Sau hơn 4 năm xây dựng, đến nay ở cụm dân cư vượt lũ (CDCVL) thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ đã có nhiều hộ dân chuyển đến sinh sống. Dù được vào ở CDCVL nhưng trên 200 hộ dân ở đây vẫn đang phải sống trong cảnh ngập úng, ô nhiễm môi trường.
Đường xuống cấp, cống ngập nghẹt, ô nhiễm nghiêm trọng
Những ngày đầu tháng 10/2007, đến CDCVL tại ấp Phụng Quới A, thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh. Nơi đây, nhiều ngôi nhà được sửa chữa, xây dựng mới khá khang trang. Tuy nhiên, đường giao thông vào CDCVL chỉ được đổ đá bụi, xuất hiện nhiều “ổ voi”. Vào mùa nắng, các tuyến đường này bụi bay mịt mù khi các phương tiện giao thông qua lại. Vào mùa mưa nước đọng từ ngày này sang ngày khác, gây khó khăn, lầy lội cho người đi đường.
Anh Nguyễn Thanh Thảo, một người dân ở đây, bức xúc nói: “Mang tiếng là vào CDCVL cao ráo để ở nhưng đường sá xây dựng không hoàn chỉnh, vào mùa mưa có đoạn đường vẫn bị ngập nước. Chúng tôi đã kiến nghị đến chính quyền địa phương, Hội đồng Nhân dân huyện, thị trấn khi tiếp xúc cử tri về vấn đề này nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết”.
Trường tiểu học thị trấn Thạnh An 1 nằm trong CDCVL. Mỗi buổi đến trường, học sinh đi trên con đường cát lấm lem bùn sình. Chị Hoa, ở thị trấn Thạnh An, cho biết: “Con tôi học lớp 5 rồi nhưng vào mùa này ngày nào cũng phải đưa rước, vì đường đến trường lầy lội. Mỗi khi mưa lớn, nước cống dâng lên cao, các cháu đi học ướt cả người. Chúng tôi mong Nhà nước sớm sửa chữa, nâng cấp con đường này để học sinh đi lại thuận tiện hơn”.
Thầy Hồ Hữu Thành, Hiệu Trưởng trường tiểu học thị trấn Thạnh An 1, cho biết: “Vào mùa mưa, nước cống ở CDCVL có mùi hôi thúi dâng lên, tràn ngập sân trường, ngập hành lang lớp học, gây khó chịu cho thầy cô giáo và học sinh. Sau khi nước rút để lại sình lầy ảnh hưởng đến sinh hoạt vui chơi của các em”.
Theo nhiều giáo viên ở Trường tiểu học thị trấn Thạnh An 1, nước đọng dưới cống sinh muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết. Các thầy cô đã vận động học sinh, phụ huynh đóng góp tiền mua thuốc xịt muỗi nhưng cũng không ăn thua.
CDCVL thị trấn Thạnh An có tổng diện tích 6,8 ha được xây dựng từ năm 2001 theo hình thức Chính phủ đầu tư vốn giải phóng mặt bằng, xây dựng kết cấu hạ tầng; chính quyền địa phương đầu tư xây dựng nhà ở cho dân.
Đến năm 2003, việc xây dựng cụm dân cư này hoàn thành. Có 214 hộ dân thuộc diện chính sách, có hoàn cảnh khó khăn về chỗ ở, vùng ngập lũ và 21 hộ dân được xét tái định cư vào ở. Mỗi nhà có diện tích trung bình 100m2 (gồm cả sân), với giá trị xây dựng mà người dân phải trả trong 10 năm là 90 triệu đồng. Nhưng, điều đáng nói là sau khi xây dựng, CDCVL này không có hệ thống thoát nước thải sinh hoạt, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Văn Lưu, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thạnh An, cho biết: “Trong CDCVL có xây dựng cống thoát nước, nhưng đường cống dẫn nước thải ra sông rạch lại không được xây dựng. Do đó, nước thải từ các hộ dân lưu giữ lại trong cống, lâu ngày sinh muỗi, tạo mùi hôi thối. Đặc biệt, vào mùa mưa, nước cống dâng lên, tràn ngập ra mặt đường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”.
Giải quyết cách nào?
Để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường ở các CDCVL chính quyền địa phương vận động người dân xử lý rác thải bằng cách đổ đống ở khu đất trống và đốt vào mùa nắng, nhưng vào mùa mưa thì chịu!
Đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Huyện đã tiến hành khảo sát tình hình giao thông và vệ sinh môi trường ở CDCVL thi trấn Thạnh An. Tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác, nước thải đã đến hồi báo động. Gần đây, trong buổi làm việc với UBND thành phố, chúng tôi có kiến nghị đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống thoát nước cho CDCVL ở thị trấn Thạnh An, song song đó đầu tư xây dựng hồ xử lý nước thải cho 11 CDCVL trên địa bàn huyện. Mỗi CDCVL sẽ có 1 hồ xử lý nước thải với diện tích từ 1.000m2 đến 2.000m2 để giảm tỷ lệ nước ô nhiễm thải ra sông, rạch. Kiến nghị này đã được UBND thành phố chấp thuận. Để xử lý rác thải, huyện đang xây dựng bãi rác tại thị trấn Thạnh An. Sau khi hoàn thành việc xây dựng, chúng tôi sẽ chỉ đạo các ngành chức năng thành lập lực lượng thu gom rác tại các khu dân cư, CDCVL về bãi rác này để xử lý”.
Cũng theo đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, huyện tiếp tục đề nghị thành phố hỗ trợ kinh phí trải nhựa các tuyến đường giao thông ở CDCVL. Đồng thời, bằng nguồn kinh phí của địa phương, huyện cũng đầu tư xây dựng, sửa chữa một số tuyến đường đã xuống cấp nghiêm trọng. Sở Xây dựng TP Cần Thơ đang tiến hành khảo sát thực tế tình trạng xuống cấp và ô nhiễm môi trường ở các CDCVL. Từ đó, có kế hoạch nâng cấp, sửa chữa trong thời gian sớm nhất.