Sông Bồ bắt nguồn từ núi Trường Sơn chảy qua nhiều làng mạc của tỉnh Thừa Thiên Huế, cung cấp nước sinh hoạt, nước sản xuất cho hàng nghìn hộ dân ở đây, cũng như tạo kế mưu sinh thuận lợi cho những người làm nghề sông nước. Nhưng hiện nay, dòng sông này đã bị bọn “vàng tặc” đào bới một cách vô tội vạ, làm cho nước sông vốn trong xanh trở nên đỏ đục, dòng sông bị đất đá phủ lấp nhiều đoạn, dòng chảy vì thế bị lệch và sóng nước trở nên hung dữ…
Oằn mình trước “vàng tặc”
Ở đuôi thác Lò Mộ, khu vực thượng nguồn sông Bồ thuộc địa phận 2 huyện Hương Trà và Phong Điền của tỉnh Thừa Thiên Huế, trước mắt chúng tôi là những cỗ máy khai thác vàng lừng lững ầm ầm nạo vét lòng sông sâu hơn chục mét, lấy lên những khối đất, đá khổng lồ để lọc lấy vàng sa khoáng.
Tại đây có tới 4 cỗ máy lớn, dân đào vàng gọi là tàu cuốc. Đuôi thác Lò Mộ trông như một bãi chiến trường, ở đó ngổn ngang đất, đá bị đào bới lên từ lòng sông, chất cao thành từng dãy, lấp hẳn cả một khúc sông rộng lớn. Nước sông từ phía thượng nguồn ngang qua đây vì thế xoáy sâu vào vách núi, tạo nên những con sóng rất dữ.
Qua kiểm tra của lực lượng Ban Công an xã Hương Vân và Công an huyện Hương Trà cho thấy, các chủ “vàng tặc” gồm: Nguyễn Danh Khiêm (SN 1968), Nguyễn Danh Khuê (SN 1976), Đỗ Thế Tưởng (SN 1958), Trần Quang Học (SN 1978), đều trú tại Chu Minh, Ba Vì, Hà Tây.
Sau một quá trình lùng sục, thăm dò nguồn tin từ đám “vàng tặc” hoạt động lâu năm ở vùng rừng núi phía Tây của tỉnh Thừa Thiên Huế, tháng 02/2007, bọn chúng (Khiêm, Khuê, Tưởng, Học) đến sông Bồ, đoạn thuộc 2 huyện Phong Điền, Hương Trà để khai thác vàng sa khoáng. Từ đó đến nay, bọn chúng ra sức đào bới lòng sông Bồ với tổng chiều dài hàng km, đoạn qua địa phận các xã Hương Vân và Phong Sơn.
Hậu quả, không chỉ là những hầm hố sâu tới vài chục mét, những đống đất, đá khổng lồ ngổn ngang giữa lòng sông, mà còn làm lệch dòng chảy của con sông, gây ra không ít vụ tai nạn giao thông thương tâm cho những người làm nghề chài lưới ở đây. Nguồn nước sinh hoạt của hàng vạn dân cư sống ở các khu vực hạ lưu con sông bị ô nhiễm nghiêm trọng do các hóa độc hại thải ra trong quá trình lọc vàng, ruộng đồng bị khô hạn và ngập lũ cục bộ nặng do con sông bị tàn phá…
Vẫn chỉ kiểm tra (?!)
Trở lại vấn nạn khai thác vàng sa khoáng trái phép trên sông Bồ, cuối tháng 03/2007 đến nay, các lực lượng, đơn vị chức năng gồm: Ban Công an các xã Hương Vân, Phong Sơn; Công an và Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Hương Trà; Công an tỉnh và Phòng Tài nguyên & Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức 16 đợt kiểm tra, đẩy đuổi “vàng tặc”. Tuy nhiên, lực lượng công an, đơn vị chức năng và chính quyền cấp cơ sở chỉ có thể lập biên bản về việc vi phạm hành chính đối với 4 chủ “vàng tặc” kể trên, qua đó đề xuất biện pháp xử lý lên cấp trên, mà bản thân họ không xử lý được do không thuộc thẩm quyền, phạm vi xử lý của mình. Có điều, sau nhiều lần đề xuất, các biên bản, báo cáo kể trên vẫn chỉ là những tờ giấy vô hiệu lực!
Căn cứ theo Nghị định của Chính phủ số 150/2004/NĐ-CP ngày 29/07/2007 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản, là phạt tiền từ 50 – 100 triệu đồng, đồng thời tịch thu và trục xuất đối tượng ra khỏi địa phương. Ngành chức năng có thẩm quyền liên quan và chính quyền cấp tỉnh hiểu rõ hơn ai hết chức năng và trách nhiệm của mình. Nhưng không hiểu tại sao, đã hơn nửa năm trôi qua kể từ ngày bọn “vàng tặc” ra sức hoành hành trên sông Bồ, đến nay vẫn không hề bị xử lý đang là câu hỏi gây bức xúc dư luận…