ThienNhien.Net – Hiện tượng ô nhiễm do các nhà máy tại khu công nghiệp thị trấn Phú Thái là rõ ràng. Không chỉ người dân bức xúc, chính quyền địa phương ở đây cũng lên tiếng mạnh mẽ. Không hiểu sao những kiến nghị của chính quyền sở tại bao nhiêu năm nay tỉnh vẫn không thấu.
Kỳ 1: Bỏ nhà đi vì ô nhiễm
Kiểm tra lấy lệ
Ngày 11/10/2007 chúng tôi có mặt tại Khu công nghiệp Phú Thái, một không khí vắng lặng đến lạ thường. Cơ sở tái chế nhựa Kim Thành, đơn vị tái chế 150 tấn nhựa vi phạm đang bị dừng hoạt động đã đành, đến Công ty TNHH Thành Phát cũng thấy “nghỉ ngơi”. Không có cảnh sản xuất ồn ào, không có nước thải như trong đơn của những hộ dân tố cáo.
Ông Nguyễn Văn Điền, người quá thuộc giờ giấc hoạt động của nhà máy khẳng định: “Chắc chắn sắp có đoàn về kiểm tra, mỗi lần có đoàn về nhà máy bao giờ cũng nghỉ hoạt động trước mấy ngày”. Đúng như lời ông Điển khẳng định, sáng 12/10 đoàn kiểm tra từ Sở tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương đã về kiểm tra tại Công ty TNHH Thành Phát. Công ty hôm đó trở lại hoạt động trở lại bình thường. Bà Phạm Thị Tỉnh giải thích: “Mấy hôm nay cho công nhân học nên nhà máy ngừng hoạt động”. Ông Dương Văn Long, phó chủ tịch UBND thị trấn Phú Thái cho biết: “Họ được báo trước sẽ có đoàn xuống kiểm tra nên giờ có kiểm tra cũng chẳng có ý nghĩa gì”.
Bọt nước thải không được thu gom, để chảy tràn lan |
Theo quy định, mỗi khi các đoàn về kiểm tra phải thông báo trước để doanh nghiệp biết, chỉ có thanh tra môi trường mới được phép kiểm tra đột xuất. Thế nhưng
thanh tra chỉ kiểm tra những sai phạm về quy trình hoạt động, họ không có chức năng kiểm tra mức độ ô nhiễm, việc này thuộc trách nhiệm của đoàn giám sát, quan trắc.
Ngày 12/10 khi đoàn quan trắc về kiểm tra tại Công ty TNHH Thành Phát, chị Bùi thị Nhung, cán bộ Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Kim Thành và ông Dương Văn Long cũng được mời tới dự. Sau khi đi kiểm tra một vòng, đoàn tiến hành lấy mẫu nước xét nghiệm theo sự chỉ dẫn của giám đốc Công ty Thành Phát. Xem xét nguồn nước lấy mẫu chị Nhung và ông Long khẳng định, nước ngày thường hoàn toàn khắc hẳn, nguồn nước đen đậm đặc và bốc mùi rất nặng. Rõ ràng Công ty đã có sự chuẩn bị rất kỹ trước khi đoàn kiểm tra về. Theo yêu cầu của của chị Nhung và ông Long, phải lấy nguồn nước chỗ khác mới có thể chính xác nhưng lấy ở đâu khi mà hồ chứa nước cũng đã được lắng từ mấy hôm trước?
Bà Phạm Thị Uyên, phó giám đốc Trung tâm quan trắc cũng là trưởng đoàn kiểm tra phát biểu: “Chúng tôi chỉ kiểm tra và đưa ra kết luận vào thời điểm kiểm tra, còn trước đó như thế nào chúng tôi cũng không dám nói”.
Ông Dương Văn Long ngao ngán: “Tôi chỉ quan sát bằng mắt và thấy nguồn nước thải Công ty Thành Phát rất bẩn, mức độ nguy hại đến đâu tôi không biết nhưng rõ ràng những người dân ở đây không thể chịu nổi. Đến cây cỏ còn không sống nổi nói gì đến con người. Kiểm tra thế này theo tôi chẳng nói lên được điều gì, kiểm tra mà đi báo trước thì làm sao khách quan được”.
Hiện có trên 3 ha đất nông nghiệp xen lẫn trong KCN nhưng đã phải bỏ hoang suốt 5 – 6 năm nay do cây cối không thể mọc được. Những người dân có ruộng đang sống bằng những khoản trợ cấp hàng năm của doanh nghiệp. UBND huyện và Thị trấn đã rất nhiều lần có ý kiến với UBND tỉnh Hải Dương, Sở tài nguyên Môi trường…về việc gây ô nhiễm của các nhà máy tại địa phương. Tuy nhiên tỉnh vẫn không có động tĩnh gì. Năm ngoái, thanh tra Sở tài nguyên về kiểm tra và xử phạt một số doanh nghiệp trong đó riêng Công ty giấy Thành Thái 3 triệu đồng nhưng khi xử phạt xong các Công ty này vẫn tiếp tục như cũ.
