Tại các cánh đồng rau muống, mồng tơi, ngải cứu xanh mướt thuộc thôn Bằng B, phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai), mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Nguồn nước dùng để tưới tiêu chủ yếu lấy từ sông Tô Lịch.
Chiều 10/10, đích thân Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đến kiểm tra tại một số vùng sản xuất rau của Hà Nội. Đây là đợt ra quân đầu tiên trong chiến dịch kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn nông sản trên toàn quốc. Tại Hà Nội, kết quả cho thấy vẫn còn rất nhiều vùng không đảm bảo các tiêu chuẩn sản xuất an toàn tối thiểu…
Ông Lê Văn Bầm, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ NN-PTNT) thốt lên: “Không biết dưới những gốc rau kia chứa bao nhiêu chất độc hại”. Ông Nguyễn Thế Hùng, Bí thư Đảng ủy phường Hoàng Liệt cho biết: “Do không có các giếng khoan, nên bà con chỉ có cách là lấy nước sông Tô Lịch để tưới. Tại đây, vẫn còn khoảng 60 ha rau với khoảng 400 hộ trồng rau”.
Bộ trưởng Cao Đức Phát nhắc nhở: “Để dân trồng rau bằng nguồn nước mất vệ sinh như thế là không nên. Nếu muốn tiếp tục duy trì sản xuất bắt buộc phải có nguồn nước đảm bảo”.
Đến vùng trồng rau thuộc xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, nơi đã được Hà Nội quy hoạch vào vùng sản xuất rau an toàn, Đoàn kiểm tra mới phát hiện ra “bệnh thành tích” ở ngay trên những luống rau. Sở NN-PTNT Hà Nội đã có báo cáo “rất hay” về vùng rau an toàn trong khi phần lớn bà con ở đây vẫn không biết thế nào là rau an toàn.
Khi nghe Bộ trưởng Cao Đức Phát hỏi, chị Chu Thị Loan ở thôn Đại Lan, xã Duyên Hà thật thà: “Ở đây mạnh ai nấy làm, tự mày mò trồng là chính, chẳng có ai hướng dẫn. Nếu rau bị sâu, cứ thuốc rẻ mà phun”. Cả vùng sản xuất rau ở Duyên Hà có 50 ha, nhưng chỉ có 5 cán bộ kỹ thuật, việc kiểm tra chất lượng gần như bị thả nổi, nói gì đến hướng dẫn trồng.
Chỉ trong tháng 9 vừa qua, Sở NN-PTNT Hà Nội đã phát hiện và xử lý được 10 cơ sở treo biển bán rau an toàn, nhưng thực chất lại là rau bẩn. Ông Đào Duy Tâm – Phó giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội cho biết: “Vừa qua, chúng tôi đã tiến hành khảo sát và xét nghiệm, kết quả cho thấy có hàng trăm vùng không đạt tiêu chuẩn. Chúng tôi đang tiếp tục làm xét nghiệm lại một lần nữa, nếu kết quả không an toàn, chúng tôi sẽ kiến nghị với UBND TP cấm các vùng này không được sản xuất rau hàng hóa dưới bất kỳ hình thức nào.
Thái độ của chúng tôi là sẽ xử lý kiên quyết và nghiêm minh các trường hợp cố tình vi phạm. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã lập đề án sản xuất rau an toàn giai đoạn 2007-2010 với tổng kinh phí 526 tỉ đồng cho 5 vùng sản xuất rau trọng điểm và xây dựng trung tâm kiểm nghiệm chất lượng rau, hy vọng tới năm 2010 toàn bộ rau của Hà Nội sẽ là rau an toàn”.