Mưa xuống, nắng lên, bụi, rồi mùi hôi thối bốc ra, trong đó có cả mùi từ các thùng đựng hoá chất, có lúc không thể chịu nổi. Các cơ sở sơ chế phế liệu trước khi xay nghiền, hay đóng khối đều có công đoạn rửa phế liệu; nguồn nước thải từ đây đổ vô tội vạ ra hồ, đầm, ruộng.
Không còn là những gánh hàng rong toòng teng, rong ruổi trên đường, cái nghề “chè chai đồng nát” xưa, nay được mang một cụm từ “kinh doanh phế liệu” có qui mô hoạt động lớn, liên tỉnh và xuyên quốc gia.
Cũng như nhiều địa phương khác, kinh doanh phế liệu ở Hải Phòng đang là vấn đề xã hội quan tâm bởi những tác động tiêu cực của nó đối với môi trường sống của con người.
“Phố chè chai”
Từ những năm 1980, ở xã Tràng Minh (nay là phường Tràng Minh), quận Kiến An, Hải Phòng đã hình thành các hoạt động thu gom, mua bán phế thải như giẻ, nhựa, các vật dụng đã loại bỏ, gọi chung là đồ đồng nát.
Từ khi có cơ chế thị trường, hoạt động thu gom, mua bán phế liệu ở đây càng trở nên tấp nập và trở thành điểm kinh doanh lớn nhất loại hàng này ở thành phố cảng với hơn 1 nghìn hộ dân, phường Tràng Minh có hơn 1 trăm hộ làm nghề mua bán sơ chế phế liệu.
Riêng khu dân cư số 4 có gần 40% hộ theo nghề này. Nghề thu mua đồ chè chai khiến không ít người phất lên nhanh chóng. Chỉ có điều quanh năm phải sống chung với rác.
Trung bình 1 ngày, lượng phế liệu chuyển về Tràng Minh tới hàng chục tấn và đồng thời cũng cung ứng cho các thương gia khắp nơi một lượng phế liệu cũng gần tương đương dưới dạng xay nhỏ, hoặc đóng khối.
Mưa xuống, nắng lên, bụi, rồi mùi hôi thối bốc ra, trong đó có cả mùi từ các thùng đựng hoá chất, có lúc không thể chịu nổi. Các cơ sở sơ chế trước khi xay nghiền, hay đóng khối đều có công đoạn rửa phế liệu; nguồn nước thải từ đây đổ vô tội vạ ra hồ, đầm, ruộng.
Những dư thừa qua sơ chế phế liệu như gỉ sắt, cao su, kim tiêm y tế… không được xử lý đến nơi đến chốn. Thậm chí có hộ kinh doanh còn đem ra vệ đường đổ, hoặc đốt, gây ô nhiễm môi trường.
Thực trạng trên, trước đây ai cũng cho là chuyện nhỏ. Chỉ khi những hộ dân xung quanh quá bức xúc trước cảnh “quýt làm, cam chịu”, thì “chuyện nhỏ” mới bung ra thành “to”.
Càng ngày càng có nhiều phố chè chai mới hình thành. Cách đây không lâu, ở phố chè chai, phường Tràng Minh cũng đã xảy ra vụ, một cơ sở sơ chế phế liệu vật hành lò đốt rác, toả ra khói độc gây ô nhiễm, đã bị 50 người dân ở đây kéo đến đập phá, gây phức tạp về an ninh trật tự. Phố chè chai lại thêm nhiều việc phải làm.
Thị trường lớn với hàng loạt vấn đề phức tạp
Nghề kinh doanh phế liệu, từ xưa đến nay vẫn được coi là buôn bán nhỏ. Song tới “phố chè chai” tìm hiểu, mới thấy hàng loạt vấn đề phức tạp. Trước hết, công việc lao động của những người chuyên thu gom phế liệu là hết sức vất vả, lam lũ. Điều hết sức đặc biệt, hiện nay có một số người Trung Quốc sang khảo sát, đặt mua phế liệu.
Trong đó có người còn thuê địa điểm, tập kết hàng, tổ chức sơ chế rồi mới đem đi Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Họ “buôn ăn mày, lãi quan viên”, mà ta hiểu là “mua một, bán mười”.
Trong một thời gian ngắn, Chi cục Thuế đã phối hợp với Cảnh sát kinh tế Công an quận Kiến An, kiểm tra, phát hiện 8 vụ trốn thuế và xử lý phạt, truy thu 49.103.776 đồng.
Đáng chú ý, trong đó có 2 trường hợp là ông Dai Sang You người Trung Quốc và bà Nguyễn Thị Hợi ở số 2/132 đường Hàng Kênh, quận Lê Chân, Hải Phòng; thuê địa điểm tại khu 4, phường Tràng Minh để thu mua phế liệu, đưa đi Móng Cái và Trung Quốc bán nhưng không có giấy phép kinh doanh.
Tình hình kinh doanh buôn bán hàng phế liệu ở Tràng Minh, Hải Phòng hiện nay đang có những diễn biến phức tạp về ô nhiễm môi trường, trật tự công cộng và vi phạm chính sách thuế, cần phải được các cấp, các ngành phối hợp chỉ đạo tuyên truyền, có biện pháp cụ thể qui hoạch địa điểm sản xuất, xử lý các nguồn thải, quản lý tốt về hoạt động kinh doanh và an ninh trật tự