Thời gian qua, nhiều nhóm hộ đồng bào ở thôn Gò Tranh, xã Long Sơn (Minh Long, Quảng Ngãi) đã mạnh dạn vay vốn và lập dự án trồng rừng trên đất đồi, núi trọc có hiệu quả. Hiện nay dù chưa đến vụ trồng rừng, nhưng hàng chục hộ đồng bào lên nương, rẫy phát quang, đốt dọn và chuẩn bị cây con cho mùa trồng rừng đông-xuân sắp tới.
Gò Tranh, vùng căn cứ địa cách mạng, nằm cách trung tâm TP. Quảng Ngãi chừng 60 km về hướng Tây
Già làng và là Bí thư Chi bộ thôn Gò Tranh, Ðinh Tấn Huỳnh cho biết: Cách đây bốn năm, nơi đây còn là bốn không: không có trường học, không có điện thắp sáng, không có đường đi lối lại giữa các cụm dân cư và không có trạm y tế… Nhưng, giờ đây nhờ Ðảng, Nhà nước quan tâm đầu tư nhiều dự án, địa phương khắc phục dần những yếu kém đầu tư phát triển trồng rừng có hiệu quả, từng bước ổn định cuộc sống cho đồng bào trong bản…
Có thể thấy, từ khi Hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Ngãi xây dựng trang trại trồng rừng, chăn nuôi đã hỗ trợ nhiều mặt cho địa phương triển khai các dự án trồng rừng đạt hiệu quả kinh tế cao. Ở đây, Hội có trang trại, với Ban dự án trồng rừng thường xuyên hỗ trợ vốn và giúp đỡ đồng bào trong việc thực hiện dự án trồng rừng. Hội kết hợp với thôn, bản và các nhóm hộ đồng bào lập dự án trồng rừng theo diện tích quy hoạch rừng sản xuất hằng năm.
Trên cơ sở đó, Hội đầu tư vốn và ký hợp đồng với đồng bào cùng thực hiện dự án trồng rừng theo diện tích được giao hằng năm (từ khâu phát quang đốt dọn, trồng, chăm sóc bảo vệ và đến khi thu hoạch rừng). Với cách làm này, đồng bào trong bản đã phát triển rừng nhanh chóng, bảo đảm được việc làm thường xuyên và có mức thu nhập ổn định.
Một số hộ ở làng Gò Nay nói: Từ khi Nhà nước có chủ trương giao đất, giao rừng và quy hoạch lại ba loại rừng, trong đó, rừng sản xuất được khai thác, đồng bào phấn khởi tham gia chương trình trồng rừng, chăn nuôi rất có hiệu quả. Nhiều hộ đã trồng từ hai đến năm ha rừng, với mức thu nhập hằng năm vài chục triệu đồng. Ðồng bào H’re ở đây làm được nhà mới, mua xe máy, sắm ti-vi cũng nhờ tiền bán rừng mà có. Hiện nay đồng bào trong bản đã hình thành các nhóm hộ trồng rừng, với hình thức lập dự án, vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội để tiếp tục mở rộng diện tích trồng mới với hàng trăm ha cây keo các loại…
Thôn Gò Tranh ngày nay đã có nhiều thay đổi nhanh chóng, đường xá đã đươc lát bê-tông, cửa nhà khang trang. Trong đó phát triển kinh tế đồi rừng được coi là một trong những mô hình làm ăn mới của đồng bào nơi đây. Ðến các bản, làng Gò Nay, Gò Trang Giữa (Kà Tay) và làng Ren, thấy những cánh rừng bạt ngàn xanh mướt.
Tại bản Gò Nay có hơn 49 hộ đã nhận sổ đỏ và phát triển kinh tế đồi rừng kết hợp chăn nuôi heo có mức thu nhập khá. Còn ở làng Kà Tay, làng Ren có khoảng 20 hộ đã hình thành hai nhóm trồng rừng đang xin vay vốn tiếp tục mở rộng diện tích trồng mới với hàng chục ha cây keo các loại. Những vườn rừng ở đây đã phủ xanh cả một vùng đồi, tạo không khí trong lành, mát mẻ.
Nhìn cánh rừng gần đến tuổi thu hoạch, đồng chí Ðinh Triệu, cựu chiến binh xã, người du kích dũng cảm năm xưa đã từng bắn rơi ba máy bay trực thăng của giặc Mỹ, đã nói: Tiền tỷ đây chứ đâu, “hễ rừng có cây như nhà có lúa”. Ðồng bào H’re ở đây hiện giờ làm ra tiền khá lắm. Ngoài tiền thu nhập heo, bò, họ còn có tiền từ bán rừng trồng. Hộ nào cũng được huyện cấp “sổ đỏ” vài ha để trồng rừng và sản xuất lúa, mì. Hằng năm có hộ bán rừng thu nhập hàng chục triệu đồng có thừa…
Ở Gò Tranh, những cánh rừng trồng bạt ngàn và với con suối Kà Tay róc rách đêm ngày giữa rừng xanh đang hứa hẹn cho hiệu quả kinh tế lớn. Ðồng bào Gò Tranh hiện nay đoàn kết một lòng, với nhiệm vụ trọng tâm là phát triển kinh tế xã hội, phấn đấu hạ tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 35% vào cuối năm 2007.