Theo Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Hình sự và Luật Bảo vệ môi trường, hành vi mua và nuôi nhốt hổ trái phép bị nghiêm cấm, không những bị xử phạt hành chính, mà còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhưng trong vụ nuôi nhốt 10 con hổ trái phép, chủ cơ sở chỉ bị UBND tỉnh Thanh Hoá phạt 30 triệu đồng, gia đình này còn được tỉnh giao lập phương án để tiếp tục nuôi nhốt…
Thời gian gần đây, hàng loạt các vụ nuôi nhốt hổ trái phép đã được phát hiện tại các tỉnh Thanh Hoá, Thái Nguyên. Những hành vi này vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt
Để xử lý nghiêm minh và triệt để các vụ việc này, mặc dù Bộ NN&PTNT đã có văn bản báo cáo chính phủ, đề nghị chỉ đạo chính quyền các tỉnh Thanh Hoá, Thái Nguyên xử lý kiên quyết hành vi nuôi nhốt hổ bất hợp pháp, nhưng đến nay, việc xử lý vẫn đang rất chậm chạp, thậm chí một số địa phương có biểu hiện dung túng cho những sai phạm.
Gia đình ông Nguyễn Mậu Oai, xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân, Thanh Hoá đang nuôi nhốt trái phép 10 cá thể hổ, số hổ này do ông Nguyễn Mậu Chiến, con ông Oai, tạm trú tại Hà Nội mua và tổ chức nuôi nhốt. Toàn bộ số hổ được khai báo là mua tại xã Na Mèo, huyện Quan Sơn – vùng giáp Lào từ tháng 10/2006, với trọng lượng mỗi con trung bình từ 3 – 4kg, không có bất kỳ giấy tờ nào chứng minh nguồn gốc. Mặc dù mua và nuôi nhốt hổ trái phép, nhưng mọi hoạt động được diễn ra công khai giữa khu dân cư.
Theo ông Nguyễn Mậu Oai, xã Xuân Tín, Thọ Xuân, Thanh Hoá: “Ở đây chính quyền xã, huyện đều biết gia đình tôi nuôi, nhưng các anh ấy cũng thông cảm”.
Trong khi chưa xử lý thoả đáng vụ việc trên, ngày 13/10 vừa qua, cũng tại xã Xuân Tín lại xảy ra 1 vụ việc tương tự. Trang trại của ông Nguyễn Văn Tư – một cán bộ xã nuôi nhốt trái phép 7 cá thể hổ, trọng lượng từ 30 đến 40 kg/con, cũng được khai báo là mua từ vùng giáp Lào.
Ông Nguyễn Văn Tư, xã Xuân Tín, Thọ Xuân, Thanh Hoá: “Chúng tôi thấy chủ hổ ở Bình Dương, cũng như mọi người nuôi được thì chúng tôi cũng nuôi, còn Nhà nước định thu lại thì tôi sẵn sàng trả…”.
Trong cả 2 vụ nuôi nhốt hổ trái phép ở Xuân Tín đều được xử lý rất muộn, sau khi các trại hổ hoạt động từ 6 tháng đến 1 năm. Chính quyền địa phương không những không xử lý ngay từ đầu, mà còn dung túng cho những sai phạm.
Ông Trần Ngọc Công, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Tín, Thọ Xuân, Thanh Hoá cho biết: “Khi các hộ dân báo cáo, chúng tôi đang hướng dẫn họ lập phương án nuôi nhốt…”.
Còn các đơn vị Kiểm lâm tỉnh Thanh Hoá được giao chức năng giám sát việc thực hiện Luật Bảo vệ và phát triển rừng lại cho biết: “Họ không hề biết có sự tồn tại của các trại hổ này”.
Ông Phí Đức Quế, Phó Chi cục trưởng chi cục kiểm lâm Thanh Hoá: “Chúng tôi không thể biết, chỉ đến khi quần chúng nhân dân báo tin…”. Đây là cách lý giải khó thuyết phục, bởi trại hổ đã hoạt động công khai trong thời gian dài.
Với cách xử phạt để cho tồn tại như vụ nuôi nhốt 10 con hổ trái phép ở Thanh Hoá, chắc chắn trong thời gian tới, sẽ còn xuất hiện nhiều cái gọi là mô hình “trang trại hổ”. Không có bằng chứng rõ ràng về mục đích của việc nuôi nhốt hổ, chỉ biết rằng, các lò nấu cao hổ đang xuất hiện ngày một nhiều, giá 1 lạng cao có thể lên tới 20 triệu đồng.