Đến những quyết định khó hiểu
Trước những bức xúc của người dân và chính quyền sở tại nơi đây, ngày 09/03/2007 UBND tỉnh Hải Dương có quyết định số 1102/ QĐ-UBND về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án nhà máy giấy Thành Phát. Quyết định nêu rõ: “ Phải hoàn thành toàn bộ các hệ thống xử lý môi trường trong năm 2008. Hiệu quả xử lý phải được cơ quan chuyên môn đánh giá và cơ quan quản lý kiểm tra xác nhận đảm bảo tiêu chuẩn cho phép”.
Quyết định này thực sự “thách đố” những người dân sống quanh nhà máy cũng như chính quyền địa phương. Ông Long nhận xét: “Từ lâu, nhà máy giấy Thành Phát đã gây ô nhiễm mỗi trường. Nếu cho phép đến hết năm 2008 mới hoàn thành hệ thống xử lý nước thải e rằng dân ở đây không thể chịu đựng đến thời điểm đó… Nếu công ty vi phạm thì phải dừng sản xuất đến lúc lắp đặt xong hệ thống xử lý nước thải mới cho phép hoạt động tiếp mới đúng”.
Cũng trong quyết định này, UBND tỉnh “ Uỷ nhiệm cho Sở tài nguyên Môi trường thực hiện kiểm tra giám sát…”. Với việc kiểm tra được báo trước như ngày 12/10 vậy kết quả kiểm tra có đáng tin cậy không.
Trước những khiếu kiện liên tiếp của nhân dân khu phố Ga cũng như thực tế ô nhiễm từ Công ty TNHH Thành Phát, ngày 30/07/2007 UBND huyện Kim Thành đã có công văn số 378/CV-UBND gửi Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương. Trong Công văn có đoạn: “Trong quá trình hoạt động sản xuất nước thải của công ty hầu như không được xử lý, xả trực tiếp ra mương tiêu thoát nước của khu vực, buổi tối bơm trực tiếp ra sông Kinh Môn với lưu lượng nước lớn gây nên nên mùi hôi thối ô nhiễm môi trường khu dân cư và trực tiếp là nguồn nước của nhà máy nước sạch thị trấn Phú Thái, gây bức xúc và hoang mang trong nhân dân khi sinh hoạt và sử dụng nguồn nước sạch…Tình trạng ô nhiễm môi trường ngày một gia tăng gây bức xúc trong nhân dân. Vào ngày 10 và 25 hàng tháng (kỳ tiếp dân hàng tháng – PV) cử tri và nhân dân kéo đến yêu cầu sớm có biện pháp kiên quyết với Công ty TNHH Thành Phát. UBND huyện đã giải thích nhưng nhân dân vẫn không nhất trí, khả năng sẽ tiếp tục tập trung đông người để lên tỉnh và Trung ương để đề nghị được giải quyết dứt điểm”.
Từ thực tế đó UBND huyện Kim Thành đề nghị: “Nếu Công ty không có khả năng thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường theo quy định. Đề nghị UBND tỉnh cho đình chỉ hoạt động nhà máy”.
Không biết những người dân Phú Thái sẽ còn bao nhiêu lần gửi đơn kiến nghị như thế này. |
Đem những thắc mắc của người dân thị trấn Phú Thái cũng như chính quyền nơi đây đến Sở tài nguyên Môi trường tỉnh Hải Dương. Ông Vũ Đình Hiền, Phó Phòng Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Hiện nay tất cả các KCN đóng trên địa bàn tỉnh đều không có hệ thống xử lý nước thải theo quy định. Gọi là KCN nhưng quy hoạch không đồng bộ, mỗi doanh nghiệp đến làm một kiểu dẫn đến tình trạng lộn xộn. Riêng KCN tại Phú Thái chúng tôi cũng tiến hành kiểm tra, tuy nhiên chúng tôi không được phép bắt Doanh nghiệp dừng hoạt động. Với vai trò của mình, chúng tôi đã có báo cáo lên giám đốc Sở tài nguyên và Môi trường, Sở báo cáo với UBND tỉnh và xử lý như thế nào là do tỉnh”.
Nói về trường hợp gia đình chị Đỗ Thị Thích, ông Hiền đổ lỗi: “Tại bà Thích tham, trước đây Doanh nghiệp đền bù để di dời thì bà chê ít bây giờ muốn đi doanh nghiệp không giải quyết nữa bà lại kiện”. Việc ông Hiền đỗ lỗi cho chị Thích thật khó chấp nhận!
Đáp lại công văn số 378/CV-UBND của UBND huyện Kim Thành, ngày 02/10 UBND tỉnh Hải Dương đã có công văn số 1333/UBND-VP giao cho Sở tài nguyên Môi trường kiểm tra Công ty TNHH Thành Phát. Đến ngày 12/10 đoàn đã về kiểm tra. Kết quả phải một thời gian nữa mới có nhưng với cách kiểm tra như đã nói ở trên chắc chắn một kết quả có lợi lại thuộc về phía doanh nghiệp. Xem ra, người dân thị trấn Phú Thái sẽ còn phải sống trong cảnh ô nhiễm dài dài. Chính quyền địa phương còn lắm nhọc nhằn trong việc trả lời những khiếu kiện của người dân.