ThienNhien.Net – Thuỷ điện là một trong những thế mạnh và là nguồn cung cấp chủ yếu của ngành điện lực Việt Nam. Bên cạnh những công trình thuỷ điện lớn bổ sung nguồn năng lượng kịp thời cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, các công trình thuỷ điện vừa và nhỏ có ý nghĩa rất quan trọng đối với vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên, tại một số địa phương có điều kiện đặc thù, việc phát triển hệ thống bậc thang thuỷ điện vừa và nhỏ sẽ gây tác động đến nhiều vấn đề dân sinh, môi trường và kinh tế xã hội. Vì vậy, những dự án này cần phải được suy xét và cân nhắc một cách đầy đủ. Đó cũng là trường hợp đối với vùng Hương Sơn, Hà Tĩnh.
Hệ thống bậc thang thủy điện vừa và nhỏ trên suối Nậm Sốt thuộc xã Sơn Kim I, huyên Hương Sơn bao gồm công trình thuỷ điện Hương Sơn trên suối Nậm Chốt (1 và 2) và công trình thuỷ điện trên suối Rào An (1 và 2), trong đó công trình thuỷ điện Hương Sơn 1 đã khởi công xây dựng từ năm 2002, các công trình còn lại đang trong giai đoạn nghiên cứu chuẩn bị đầu tư.
Mặc dù các báo cáo nghiên cứu đầu tư đã có những đánh giá nhất định về tính cần thiết cũng như những tác động môi trường khi xây dựng công trình nhưng thiếu sự xem xét một cách tổng thể, chưa đề cập hoặc phân tích sâu các vấn an ninh biên giới, tính hiệu quả của công trình, tác động lên khu vực bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, và đặc biệt là nguy cơ xảy ra sự cố và thảm hoạ môi trường.
An ninh biên giới
Các cụm công trình đầu mối của hệ thống bậc thang thuỷ điện Hương Sơn (Rào An, Hương Sơn, cách biên giới chỉ 4 – 5 km) đều nằm trong hành lang an ninh biên giới Việt – Lào (quy định cách biên giới từ 5 – 10 km). Khi xây dựng công trình quan trọng như công trình thủy điện thì vấn đề bảo vệ công trình ở nơi quá xa sẽ rất phức tạp. Mặt khác cần xem xét đối chiếu với các quy định về bảo vệ hành lang an ninh biên giới Việt – Lào theo thoả thuận của hai nhà nước đối với vị trí đặt các công trình đầu mối hiện nay.
Tính hiệu quả của hệ thống thuỷ điện Hương Sơn
Có thể nhận thấy mục tiêu chủ yếu của các công trình thuỷ điện Hương Sơn là khai thác điện năng phục vụ phát triển kinh tế, hầu như tác động tích cực đến môi trường là không đáng kể vì các công trình hồ chứa dung tích nhỏ nên không có khả năng điều tiết lũ cũng như khả năng nâng cao độ ẩm cải thiện môi trường về mùa khô (mùa khô gần như cạn kiệt).
Về mặt hiệu quả khai thác sử dụng công trình, theo tính toán trong các báo cáo nghiên cứu đầu tư thì hiệu quả cung cấp điện năng không cao (công suất đảm bảo/công suất lắp máy của Rào An 1 là 13,68%, Rào An 2 là 21,15% trong khi mức trung bình thường >25%). Trên thực tế về mùa khô việc cung cấp đủ nước cho phát điện là rất khó, vì các dòng suối sẽ cạn kiệt nước do công trình nằm ngay đầu nguồn (lưu vực cấp nước ngầm hạn chế).
Do có nguy cơ thiếu nước nên dự án đã đề xuất lấy nước từ các nhánh suối khác nhằm kết hợp các lưu vực nhỏ với nhau để tăng công suất phát điện. Điều này dẫn đến nguy cơ cạn kiệt và suy giảm nguồn nước không phù hợp với luật bảo vệ môi trường nước .
Vì vậy ngay cả về mặt kinh tế, các công trình thuỷ điện vừa và nhỏ ở Hương Sơn cũng cần xem xét tính toán lại, nếu không công trình chỉ hoạt động cầm chừng được mấy tháng mùa mưa (cũng chưa chắc đảm bảo ổn định nếu thời gian không có mưa >1 tuần) còn mùa khô có nguy cơ trở thành “công trình văn hoá” của rừng đại ngàn.
