Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã xảy ra nhiều vụ khai thác, mua bán gỗ rừng tự nhiên trái phép, gây nên sự phức tạp về tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trong tám tháng đầu năm các ngành chức năng đã phát hiện và xử lý hơn 1.000 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng.
Ở Vườn quốc gia Kon Ka Kinh, được công nhận là Vườn di sản ASEAN, thuộc xã Ðác Roong, huyện Kbang, ngày 30/08 vừa qua, lực lượng công an tỉnh và các cơ quan chức năng địa phương đã phát hiện 157 cây gỗ trắc có đường kính từ 30-70 cm ở tiểu khu 88, 85, 107 bị lâm tặc chặt hạ. Theo nhận định, đây là số cây được chặt hạ từ tháng 06/2007 và chờ cơ hội vận chuyển ra khỏi rừng thì bị phát hiện.
Tại hiện trường, đội kiểm tra liên ngành đã lập biên bản, bắt quả tang ba đối tượng là Lê Sỹ Văn, Lê Sỹ Huy quê ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa; Thân Như Hùng, quê Bắc Ninh, trú tại xã Ayun và Ðác Ya, (huyện Mang Yang) đang khai thác gỗ trái phép. Trước đó, ngày 27/08, Công an và Kiểm lâm huyện Kbang cũng đã bắt giữ Phạm Xuân Hải và Ðàm Quang Tuấn, trú tại Quảng Kiêm, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình); Võ Ngọc Thiện trú ở xã Ayun (Mang Yang)… là các đối tượng có liên quan đến các vụ phá rừng tại tiểu khu 85, 88.
Qua phản ánh của người dân địa phương, gỗ khai thác được, chúng thường xẻ từng mảnh nhỏ rồi thuê người dân địa phương gùi xuyên rừng để tránh sự truy đuổi của kiểm lâm. Một gùi gỗ thường nặng khoảng 60-70 kg và phải mất cả ngày đường mới đến được điểm tập trung do bọn đầu nậu quy định và thuê người dùng xe máy vận chuyển theo những đường rừng tiểu ngạch để tránh kiểm lâm. Theo thông tin thì gỗ gùi đến cửa rừng bán được 30 triệu đồng/m3, nếu đến quốc lộ 19 hoặc những địa bàn thuận tiện thì giá có thể đội lên 50-70 triệu đồng.
Ngoài những vụ khai thác gỗ quy mô lớn, có sự tham gia của những tên khai thác trộm chuyên nghiệp, từ tháng 06/2007 đến nay, trên địa bàn các huyện Krông Pa, Ia Grai, Kông Chro, Kbang… có khá nhiều người vào các làng đồng bào dân tộc thiểu số, lùng sục tìm mua gỗ trắc với giá từ 5.000 đến 10.000 đồng/kg tùy thuộc chất lượng gỗ. Họ mua tất cả từ gốc, ngọn, rễ… miễn đó là gỗ trắc.
