Ngày 10/10/2007, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia Chương trình con người và sinh quyển (MAB) thuộc Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Trường đại học Queensland, Ôtxtrâylia đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Khu dự trữ sinh quyển thế giới – Mô hình phát triển bền vững trong tương lai”.
Đây là chương trình được tổ chức theo sáng kiến của UNESCO về sử dụng các khu dự trữ sinh quyển thế giới như những phòng thí nghiệm học tập cho phát triển bền vững. Giáo sư Ockie Bosch, Hiệu trưởng Trường quản lý hệ thống nông thôn và thiên nhiên, trường Đại học Tổng hợp Queensland giới thiệu về khái niệm và thực hiện phòng thí nghiệm học tập cho phát triển bền vững và hướng dẫn thảo luận về quản lý thích ứng và thực hiện phòng thí nghiệm cho phát triển bền vững.
Để xây dựng và thực hiện phòng thí nghiệm bền vững, cần có tính thích nghi, tức là mọi yếu tố như con người, điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế- xã hội phải tìm được tiếng nói chung thì mới có điều kiện áp dụng vào thực tế. Nếu xây dựng được phòng thí nghiệm bền vững tại Cát Bà, trước hết phải xem xét đến con người, điều kiện kinh tế xã hội nơi đây và mối quan tâm của các cơ quan chức năng của thành phố cũng như của mỗi người dân.
Như vậy, phòng thí nghiệm học tập phát triển bền vững không phải là một phòng thí nghiệm đơn thuần mà gồm cả điều kiện tự nhiên, cảnh quan môi trường và con người ở Cát Bà cũng như những người quan tâm. Hội thảo nhằm mục đích đưa ra những tiêu chí cũng như các vấn đề đang được quan tâm để xây dựng và hoàn thiện những khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam.
Các nhà khoa học của Trường đại học Queensland và Uỷ ban MAB Việt Nam có chương trình xây dựng Cát Bà trở thành phòng học tập thí nghiệm đầu tiên trong số 508 Khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Tới đây, các nhà khoa học sẽ cùng thành phố đề xuất các dự án nghiên cứu xây dựng phòng thí nghiệm học tập đầu tiên tại Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà theo cam kết của Trường đại học Queensland và theo ghi nhớ giữa chính quyền bang Queensland và thành phố Hải Phòng.