Được sự giúp đỡ của Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam, sau hơn 10 năm triển khai, đến nay Thái Bình đã xây dựng được 62 kho lạnh bảo quản khoai tây giống, kinh phí bình quân 130 triệu đồng/kho và công suất 30 tấn/kho.
Việc bảo quản khoai tây giống bằng kho lạnh đã giúp tỷ lệ hao hụt trong quá trình bảo quản giống xuống dưới 10%, tăng năng suất thu hoạch từ 10% đến 15% so với trước. Đặc biệt, đã giúp các địa phương chủ động về giống khoai tây trong sản xuất.
Các kho lạnh bảo quản giống khoai tây trong tỉnh Thái Bình được xây dựng theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ từ 30% đến 40% kinh phí nên nhiều địa phương đã đăng ký xây dựng. Điển hình như xã Trọng Quan (huyện Đông Hưng) hiện đã xây dựng được 5 kho lạnh với tổng sức chứa 150 tấn; xã Vân Trường (huyện Tiền Hải) có 4 kho lạnh; xã Nguyên Xá (huyện Vũ Thư) có 2 kho lạnh…
Ông Trần Văn Yến, Chủ nhiệm nhiệm Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Trong Quan (huyện Đông Hưng) cho biết: Những năm trước, khoai tây giống được bảo quản bằng phương pháp tán xạ (phương pháp truyền thống) nên tỷ lệ hao hụt trên 60%. Mỗi khi vào đầu vụ lại xuất hiện tình trạng khan hiếm giống, người dân phải mua giống với giá cao, không đảm bảo chất lượng. Từ khi có kho lạnh bảo quản giống khoai tây, địa phương đã chủ động được về giống. Ngoài ra, sau khi trồng, khoai tây phát triển nhanh, năng suất thu hoạch tăng gần 1 tạ/sào so với phương pháp bảo quản truyền thống.
Ông Nguyễn Hữu Rong – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thái Bình cho biết: Khoai tây được coi là cây trồng chủ lực của tỉnh Thái Bình, với diện tích trồng trên 6.000 ha/năm, doanh thu trên 80 tỷ đồng. Năm nay tỉnh đã bố trí 2 tỷ đồng vốn ngân sách hỗ trợ các địa phương xây dựng các kho lạnh. Đồng thời, tỉnh đang quy hoạch 4 vùng sản xuất khoai tây hàng hoá tập trung tại 4 huyện: Đông Hưng, Quỳnh Phụ, Hưng Hà và Kiến Xương với quy mô mỗi vùng đạt từ 1.500 đến 2.000 ha.