Vào mùa khô, sản lượng điện giảm xuống nhưng nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng hơn nhiều so với mùa mưa, nên tình trạng thiếu điện càng nghiêm trọng. Công ty Điện lực TP.HCM đã tìm hiểu công nghệ đốt rác làm điện của Công ty Hitachi Zosen (Nhật Bản) nhằm tìm giải pháp tăng sản lượng điện, khắc phục tình trạng thiếu điện hiện nay.
Hiện nay, Công ty vẫn sử dụng những phương pháp phát điện truyền thống bằng than, gas hoặc nước. Vì vậy, công ty muốn tìm hiểu thêm về công nghệ đốt rác làm điện, vừa xử lý rác giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vừa tăng sản lượng điện.
Theo các chuyên gia đến từ Nhật Bản, công nghệ đốt rác làm điện vận hành theo cơ chế tự động hóa, rác được chuyển vào hầm chứa để lắng nước thải, sau đó được cầu tự động vào ngăn nhiên liệu, rác được đốt bằng 3 vỉ lò có tác dụng làm khô rác bằng hiệu ứng bức xạ nhiệt, trộn và đánh tơi rác, đốt rác ở nhiệt độ cao và chắt lọc tro. Nồi hơi sẽ tự động lấy hơi nóng từ lò đốt rác đưa đến tuabin để phát điện, phần tro còn lại và bụi được đưa xuống hầm chứa tro, nén lại thành khối.
Hệ thống này còn được lắp đặt một quạt cảm nhiệt công suất lớn, đủ để lọc mùi hôi của rác đầu vào, bộ phận chứa rác và chất thải sau khi đốt, luôn đảm bảo độ khí chân không áp suất thấp, nén không để mùi hôi thoát ra bên ngoài. Vì vậy công nghệ đốt rác này không gây mùi hôi và thân thiện với môi trường. Do hệ thống vận hành tự động nên hạn chế được sức lao động, giảm giá thành sản phẩm. Ngoài ra, công nghệ đốt rác làm điện còn giúp giảm được 80% rác thải, qua giai đoạn đốt rác thì khối lượng chất thải còn lại là 20% dưới dạng khối và được đem chôn, giúp giảm được một lượng đáng kể rác thải vào môi trường.
Sử dụng công nghệ đốt rác tạo ra điện sẽ cho sản lượng điện khá cao, với máy có công suất đốt 50.000 tấn rác/năm có sản lượng điện là 6,7MW, công suất 166.000 tấn/năm là 11.2MW, công suất 333.000 tấn/năm là 22.4MW, công suất 500.000 tấn/năm là 33,6 MW.
Một nhà máy đốt rác có tuổi thọ trung bình từ 30 năm trở lên, tương đương 240.000 giờ hoạt động. Tuy nhiên, sản lượng điện còn phụ thuộc vào nhiệt độ tỏa ra và thành phần rác thải,nhiệt tỏa ra càng cao thì sản lượng điện càng lớn, với những loại rác tại nguồn có chứa thủy tinh hoặc chất độc hại như ti vi, tủ lạnh, pin… thì sẽ cho ra sản lượng điện rất thấp và có khả năng làm giảm tuổi thọ của máy, đòi hỏi phải có sự phân loại rác tại nguồn để loại bỏ những rác có chứa thủy tinh, chất độc hại và diện tích quá lớn.
Vì vậy, theo bà Vũ Thùy Linh – Phòng quản lý chất thải rắn Sở Tài nguyên & Môi trường TP.HCM, thì chi phí đốt rác tại Việt Nam sẽ cao hơn vì chưa có sự phân loại rác tại nguồn, nên rác có nhiều thành phần phức tạp. Ngoài ra, để xây dựng một hệ thống các nhà máy đốt rác để sản xuất điện đòi hỏi một mặt bằng lớn và chi phí khá cao.
Công nghệ đốt rác làm điện của Công ty Hitachi Zosen đã được công nhận đạt tiêu chuẩn ISO 9001:1997 và ISO 14001:2002. Công nghệ này cũng được phát triển tại nhiều nơi như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan.