Tỉnh Tiền Giang có khu vực bãi bồi thuộc huyện Gò Công Đông với bờ biển dài 32 km, có 3 cửa sông chính chảy ra biển Đông là: Soài Rạp, Cửa Tiểu và Cửa Đại. Đây là nơi thuận tiện cho việc nuôi trồng và khai thác các loài thủy sản, nhất là con nghêu. Nhằm phát triển nghề nuôi nghêu theo hướng sản xuất hàng hóa, bảo đảm mang tính ổn định và bền vững, UBND tỉnh Tiền Giang vừa chấp thuận cho Sở Thủy sản Tiền Giang thực hiện qui hoạch vùng nuôi nghêu hàng hóa ở ven biển Gò Công từ nay đến năm 2015, định hướng đến năm 2020.
Để có thể tăng cường quản lý, bảo vệ, phát triển nguồn giống nghêu, sò, hến ở vùng ven biển Gò Công, UBND huyện Gò Công Đông đã giao các xã tiến hành cắm cọc xác định ranh giới quản lý cụ thể; trong đó, khu vực quản lý, bảo vệ bao gồm: vùng biển thuộc xã Tân Thành với 226 ha; khu vực ấp Hộ, xã Tân Điền với 600 ha; khu vực ấp Gảnh – Lý Quàn 2 – xã Phú Đông có 175 ha; vùng bãi biển thuộc xã Phú Tân với 376 ha; vùng ven sông thuộc xã Phước Trung với 20 ha; vùng bãi thuộc xã Kiểng Phước với 100 ha.
Trong những năm gần đây, diện tích nuôi nghêu ở huyện Gò Công Đông ngày càng tăng, từ 1.765 ha (năm 1995) đến nay đã tăng lên 2.300 ha. Sản lượng khai thác nghêu bình quân hàng năm khoảng 15.000 tấn (năm 2003 có sản lượng khai thác đạt cao nhất là 25.000 tấn); năng suất nghêu đạt 18 tấn/ha/năm. Trong 9 tháng qua, sản lượng nghêu đạt khoảng 13.000 tấn với 2.300 ha, giá nghêu thịt ổn định từ 12.000 đồng đến 15.000 đồng/ kg. Bước đầu, nghề nuôi nghêu ở Gò Công Đông đã góp phần cải thiện đời sống của cư dân địa phương, giải quyết công ăn việc làm và tăng thu nhập cho khoảng 4.600 lao động thường xuyên và khoảng 10.000 lao động thời vụ, tạo thành vùng cung cấp nguyên liệu ổn định cho công tác chế biến xuất khẩu thủy sản.