Đó là quyết định được đưa ra tại hội thảo khởi động "Xây dựng chính sách phí chi trả dịch vụ môi trường rừng" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 02/10, tại Hà Nội. Chương trình thí điểm này sẽ được thực hiện tại 2 tỉnh Lâm Đồng và Sơn La từ quý I/2008. Kết quả thí điểm sẽ được tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý IV/2009 và mở rộng áp dụng chung trên toàn quốc.
Dịch vụ môi trường rừng là sản phẩm do rừng tạo ra, bao gồm: bảo vệ nước, bảo vệ đất, tạo môi trường cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, phòng chống thiên tai, tăng cường chất lượng không khí. Phí chi trả dịch vụ môi trường rừng là khoản tiền phải trả cho các dịch vụ môi trường rừng do nhà nước đầu tư hoặc từ các dịch vụ thuộc đặc quyền của nhà nước. Các đối tượng phải nộp phí chi trả dịch vụ môi trường được xác định gồm: cơ sở sản xuất thủy điện, công trình thủy lợi, cơ sở sản xuất và cung cấp nước sinh hoạt, cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên… Mức thu phí căn cứ vào giá trị của 1m3 khối nước do rừng tạo ra và cung cấp cho các tổ chức, cá nhân.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hứa Đức Nhị cho biết, trong dự án trồng mới 5 triệu ha rừng đến năm 2010, chỉ có khoảng 2 triệu ha rừng được giao cho người dân quản lý bảo vệ với khoản hỗ trợ 50.000 đồng/ha/năm, đạt giá trị rất nhỏ so với nguồn hưởng lợi từ các dịch vụ mà rừng cung cấp cho nhiều tổ chức, cá nhân khác trong xã hội. Do đó, các đại biểu nhất trí, cần thiết phải xây dựng và thực hiện chính sách phí chi trả dịch vụ môi trường để phù hợp với thực tiễn quản lý, khai thác và bảo vệ rừng hiện nay.