Tác động đến khu vực bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học
Tài nguyên rừng của Sơn Kim nói riêng và của huyện Hương Sơn nói chung được đánh giá là nơi có tiềm năng lớn về dự trữ sinh quyển quan trọng của Việt Nam. Thực tế rừng Sơn Kim đã được quy hoạch nằm trong vùng đệm của vườn quốc gia Vũ Quang và trong dự án bảo tồn đa dạng sinh học Bắc Trường Sơn (thực hiện từ thập kỷ 90). Khu vực rừng Hương Sơn đang được điều tra quy hoạch thành khu dự trữ sinh quyển của quốc gia theo kế hoạch hành động quốc gia về đa dạng sinh học đến 2010 và định hướng đến 2020 (79/2007/QĐ-TTg). Như vậy, mọi hoạt động kinh tế xã hội liên quan đến khu vực tài nguyên rừng nơi đây đều có nguy cơ tác động bất lợi đến nguồn lợi tự nhiên này.
Theo đánh giá của các báo cáo đầu tư, diện tích đất lâm nghiệp bị chuyển đổi cho xây dựng công trình không nhiều so với quy mô diện tích rừng của vùng. Tuy nhiên nếu chấp nhận các số liệu tính toán như vậy là hợp lý cũng phải thừa nhận rằng trong điều kiện địa hình đồi núi cao như ở Sơn Kim (độ dốc >300) để có được mặt đường thi công đạt 10 – 12 m thì ít nhất cũng phải phát hoang và vùi lấp từ 20 – 30 m do phải làm ta luy và vùi lấp mái phía dưới; để tiếp cận dọn lòng hồ và xây dựng công trình cũng phải san ủi diện tích tối thiểu gấp 2 – 3 lần diện tích theo tính toán. Thực tế xây dựng công trình thuỷ điện Hương Sơn (theo ý kiến phản ánh tại cuộc họp lãnh đạo các ban ngành Hương Sơn ngày 17/9/2007) thì diện tích rừng bị khai thác sử dụng (>300 ha) đã lớn gấp 3 lần diện tích tính toán (105 ha) và còn phát sinh thêm nữa trong quá trình thi công. Mặt khác hệ thống các công trình đầu mối đều nằm khá xa khu nhà máy phát điện (15 – 25 km) và hầu hết chưa có đường hoặc chỉ là đường lâm nghiệp, vì vậy xây dựng hệ thống đường thi công, đường công vụ này sẽ có nguy cơ làm mất đi diện tích rừng khá lớn của khu rừng đại ngàn Hương Sơn. Việc có hệ thống giao thông vào khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn sẽ tăng thêm nguy cơ rừng bị khai thác, tàn phá; đa dạng sinh học sẽ suy giảm nhanh chóng và như vậy giá trị sản lượng điện năng thu được có bù đắp được những giá trị tiềm năng này hay không?
Nguy cơ sự cố môi trường
Nguy cơ về sự cố và thảm hoạ môi trường nguy hiểm tiềm ẩn nhất đối với khu vực Hương Sơn – Hà Tĩnh là sạt lở, lũ quét . Thực tế trong những thập kỷ gần đây (năm 1980 và năm 2002) vùng này đã từng xuất hiện những trận lũ quét rất lớn và trên diện rộng gây thiệt hại rất nặng nề.
Nguy cơ hình thành sự cố rủi ro về môi trường khu vực đồi núi Hương Sơn được hình thành dựa trên những điều kiện sau:
(1). Lượng mưa và chế độ mưa: Hương Sơn là một trong những trung tâm mưa lớn của miền trung. Lương mưa trung bình năm thường từ 2500 – 3500 mm và thường có mưa lớn tập trung. Trận lũ quét năm 2002 lượng mưa ở Sơn Diệm là 753 mm (mưa ngày lớn nhất là 350 mm).
(2). Địa chất: Theo phân tích về địa chất trong các báo cáo đầu tư thủy điện Hương Sơn cho thấy các lớp phong hoá ở đây rất dày, độ mịn hạt cao (nhiều sét) và bở rời. Các hiện tượng địa chất động lực công trình đã xuất hiện tại khu vực này là hiện tượng sạt lở và lũ bùn đá và hiện tượng xói rửa phá lở sườn dốc . Đây là những yếu tố rất nhạy cảm với quá trình địa mạo động lực. Hiện tại nơi đây thảm thực vật đang được bảo tồn góp phần bảo vệ cho sự ổn định của địa hình tự nhiên chống lại sự phát triển của các hiện tượng địa chất động lực. Do vậy nếu chúng ta phá vỡ sự cân bằng tự nhiên các hiện tượng địa chất có thể phát triển và gây hậu quả không lường trước được.
