người ta đoán già, đoán non là tại kho thuốc trừ sâu của nông trường Vân Lĩnh, có người lại phỏng đoán, do mấy chục năm qua, người dân phun thuốc trừ cỏ, trừ sâu với số lần dày nên thuốc ngấm vào đất, vào nước, tan vào không khí nên người dân sống nơi đây mới bị nhiễm bệnh.
Theo ông Đỗ Xuân Hồng 75 tuổi (khu 12) – người quản lý kho Vật tư của nông trường Vân Lĩnh thì năm 1967, nông trường Vân Lĩnh đã xây dựng kho chứa thuốc trừ sâu bột 666 ở khu vực ngã ba, thuộc khu 12 hiện nay để phục vụ việc chăm sóc chè cho nông trường.
Sau những năm máy bay Mỹ bắn phá miền Bắc, số thuốc trong kho bị ải, quá hạn nên không thể sử dụng.
Người ta tiến hành san ủi mặt bằng để lấy đất làm đường, làm nhà, tất nhiên là là san phẳng luôn cái nhà kho chứa 2,5 tấn thuốc đã quá hạn sử dụng. Nhà ông Hồng và ông Dưỡng vẫn ở trên phần đất được san ủi đó.
Sau nhiều năm, thuốc bột 666 đã bị vón cục, kết dính thành khối. Nhiều lần ông Hồng cuốc đất trồng cây đã lật lên được những vỏ bao, có khi cả tảng thuốc nặng hàng chục kg chưa phân hủy hết.
Ao cá nhà ông gần như bỏ không vì cá thả xuống 10 con thì chết đến tám, con sống cũng chỉ lên được 2 – 3 lạng sau vài ba tháng. Nguồn nước sinh hoạt của hơn 60 nhà quanh khu vực này cũng bị ảnh hưởng.
Chị Trần Thị Tiếp – khu 12 mới chuyển về đây được ba năm. Thời gian đầu, gia đình chị vẫn sử dụng nước giếng khoan tại nhà.
Nước lấy lên có mùi hăng hắc, vẩn đục rất khó uống. Vậy là tuy vất vả nhưng hàng ngày hai vợ chồng chị vẫn thay nhau xách nước từ nhà ông Lộc ở trên đồi về ăn.
Bản thân chị Nga – cán bộ y tế xã cũng thừa nhận là thường xuyên đi xin nước từ nơi khác về dùng.
Bà Đỗ Thu Hà – Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Vân cho biết: Xã cũng đã dẫn đoàn cán bộ về lấy mẫu nước ở nhà ông Đỗ Xuân Hồng. Họ làm xét nghiệm tại đó rồi kết luận là: Nước bình thường! Từ đó đến nay chưa thấy thông báo gì thêm.
Tuy nhiên, khi trao đổi với các gia đình thuộc khu 11, 12 thì đều nhận được câu trả lời: Cán bộ về kiểm tra mẫu nước sao dân không được thông báo.
Trạm Y tế xã – đơn vị gắn bó chặt chẽ và nắm bắt rõ nhất tình hình sức khỏe người dân trong xã cũng không được thông qua.
Hơn nữa, khi kiểm tra xong cũng không có kết luận rõ ràng để người dân yên tâm. Nếu chỉ làm kiểm tra nhanh tại chỗ và chỉ ở nhà ông Hồng thì làm sao chính xác!?.
Vì lợi nhuận mà coi thường tính mạng
Nguyên nhân khiến số người chết vì ung thư tại khu 11 và 12 tăng nhanh là do ô nhiễm từ 2,5 tấn thuốc 666 nằm dưới lòng đất hay vì một nguyên nhân nào khác mới đang là phỏng đoán.
Tuy nhiên, tình trạng sử dụng thuốc trừ sâu tràn lan, không theo quy trình hướng dẫn của Công ty chè Phú Bền dẫn tới coi thường sức khỏe của chính mình và cộng đồng đang là một thực trạng báo động.
Đang vào vụ chè, đến bất cứ đồi chè nào cũng có thể ngửi thấy mùi thuốc trừ sâu khét nồng. Bất chất sự quản lý gắt gao của Công ty chè Phú Bền – đơn vị chủ quản quản diện tích chè trên địa bàn xã, người dân vẫn tìm mọi cách kích thích cây chè tăng trưởng nhanh, tăng lứa hái để tận thu.
Sau mỗi lứa hái là thời gian phun thuốc sâu và đợi chè lên búp, trung bình mỗi tháng chè được phun ba đến bốn lần.
Để kích thích chè, lách quy định của Nhà máy, người dân đã phun loại thuốc kích thích tăng trưởng nhập từ Trung Quốc. Loại thuốc này chứa hàm lượng Nitơ, chất Thiozan (P58) có mùi thối và cực kỳ độc hại.
Để tiết kiệm thời gian, nhân công, thay vì làm cỏ người dân lại sử dụng thuốc diệt cỏ. Phần lớn những loại thuốc người dân sử dụng đều mua ngoài luồng.
Nhà ông Liễu ở khu 8 có 4.000m2 chè, nhưng từ lâu nay ông thuê người phun thuốc và đang cân nhắc xem trồng cây gì thay thế vì không chịu được mùi thuốc trừ sâu nồng nặc trong chính khuôn viên nhà mình.
Những người dân có điều kiện hoặc làm nghề phụ đều thuê người phun thuốc. Dân ở đây cho biết người ta đã quen với mùi thuốc, những ngày mưa hóa chất ngấm xuống đất, khi nắng lên tất cả mọi người đều phải hứng chịu nguồn khí độc hại này và đều bị cay mắt, nôn nao.
Những người mắc bệnh rồi chết vì ung thư đa phần đều ở độ tuổi lao động và là trụ cột của gia đình nên nhiều gia cảnh khá nghèo túng, nheo nhóc. Tất cả đều chung một nỗi lo nhưng vẫn phải nhắm mắt làm ngơ vì cuộc sống mưu sinh trước mắt và cây chè đã gắn liền với cuộc sống của họ.
Đã đến lúc, các ban, ngành chức năng của huyện Thanh Ba, Sở Tài nguyên & Môi trường Phú Thọ bắt tay vào cuộc để tìm hiểu nguyên nhân và có những giải pháp, kết luận hợp lý trước nhân dân.
Ngành Chè Phú Thọ cũng cần phối hợp với chính quyền địa phương khuyến cáo người dân không nên lạm dụng thuốc trừ sâu khi chăm sóc cây chè bởi đây không còn là hiện tượng ở riêng xã Thanh Vân mà là tình trạng chung của tỉnh Phú Thọ hiện nay.