Nhiều cuộc “đột kích” vào các điểm nóng về kinh doanh, tàng trữ vận chuyển thú rừng của ngành chức năng vẫn chưa thể kìm được “cơn bão chảy máu” thú rừng.
Thủ đoạn xẻ thịt
“Đại bản doanh” thú rừng ở phường Trung Mỹ Tây, quận 12 lâu nay vẫn hoạt động rầm rộ bằng những thủ đoạn xẻ thịt rất tinh vi. Nơi đây được xem là bãi đáp sau khi động vật hoang dã được vận chuyển từ Tây Ninh, Bình Phước về. Nhiều ngày phục kích “đại bản doanh” này chúng tôi mới phần nào biết được thủ đoạn của những người buôn bán thú rừng.
Để che đậy tai mắt người dân và cơ quan chức năng, họ đã thuê nhiều nhà trọ trong hẻm nhỏ, sâu hun hút làm nơi cất giấu thú rừng. Để vận chuyển trót lọt, thú rừng được ngụy trang giống như chở các loại hàng hóa thông thường và ban đêm mới đổ về “đại bản doanh”, sau đó xé lẻ ra đưa đi các nhà hàng. Một số mặt hàng còn được chế biến tại chỗ như rượu rắn, bò cạp… sau đó mới phân phối ra thị trường.
Trong khi đó, tại nhà hàng Hương Rừng 2 ở góc đường Hai Bà Trưng và Nguyễn Văn Thủ quận 1, luôn tấp nập dân nhậu bởi đặc sản hương rừng chính hiệu nhưng hoạt động lại khá tinh vi. Ngành chức năng vẫn biết nơi này là điểm “nóng” nhưng theo cách làm ăn của chủ quán thì chỉ khi nào khách gọi món quán mới cho người đem thú rừng từ nơi khác đến chế biến.
Nhiều lần lực lượng kiểm lâm ập vào kiểm tra vẫn không phát hiện được gì, có khi còn bị “mắng” là gây khó dễ cho quán. Một lần, ngành kiểm lâm bất ngờ đột nhập vào nhà hàng này vào tháng 8 vừa qua mới biết được những thủ đoạn làm thịt thú rừng không giống ai: thú rừng được chứa trong nhà vệ sinh riêng.
Tại đây, ngành chức năng đã lập biên bản thu giữ gần 14 kg rắn các loại, 5 con kỳ đà, và 8kg rùa đều có nguồn gốc từ các tỉnh miền Tây, Tây Nguyên.
Cũng với thủ đoạn tinh vi, Nguyễn Trí Dũng ở A10/7, tổ 38 khu phố 3 phường 26- quận Bình Thạnh, sau khi lên Bình Phước, Tây Ninh gom thú rừng quý hiếm từ đám thợ săn rồi cho vào bao cước có mắt nhỏ và đựng vào bao tải để vận chuyển lên TPHCM bằng xe đò hoặc bằng xe máy vào đêm khuya.
Khi “hàng” được tập kết tại TPHCM, Dũng cất giấu ở một số điểm kín đáo hoặc phân bổ cho nhà hàng và nếu các “mối” cần thì gọi điện và sau đó Dũng sẽ giao hàng tận nơi. Tại khu vực nuôi nhốt thú rừng hoang dã của bà Trần Thị Nữa, ngụ ở tổ 10, phường Linh Trung- quận Thủ Đức được thiết kế theo kiểu “nội bất xuất ngoại bất nhập”.
Khu nhốt thú rừng thiết kế làm nhiều ô, xây kiên cố, vì vậy lực lượng chức năng khó lòng phát hiện. Để phân bổ hàng ra ngoài, ngay tờ mờ sáng bà Nữa “hợp đồng” với một đội ngũ xe ôm chuyên lấy hàng và đi bỏ mối cho các nhà hàng.
Đột kích và giật mình!
