Xã Phước Diêm có bãi biển Cà Ná, được coi là một trong những bãi biển đẹp nổi tiếng của Việt Nam. Người dân Phước Diêm cũng nổi tiếng với nghề đánh bắt cá, làm muối và chế biến hải sản xuất khẩu. Cá cơm Cà Ná được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Nghề chế biến cá cơm đem lại việc làm cho hàng nghìn lao động và tăng giá trị của con cá cơm. Nhưng cũng chính nghề này đã làm cho môi trường ở Phước Diêm ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Hộ, một người trồng rong sụn ở thôn Lạc Tân, xã Phước Diêm, thở dài ngao ngán: “Khu đầm rộng hơn 40ha ở trung tâm xã này trước đây là nơi chứa nước làm muối của Xí nghiệp muối Cà Ná. Tận dụng mặt nước đầm, hơn 40 hộ dân trong xã đã xin thuê để nuôi rong sụn xuất khẩu. Khu đầm này nước sạch, các loại rong sụn trồng cho năng suất rất cao. Các loài thủy sinh thuộc hệ sinh thái đầm phá cũng khá đa dạng. Nhưng từ hơn 2 năm nay, khi Phước Diêm rộ lên nghề chế biến cá cơm thì khu đầm rộng hơn 40ha này đã trở thành khu “đầm chết” do nước thải từ các cơ sở chế biến cá cơm trong xã thải vào, làm cho không một loại thủy sinh nào sống được vì nước đầm bị ô nhiễm nghiêm trọng”.
Xã Phước Diêm có hơn 600 tàu, thuyền đánh bắt thủy sản, hằng năm khai thác được hơn 15.000 tấn cá, trong đó cá cơm chiếm tới 70% sản lượng khai thác. Trước đây, cá cơm chỉ được dùng để chế biến nước mắm và phơi khô tiêu dùng trong nội địa. Mỗi năm các cơ sở chế biến nước mắm mang thương hiệu Cà Ná ở Phước Diêm sản xuất được hơn 4 triệu lít. Hai năm nay khi cá cơm sấy khô được thị trường nước ngoài ưa dùng thì nghề chế biến cá cơm xuất khẩu ở Phước Diêm mới có dịp phát triển mạnh.
Với số vốn không nhiều, chỉ cần đầu tư từ 50 đến 100 triệu đồng là đã có một lò chế biến cá cơm công suất từ 1 đến 2 tấn/ngày. Quy trình chế biến cũng khá đơn giản. Cá cơm đánh bắt về được các cơ sở chế biến thu mua đưa về lò hấp, sau đó được sấy khô và xuất khẩu.
Tại cơ sở chế biến cá cơm của anh Nguyễn Văn Ri ở thôn Lạc Sơn, giữa cái nắng gay gắt ban trưa, hơn một chục lao động, người ướt đẫm mồ hôi đang hì hục đưa những khay cá cơm vào lò hấp. Cạnh lò hấp là một bể nước rửa cá rộng hơn chục mét vuông. Phía sau lò hấp là một đường ống dẫn nước thải đổ thẳng ra đầm. Nhìn dòng nước đen chảy ra đầm, ông Hộ nói: “Nước thải từ hàng trăm lò hấp cá đổ ra thế này thì rong sụn cùng cá tôm trong đầm làm sao sống nổi?”.
Vào thôn Lạc Tân, ghé vào cơ sở chế biến cá của ông Nguyễn Ngọc Tỉnh. Hỏi chuyện ông sao không đào hầm xử lý nước thải mà lại đổ trực tiếp ra đầm, ông “ hồn nhiên” trả lời: “Đào hầm xử lý tốn kém lắm. Với lại ở đây ai cũng đổ nước gia đầm, đâu có riêng gì gia đình tôi”.
Ông Trương Ngọc Luân, Chủ tịch UBND xã Phước Diêm cho biết: Hiện nay trong xã có gần 100 lò hấp cá, chủ yếu tập trung ở hai thôn Lạc Tân và Lạc Nghiệp. Hằng năm, các cơ sở chế biến được gần 3.000 tấn cá cơm sấy khô, trong đó xuất khẩu 70%. Việc chế biến cá cơm không chỉ làm tăng giá trị của con cá cơm mà còn giúp giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động trong xã và ở các địa phương khác. Việc các chủ lò cá đổ nước thải chưa qua xử lý ra đầm, chúng tôi đã nhắc nhở, xử phạt nhiều lần, nhưng do nhận thức của người dân kém và để đào hầm xử lý nước thải cũng khá tốn kém nên hiện chỉ có rất ít chủ cơ sở thực hiện. Chúng tôi đã báo cáo việc này lên huyện và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh xin ý kiến chỉ đạo. Còn trước mắt, UBND xã sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, yêu cầu chủ các lò hấp cá phải xây dựng hầm xử lý nước thải trước khi thải nước ra đầm.
Hàng trăm tấn cá cơm được chế biến cùng hàng nghìn mét khối nước thải đổ ra đầm mỗi ngày đã làm cho tình trạng ô nhiễm đầm nuôi rong sụn ở Phước Diêm ngày càng thêm nghiêm trọng. Hơn 40 hộ dân nuôi rong sụn trong đầm đã phải chuyển nghề. Họ đã bỏ biết bao công sức, tiền của để rồi bây giờ trắng tay.
Giờ đây, Phước Diêm trở nên nổi tiếng hơn bởi có thêm nghề chế biến cá cơm xuất khẩu. Cảng cá Cà Ná ngày ngày tấp nập tàu thuyền vào ra. Những con tàu đánh bắt cá sau một ngày đi biển về cảng đầy ắp cá cơm. Cuộc sống người dân trong xã Phước Diêm ngày càng khá lên trông thấy, nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường ở đầm nuôi rong sụn thì vẫn còn hiển hiện, khiến người dân không khỏi bức xúc.
Bao giờ xã Phước Diêm có một khu chế biến cá cơm xuất khẩu tập trung, có hệ thống xử lý nước thải hoàn chỉnh, không gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân? Câu hỏi này dường như đang vượt quá khả năng của chính quyền xã Phước Diêm. Thiết nghĩ các cấp, các ngành ở tỉnh Ninh Thuận cần sớm có câu trả lời.