(3). Điều kiện địa hình:
– Độ dốc địa hình lưu vực có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình thoát nước. Lưu vực có độ dốc lớn, khi mưa nước theo các sườn dốc thoát nhanh xuống sông chính, ngược lại độ dốc nhỏ nước thoát chậm hơn. Độ dốc địa hình cũng liên quan chặt chẽ với cường độ xâm thực xói mòn bề mặt sườn. Các sườn có độ dốc lớn thường bị xói mòn mạnh đôi khi kèm theo cả các quá trình trượt lở. Vùng đồi núi Hương Sơn phần lớn có độ dốc cao >300.
– Phân cắt sâu: Phân cắt sâu phản ánh mức độ chia cắt địa hình theo chiều thẳng đứng. Phân cắt sâu lớn thường dẫn đến sự phát triển các hệ thống khe rãnh xâm thực và các sườn trượt đất, đổ lở. Trong lưu vực sông suối Hương Sơn mức độ chênh lệnh địa hình lớn nhất có thể lên tới 100m/km2. Phân cắt sâu liên quan chặt chẽ với hệ thống đứt gãy trẻ.
Theo thang đánh giá độ rủi ro do yếu tố địa hình, vùng đồi núi Hương Sơn có dốc phần lớn >300, địa hình bị chia cắt mạnh mẽ thành những hẻm, vực sâu, độ dốc rất lớn, như vậy độ rủi ro ở mức cao.
(4). Thảm thực vật: Hiện tại trên các vùng thượng nguồn Hương Sơn là rừng tự nhiên, tuy đã bị khai thác nhiều những năm gần đây nhưng tiềm năng tài nguyên rừng vẫn rất phong phú đa dạng. Ngay cả khu vực lòng hồ, theo khảo sát của cơ quan lập dự án, vẫn còn rừng nguyên sinh. Đây là yếu tố rất quan trọng giữ nước, điều tiết nguồn nước và bảo vệ xói mòn rửa trôi đất khi có mưa lớn.
(5). Về điều kiện khí tượng: Vùng Hương Sơn thường có chênh lệch nhiệt độ không khí trong ngày và trong năm rất lớn . Do tác động của nhiệt độ, mưa nắng, bề mặt đất bị phong hoá, giảm tính liên kết và dễ sụt lở khi có mưa lớn.
Phân tích tổng hợp các yếu tố hiện hữu ở Hương Sơn cho thấy nguy cơ về hiểm hoạ môi trường do sạt lở lũ quét gây ra là rất lớn nếu có thêm tác động của những hoạt động của con người vào khu vực đồi núi cao thượng nguồn các hệ thống sông.
Trong thời gian gần đây vùng Hương Sơn đã chịu nhiều trận sạt lở lũ quét, trong đó nghiêm trọng nhất là trận lũ quét xảy ra vào năm 1980 và năm 2002. Thực tế các vụ sạt lở đất xảy ra thường xuyên và trên diện rộng ở khu vực đồi núi Hương Sơn, đặc biệt là trên tuyến quốc lộ 8A những năm qua cho thấy đất đai ở đây rất dễ bị sạt lở khi có mưa lớn. Hàng năm trên quốc lộ 8A luôn bị sạt lở hàng vạn mét khối đất đá (sạt lở đất diễn ra trên đoạn đường dài khoảng 18 km). Khi thi công các bậc thang thuỷ điện Hương Sơn sẽ có các tuyến đường trong phạm vi hẹp đi vào rừng phòng hộ đầu nguồn có nguy cơ sạt lở cao là đường thi công vào nhà máy thủy điện Hương Sơn và các công trình đầu mối (Nước Lạnh và Nậm Luông) khoảng 20 – 25 km và đường thi công thuỷ điện Rào An (đến nhà máy và 3 công trình đập đầu mối) khoảng 15 – 20 km.
Ngoài các nguy cơ thường xảy ra trước đây như sạt lở, lũ quét, việc gia tăng xây dựng các công trình trong khu vực phòng hộ đầu nguồn Hương Sơn sẽ làm tăng thêm cường độ và rút ngắn chu kỳ diễn ra lũ quét và có thể dẫn đến nguy cơ xảy ra sự cố và hiểm hoạ môi trường nghiêm trọng:
(1). Nguy cơ lũ quét do vỡ đồng loạt hệ thống các hồ chức nước: Xây dựng hệ thống thuỷ điện bậc thang vùng Hương Sơn có thể dẫn đến nguy cơ làm tăng thêm khả năng hình thành lũ quét trên địa bàn và nếu xảy ra thì mức độ khốc liệt và thiệt sẽ rất lớn. Thực tế ở Việt Nam đã có hiện tượng lũ quét xảy ra do toàn bộ hệ thống hồ chứa nước bậc thang bị vỡ như trường hợp ở Đăk Lăk năm 1990.
