Lũ vẫn đang tàn phá các tỉnh miền núi phía Bắc và Trung Bộ nước ta gây thiệt hại rất lớn. Số người thiệt mạng và mất tích tiếp tục tăng lên. Theo thống kê của Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, tính đến ngày 07/10, đã có 61 người chết và mất tích do mưa lũ.
Lũ dữ đã gây thiệt hại nặng nề tại các tỉnh Tây Bắc. Theo thống kê chưa đầy đủ từ các địa phương, hiện các tỉnh Hòa Bình, Yên Bái và Sơn La đã có trên 20 người chết và mất tích. Nhiều xã đang bị cô lập và nhiều tuyến đường đang bị chia cắt.
Thông tin từ Hòa Bình cho biết, cơn lũ đã làm 12 người của tỉnh này chết và mất tích, và hiện đang khiến người dân nhiều nơi trong vùng nước ngập, vùng bị sạt lở phải đối diện với rất nhiều khó khăn như đi lại, thiếu lương thực, thực phẩm, thiếu điện, thiếu nước. Hơn 2.600 cán bộ, chiến sĩ thuộc các bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thái Bình, Hòa Bình, Ninh Bình và các đoàn B95, B50, lữ đoàn 241…có mặt kịp thời tại các khu vực trọng yếu để ứng cứu, hỗ trợ giúp dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Các đơn vị cũng bắt đầu triển khai đắp lại đập, hợp long, hàn khẩu những đoạn đê bị nứt vỡ khi nước rút. Các đoàn y, bác sĩ bệnh viện 5 đã được lệnh lên đường đến chi viện cho các địa phương cấp, phát thuốc, chữa trị bệnh miễn phí cho nhân dân và phòng trừ các bệnh dịch có thể nảy sinh sau lũ.
Lũ ống, lũ quét và sạt lở núi cũng đã xảy ra trên địa bàn nhiều huyện ở Sơn La do mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua phá hỏng nhiều đoạn tuyến quốc lộ 6 đoạn chạy qua địa bàn tỉnh này. Các lực lượng cũng đã tập trung nạo vét bùn đất, đá, giải tỏa lưu thông và hiện đã thông xe kỹ thuật từ Mộc Châu đi Sơn La, còn tuyến Mộc Châu đi Hà Nội và đi các huyện khác cũng như đến một số xã trong huyện vẫn bị ách tắc, chưa khắc phục được. Tới ngày 07/10, toàn tỉnh đã có 7 người chết và 3 người mất tích, ước tính thiệt hại trên 125 tỷ đồng. Trước mắt, mỗi gia đình có người thiệt mạng thì được hỗ trợ 2 triệu đồng/người, hỗ trợ mỗi người bị thương 1 triệu đồng. Đối với nhà bị trôi, đổ sập hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ, nhà bị hư hỏng nặng hỗ trợ từ 2 triệu rưỡi đến 3 triệu đồng/hộ.
Ngày thứ 2 của trận lũ lịch sử tại huyện Thạch Thành (Thanh Hóa), hàng chục ngàn người dân vẫn đang bị mắc kẹt trong các vùng ngập lụt và cần được cứu đói. Các phương tiện hiện có không đủ đáp ứng cho 12.000 người đang cần cứu trợ khẩn cấp và hàng chục ngàn người đứt bữa ở 22 xã và thị trấn trong huyện. Công an tỉnh đã huy động hơn 100 cán bộ, chiến sỹ và 17 canô cùng tham gia ứng cứu. Theo báo cáo nhanh của huyện Thạch Thành thì huyện có 1.100 ha lúa mùa bị ngập hoàn toàn, không còn khả năng thu hoạch, 2.000 ha mía và 700 ha cây trồng vụ đông bị mất trắng; hàng trăm nhà cửa của dân bị hư hỏng nặng, đặc biệt là hệ thống công trình thủy lợi đê điều, giao thông đều bị hư hỏng nghiêm trọng.
Trong số các tỉnh bị thiệt hại nặng nhất trong trận lũ lịch sử này, Nghệ An là nơi có số người thiệt mạng và mất tích nhiều nhất. 14 người dân ở xã Nậm Giải, huyện Quế Phong đã bị lũ cuốn trôi và mới chỉ có 5 thi thể được tìm thấy. Hàng cứu trợ đã được chuyển về huyện Quế Phong để vận chuyển bằng đường bộ xuống các xã. Đây là nguồn cứu trợ đầu tiên đến được với một số người dân ở Quế Phong. Trong lúc đó tại huyện Tân Kỳ, nơi có đến 17/22 xã bị ngập hoàn toàn, các đoàn cứu trợ, cứu nạn của tỉnh Nghệ An cũng đã đến từng khu vực dân cư sinh sống, các gia đình đang bị cô lập trong nước lũ để phân phát mì tôm.
Lũ lớn tràn đê, bờ sông Hồng sạt lở
Do Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở 6 cửa xả đáy từ hôm 05/10 để giảm áp lực nước từ thượng nguồn sông Đà nên mực nước tại hạ lưu lên nhanh, gây ra hiện tượng sạt lở tại nhiều khu vực bờ sông Hồng thuộc địa phận 5 tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Hà Tây, Hà Nội và Vĩnh Phúc.
Tại địa phận thôn Hồng Giang, xã Hồng Hà (Đan Phượng, Hà Tây), do nước sông Hồng dâng cao, áp sát mái đê của khu dân cư nên gây ra đoạn sạt lở chạy dài tới 500m. Rất may không có thiệt hại về tính mạng. Cách điểm sạt lở đó không xa, phía đối diện thuộc bờ tả sông Hồng, tình trạng sạt lở tại nhiều khu vực của tỉnh Vĩnh Phúc như xã Trung Hà (huyện Yên Lạc), xã An Tường (huyện Vĩnh Tường) cũng tái diễn sau nhiều năm đã được khắc phục.
Tại Hà Nội, một số khu vực sạt lở bờ sông do vấn nạn khai thác cát trái phép như ở Ngọc Thụy, Bồ Đề, Ngọc Lâm (quận Long Biên) hồi năm ngoái chưa kịp khắc phục, hiện cũng đang tiếp tục sạt lở nghiêm trọng, cuốn theo nhiều công trình và nhà cửa của dân.
Còn tại tỉnh Phú Thọ, do lũ từ sông Thao tràn về cùng lúc với hồ Hòa Bình mở 6 cửa xả nước đã khiến đoạn đê ở bờ tả sông Thao qua xã Hợp Hải (huyện Lâm Thao) bị sạt lở kéo dài hơn 700m. Nghiêm trọng hơn, nước lũ dồn về bất ngờ đã làm 2 tuyến đê chạy dọc sông Bứa (đổ ra sông Thao) thuộc các xã Tề Lễ, Quang Húc (Tam Nông, Phú Thọ) bị sạt lở, nước tràn qua mặt đê vào khu nội đồng, nhấn chìm nhiều nhà cửa, hoa màu. Chính quyền địa phương đã phải sơ tán hơn 200 hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.