Vào tối 27/09 vừa qua, những thủ đoạn của chủ thú rừng Nguyễn Trí Dũng đã bị lật tẩy khi lực lượng kiểm lâm đột nhập vào nhà trọ của Dũng và phát hiện hàng trăm kg động vật hoang dã quý hiếm còn sống như rắn hổ lửa, hổ mang, khỉ đuôi dài, chồn hương, ba ba, cua đinh, kỳ tôm… chuẩn bị mang đi phân phối cho các nhà hàng.
Ông Nguyễn Xuân Lưu – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TPHCM cho biết: Số lượng thú rừng thu được thuê lên tới trên 210 kg, trong đó có nhiều loại động vật hoang dã quý hiếm. Toàn bộ động vật hoang dã thu được tại nơi Dũng tạm trú, có tới 4 loại quý hiếm gồm trăn, kỳ đà vân hoa, rắn hổ đất và khỉ đuôi dài.
Các loại động vật này đều thuộc nhóm 2B – nằm trong danh mục động vật rừng nguy cấp quý hiếm (theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 30/03/2006 của Thủ tướng Chính phủ). Chiều 02/10, toàn bộ tang vật đã bị lực lượng kiểm lâm lập biên bản thu giữ và đưa về khu vực nuôi nhốt cứu hộ động vật hoang dã tại Củ Chi.
Trước đó, vào trung tuần tháng 8, Chi cục Kiểm lâm sau khi phối hợp với các cơ quan chức năng đã đột nhập vào 25 điểm nóng ở “đại bản doanh thú rừng” ở phường Trung Mỹ Tây, quận 12.
Tại căn nhà C27, tổ 49 KP4, phát hiện 5kg rắn hổ mang còn sống đang được cất giấu trong nhà vệ sinh và một dây chuyền chuyên sản xuất các loại rượu rắn, rượu bò cạp cực bẩn.
Tại đây, rắn vừa được lột da đang được cho vào hũ thủy tinh ngâm với cồn pha nước. Qua ghi nhận thực tế tại các lò sản xuất rượu rắn, rượu bò cạp với những chiêu quảng cáo đầy ấn tượng như “tăng cường sinh lực, bồi bổ sức khỏe…”, nhưng thực chất chỉ là cồn pha nước ngâm với bò cạp, rắn chết, với mật cá, mật gà… được chế biến ngay trong môi trường rất mất vệ sinh.
Khi chúng tôi sở thị khu vực tập kết thú rừng của bà Trần Thị Nữa ở quận Thủ Đức, ngoài một khu nuôi nhốt, còn có cả một “dây chuyền” giết mổ thú rừng chuyên nghiệp với hàng chục chậu thau, bao tải, tủ đông lạnh chứa đầy thịt thú rừng.
Bán thịt trâu, bò “kèm” thú rừng Ông Nguyễn Xuân Lưu- Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TPHCM cho biết đã điểm mặt được những “điểm đen” buôn bán động vật hoang dã như ở chân cầu An Lạc, góc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Nguyễn Thị Minh Khai ở quận 3; phố Phạm Viết Chánh, quận 1 và phường Trung Mỹ Tây, quận 12 nhưng khó xử lý vì các đối tượng vi phạm hầu hết ở tỉnh, lên TP thuê nhà trọ, khi phát hiện kiểm lâm chỉ lập biên bản tịch thu tang vật còn phạt tiền thì rất khó khăn vì khi chuyển quyết định xử phạt về địa phương thì địa phương trả lời là không quản lý. Riêng ở TPHCM, thủ đoạn buôn bán của các đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi, đơn cử khu Phạm Viết Chánh có 5 hộ đăng ký bán thịt trâu, bò, nhưng thực tế vẫn lén lút bán thịt thú rừng. Cơ quan chức năng đề nghị thu hồi giấy phép của các hộ này nhưng lại vướng vào Luật Doanh nghiệp. |