(2). Nguy cơ lũ quét do sạt lở sườn núi tạo thành nhiều điểm chứa nước tạm thời: Việc xây dựng các cụm công trình thuỷ điện và hệ thống giao thông (đường thi công và đường công vụ) tác động trực tiếp vào thảm thực vật, cấu trúc các sườn núi ven đường và ven sông tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình sạt lở đất phát triển khi có mưa lớn. Đây là nguy cơ tiềm ẩn gây ra lũ quét khi núi bị sạt lỡ làm tắc nghẽn dòng chảy tạo hồ chứa nước tạm thời. Hiện tượng này đã xảy ra nhiều nơi có lũ quét ở Việt Nam như ở Thị xã Lai Châu năm 1990, thị trấn Mường Lay – Lai Châu năm 1994.
(3). Nguy cơ lũ quét nghiêm trọng khi xảy ra đồng thời cả hai quá trình trên: Nếu quá trình này diễn ra thì đây thực sự là sự cố môi trường nghiêm trọng đối với vùng Hương Sơn và hạ lưu.
Dựa trên những phân tích trên, chúng tôi đưa ra một số kiến nghị sau:
1. Lũ quét và sạt lở đất trước đây đã từng xảy ra ở vùng Hương Sơn (theo loại hình tự nhiên) và ngày càng có xu hướng gia tăng theo cường độ tác động của con người. Nguy cơ về xảy ra sự cố, thảm hoạ môi trường như sạt lở, lũ quét có thể trầm trọng hơn là rất lớn đối với khu vực Hương Sơn khi xây dựng thêm các cụm công trình thuỷ điện ở thượng nguồn. Nếu sự cố xảy ra, thiệt hại về người và kinh tế xã hội là rất lớn vì ngay sát hạ lưu công trình thuỷ điện (Cầu Nước Sốt) là khu vực dân cư đông đúc và vùng sản xuất. Như vậy vùng Hương Sơn nằm trong khu vực có nguy cơ cao về sạt lở lũ quét, chiếu theo điều 10 luật xây dựng năm 2003 thì đây là khu vực cấm xây dựng công trình.
2. Các công trình thuỷ điện Hương Sơn có thể mang lại hiệu quả kinh tế trước mắt, nhưng về lâu dài không thể bù đắp được những thiệt hại về giá trị của môi trường tự nhiên, hậu quả về kinh tế xã hội không những cho cộng đồng dân cư huyện Hương Sơn mà còn ảnh hưởng đến cả vùng dân cư rộng lớn của các huyện vùng hạ lưu sông Ngàn Phố.
3. Các cơ quan chức năng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng đối với việc đầu tư xây dựng các công trình thuỷ điện trên địa bàn Hương Sơn cần có thêm nhiều ý kiến tư vấn phản biện từ nhiều cơ quan đơn vị chuyên ngành, từ các nhà khoa học… để từ đó cân nhắc xem xét tổng thể lựa chọn phương án phù hợp.
4. Đối với công trình thuỷ điện Hương Sơn (khởi công từ 2002) cần có thêm những nghiên cứu đánh giá chi tiết hơn về tác động môi trường, nhất là những sự cố và thảm hoạ có thể xảy ra. Nếu tiếp tục thực hiện cần thiết lập hệ thống cảnh báo sạt lở lũ quét trên toàn tuyến (từ lưu vực thượng nguồn về đến các khu dân cư bị tác động vùng hạ lưu) để kịp thời đối phó khi có sự cố xảy ra.
Việc thực hiện công trình này chưa tuân thủ quy trình theo lụât bảo vệ môi trường: Theo quy định theo điều 18 của Luật bảo vệ môi trường năm 1993 (áp dụng khi khởi công công trình này), kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường là căn cứ phê duyệt dự án hoặc phép thực hiện dự án. Tuy nhiên dự án này lại khởi công từ năm 2002 nhưng báo cáo đánh giá tác động môi trường mới được lập từ 2004.
5. Đối với công trình thuỷ điện Rào An (1 và 2), nên xem xét coi trọng bảo vệ môi trường, tiềm năng đa dạng sinh học, bảo vệ đời sống và sinh kế của dân cư vùng hạ lưu là ưu tiên hàng đầu.
6. Thiết lập hệ thống giám sát cộng đồng đối với việc xây dựng các công trình vùng đồi núi trên địa bàn Hương Sơn.