Thông tin ban đầu cho biết, những đầu nậu mua loại gỗ này chủ yếu bán cho các tư thương của Hà Nội và TP.HCM. Sức hút về giá mua bán gỗ trắc đã làm nhiều người mới 1-2 giờ sáng đã vội vào rừng kiếm gỗ để bán, số khác thì gùi, vận chuyển thuê…
Ông Pui Dinh, Trưởng Công an xã Ia Khai, huyện Ia Grai, cho biết: Thời gian qua, trên địa bàn xã, làng nào cũng có người đi tìm gỗ trắc để bán cho các tư thương. Chẳng biết họ mua để làm gì, nhưng vì để có tiền nên rất đông đồng bào bỏ cả nương rẫy để vào rừng tìm kiếm; có người vượt cả sông Sê San đến các vùng rừng thuộc lâm phần tỉnh Kon Tum tìm kiếm khai thác…
Ông Nguyễn Văn Tuyên, Bí thư xã Chư Gu, huyện
Thời gian qua, Hạt Kiểm lâm Krông Pa đã bắt giữ 20 vụ vận chuyển, tổng khối lượng gỗ thu giữ khoảng 100 sít-te. Hạt cũng đã xây dựng phương án phòng, chống, thu gom gỗ trắc trên địa bàn; thành lập các chốt chặn, tổ chức lực lượng truy bắt 24/24 giờ trên đỉnh đèo Tô Na, xã Ðác Bằng, Krông Năng và địa bàn giáp ranh với huyện Sơn Hòa (Phú Yên), đồng thời thông báo nghiêm cấm nhân dân đi thu gom…
Tuy nhiên, theo phản ánh của nhân dân, đêm nào cũng có một nhóm thanh niên ngồi ở đầu cầu Ia Mlá, ngay cạnh Hạt Kiểm lâm huyện, hễ khi thấy xe của Hạt ra đi thì bọn này gọi điện báo cho chủ gỗ để tẩu tán. Do vậy, hiệu quả phòng, chống phá rừng và thu gom gỗ trắc không cao…
Theo ước tính ban đầu, chỉ tính riêng khu vực rừng thuộc Vườn quốc gia Kon Ka Kinh từ tháng 06/2007 đến nay đã có khoảng 100 m3 gỗ trắc bị lâm tặc khai thác và vận chuyển ra khỏi địa bàn, tuy nhiên trong thực tế lượng khai thác còn có thể cao hơn do lực lượng kiểm lâm vẫn chưa thể thống kê hết số gỗ đã bị khai thác.
Nghiêm trọng hơn, bọn khai thác gỗ lậu đã rất manh động tiến công người thi hành công vụ khi bị truy đuổi và đã có hai đồng chí bị chúng đánh gây thương tích nặng là Trung úy Nguyễn Duy Thành và Thiếu úy Nguyễn Trung Kiên, cán bộ Ðội Cảnh sát Ðiều tra tội phạm về Trật tự xã hội Công an huyện Kbang. Trong những ngày này, các ngành chức năng của tỉnh Gia Lai và các huyện đang nỗ lực truy quét lâm tặc và ngăn chặn việc mua bán các loại gỗ tận dụng từ rừng, dẫu vậy đó cũng chỉ là sự ngăn chặn nhất thời.
Ông Trần Văn Thiệu, Giám đốc Vườn quốc gia Kon Ka Kinh cho biết: Diện tích rừng do đơn vị quản lý quá lớn (42 nghìn ha) trong khi đó lực lượng làm nhiệm vụ lại quá mỏng, chỉ có năm trạm với 30 cán bộ nên không thể kiểm soát được tình hình. Ngoài ra, có một nghịch lý là trong bốn năm qua các trạm này chỉ được đầu tư khoảng trên dưới trăm triệu đồng để trang bị các công cụ hỗ trợ trong khi làm nhiệm vụ. Sự thiếu hụt về nhân sự cũng như các trang thiết bị cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho bọn lâm tặc bạo gan hoạt động.
Cũng cần nói thêm, tình hình vi phạm Luật Quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai thời gian qua khá phức tạp, trong tám tháng đầu năm 2007, lực lượng kiểm lâm và các ngành chức năng đã phát hiện và lập biên bản xử lý 1.058 vụ vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, tăng 123 vụ so với cùng kỳ, trong đó hành vi mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép tăng đến 189 vụ.
Trước tình hình nêu trên, ngày 12/09, UBND tỉnh Gia Lai đã tổ chức hội nghị bàn các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn các hành vi xâm phạm, phá hoại tài nguyên rừng; chỉ đạo các ngành chức năng khẩn trương hoàn tất hồ sơ sớm đưa các đối tượng vi phạm ra xét xử. UBND tỉnh ra Quyết định số 2044/QÐ-UBND-NL về việc cấm đào, vận chuyển, mua bán gốc rễ các loại cây rừng tự nhiên…
Tuy nhiên, cùng với những biện pháp mạnh tay hơn, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật trong nhân dân; đồng thời bổ sung lực lượng, kinh phí cho các đơn vị làm nhiệm vụ bảo vệ rừng, như vậy mới ngăn chặn có hiệu quả các vụ vi phạm, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng.