Ngày 14/03/2007, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 825/QĐ về việc phê duyệt đề án quy hoạch sắp xếp lại các cảng và bến thuỷ nội địa tiêu thụ than và lộ trình cho phép xe vận chuyển than hoạt động trên các tuyến đường giao thông. Theo quy hoạch này thì Đông Triều chỉ có 2 cụm cảng: Bến Cân và Bến Đụn được phép xuất than trên cơ sở mở rộng nâng cấp theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn huyện Đông Triều vẫn còn nhiều doanh nghiệp kinh doanh bến bãi sai mục đích, vi phạm nghiêm trọng quy hoạch của tỉnh, gây ô nhiễm về môi trường và bức xúc trong dư luận nhân dân. Đặc biệt, việc ô nhiễm môi trường khu vực Kim Sơn đã được cử tri kiến nghị nhiều lần tại các cuộc họp HĐND các cấp nhưng đến nay mới chỉ giải quyết được phần ngọn.
6kg đất bụi/1 hộ
Trong đơn kiến nghị chung của 160 hộ với trên 5.000 nhân khẩu thuộc thôn Kim Thành, xã Kim Sơn, đều mong muốn được chính quyền các cấp quan tâm hơn nữa đến chất lượng môi trường sống khu vực này.
Để tính mức độ ô nhiễm của không khí, người dân nơi đây đã có “sáng kiến” đem cân thử số bụi gom được sau mỗi buổi sáng quét nhà và vỉa hè. Sau đó họ chia bình quân và được một kết quả khiến tất cả chúng ta không khỏi giật mình: 6kg đất bụi/hộ dân/ngày đêm.
Chị Khúc Thị Kim Thoa, số nhà 67, khu Kim Thành và nhiều người dân nữa đều cho rằng: việc các DN bồi thường về ô nhiễm môi trường cho mấy chục hộ nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) chỉ là số ít còn về lâu dài ảnh hưởng tới sức khoẻ của hàng trăm hộ dân trong khu vực mới là cái đáng bàn.
Bác Nguyễn Tiến Lạc, số nhà 45, Kim Thành cho biết: do môi trường ô nhiễm nên gần như 100% các cháu nhỏ từ sơ sinh đến 5 tuổi ở khu vực này đều bị mắc các chứng bệnh liên quan đến phổi. Nhà lúc nào cũng đóng kín cửa mà vẫn bụi. Làm ăn buôn bán cũng khó khăn hơn trước bởi bụi, ồn… Ban ngày đã vậy nhưng ban đêm cũng chẳng được yên bởi lượng xe chạy xuống bãi quá nhiều, từng đoàn xe rầm rập chạy qua khiến tuổi già như chúng tôi không thể ngủ yên được. Đã có không ít người dân cho rằng chỉ còn cách đổ đá ra đường để chặn xe lại, không cho đi qua nữa nhưng phần đông chúng tôi vẫn mong tình trạng này nhanh chóng được chính quyền can thiệp và có hướng giải quyết tích cực để nhân dân đỡ bức xúc.
Được biết, việc tưới nước chống bụi từ 2-3 lần/ngày hiện nay cũng chỉ là giải pháp phủi bụi bởi lưu lượng vận chuyển lớn nên chỉ sau 15 phút là mặt đường đã khô, bụi lại hoàn bụi và việc các hộ dân phản ánh thu được 6 kg đất bụi/hộ dân/ngày đêm không phải là không có cơ sở. Thiết nghĩ, để phát triển bền vững và để người dân yên tâm sản xuất kinh doanh, Đông Triều cần tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng các bến bãi chế biến than trái phép gây ô nhiễm môi trường quá lớn.
Cái “lý” của huyện…
Khi được hỏi về việc giải quyết kiến nghị của nhân dân xã Kim Sơn về vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do tình trạng hoạt động như “nấm sau mưa” của các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ than tại khu vực cảng Kim Sơn, ông Đào Thanh Trai, Trưởng phòng TN&MT huyệnTrai cho biết: Cụm cảng Kim Sơn nằm trong quy hoạch cụm cảng đã được UBND tỉnh duyệt, trên cơ sở đó tỉnh đã có quyết định giao đất cho các doanh nghiệp kinh doanh hàng hoá tổng hợp trong đó có than. Về mặt thủ tục hành chính thì các doanh nghiệp đã thực hiện đúng theo các quy định của Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Doanh nghiệp. Đặc biệt theo Luật Đất đai các doanh nghiệp đã thực hiện đầy đủ về các thủ tục về thuê đất, nộp tiền thuê đất. Riêng về đánh giá tác động môi trường thì vẫn còn một số DN thực hiện chưa nghiêm. Các DN vẫn chưa thực hiện đúng như cam kết về bảo vệ môi trường như sàng tuyển, chế biến than trong nhà kính.
Thời kỳ đầu tuyến đường vận chuyển chuyên dùng chưa được bê tông hoá và lái xe chưa có ý thức trong việc thực hiện che phủ bạt, rửa thành bánh xe trong quá trình vận chuyển để tránh gây bụi. Để khắc phục, từ năm 2005-2006, UBND huyện đã tích cực chỉ đạo các phòng chuyên môn và UBND xã Kim Sơn họp bàn với giám đốc các doanh nghiệp liên quan thống nhất các biện pháp khắc phục tình trạng trên. Các DN đã góp vốn xây dựng xong 2 tuyến đường vận chuyển đoạn đấu nối từ đường 18A vào cụm bến bãi và thống nhất hỗ trợ cho các hộ NTTS trong khu vực bị ảnh hưởng của bụi than do hoạt động chế biến, vận chuyển than gây ra. Bên cạnh đó, các DN cũng đã thực hiện trồng cây môi trường khu vực hành lang đê để hạn chế bụi than ở vùng chế biến khuếch tán xuống vùng NTTS. Chính 3 giải pháp trên đã hạn chế cơ bản những kiến nghị của nhân dân từ tháng 06/2007.
Tuy nhiên, thực tế việc ô nhiễm môi trường tại khu vực cảng Kim Sơn nói riêng và một số cảng than trái phép trên địa bàn huyện hiện nay đã, đang và vẫn là điểm nóng gây bức xúc trong dư luận quần chúng.
Và có lẽ điều mọi người đang quan tâm hơn cả là: Tại sao trong quy hoạch của tỉnh về bến thuỷ nội địa tiêu thụ than không hề có cụm cảng Kim Sơn nhưng huyện Đông Triều lại “khẳng định” cụm cảng Kim Sơn nằm trong quy hoạch đã được tỉnh duyệt và trên cơ sở đó một số doanh nghiệp đã được tỉnh giao đất để kinh doanh hàng hoá tổng hợp trong đó có than?
Qua tìm hiểu, được biết sở dĩ có sự “trái khoáy” trên là do có 4 doanh nghiệp (Công ty TNHH Đông á, Công ty TNHH Thanh Luận, Công ty TNHH 22/12 Hoàng Quế, DNTN Kông Đảng) hiện đang chế biến kinh doanh than tại cụm cảng Kim Sơn được tỉnh cho thuê đất để làm bến bãi bốc xếp vật tư hàng hoá. Có lẽ chính vì “than cũng là hàng hoá” nên các doanh nghiệp này đã sử dụng đất được thuê để chế biến, tiêu thụ than.
Thiết nghĩ, mặc dù trong quyết định cho thuê đất của 4 doanh nghiệp kể trên của UBND tỉnh tuy không ghi rõ “không được dùng làm bến bãi chế biến, kinh doanh than” nhưng khi có quy hoạch của tỉnh về các cảng, cụm cảng, UBND huyện Đông Triều phải có trách nhiệm lập và trình duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng các cụm cảng, cụm bến trên địa bàn phù hợp với quy hoạch tổng thể của tỉnh.
Trên cơ sở đó, huyện công bố công khai quy hoạch và họp bàn với các doanh nghiệp để các doanh nghiệp có lộ trình, phương án chuyển đổi: Ngành hàng kinh doanh, địa điểm bến bãi để vừa đảm bảo lợi ích doanh nghiệp vừa đảm bảo quy hoạch của tỉnh. Nếu làm được như thế thì chắc chắn sẽ không có tình trạng sử dụng đất trái phép, đất sai mục đích nhiều như “nấm sau mưa” của các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh than tại cụm cảng Kim Sơn và một số cảng lẻ khác như hiện nay. Và dư luận cũng có quyền đặt ra câu hỏi: Trách nhiệm của UBND huyện Đông Triều đến đâu khi để các doanh nghiệp kinh doanh bến bãi ngang nhiên sai phạm?