ThienNhien.Net – Trong lời mở đầu bản danh sách đỏ những loài động, thực vật có nguy cơ tuyệt chủng do Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) công bố hồi cuối tháng 09/2007, Tiến sỹ Richard Leakey, người sáng lập Tổ chức bảo tồn WildlifeDirect, đồng thời là nhà cổ sinh vật học hàng đầu Kenya cho rằng nếu chỉ tiến hành công tác bảo tồn một cách đơn lẻ sẽ không thể bảo vệ các loài động thực vật trước thảm họa tuyệt chủng. Với dẫn chứng cụ thể là loài gô-ri-la núi – nạn nhân của những vụ tàn sát gần đây, ông đã kêu gọi loài người cần phải có những hành động thiết thực hơn:
Hàng triệu người dân trên thế giới cảm thấy ghê sợ trước những vụ tàn sát loài gô-ri-la núi, được báo chí đưa tin trong thời gian gần đây như một hành động vô nhân đạo còn tồn tại trong thế giới này.
Chỉ trong vòng một tháng có tới 9 cá thể gô-ri-la, có nghĩa hơn 1% số gô-ri-la còn lại trong tự nhiên, đã bị giết. Tất cả chúng đều sinh sống trong Vườn quốc gia Vi-run-ga, thuộc Cộng hòa dân chủ Công-gô.
Do sống ở giữa khu vực thường xuyên xảy ra những vụ xung đột đẫm máu nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, loài vượn gô-ri-la núi phải chia sẻ nơi cư trú của chúng với lực lượng quân đội vũ trang hạng nặng. Ở những nơi luật pháp không có hiệu lực như vậy, thịt động vật hoang dã trở thành món ưa thích của các tay súng và chúng cũng là nguồn cung cấp thực phẩm hay đồ lưu niệm để đổi lấy tiến và vũ khí. Đôi khi những con gô-ri-la bị giết chỉ vì sự có mặt của chúng ở Vườn quốc gia Vi-run-ga. Chúng thu hút sự quan tâm vào nơi mà người ta muốn nó cần bị quên lãng.
Bắt nguồn từ xung đột tranh chấp nhiên liệu
Cuộc khủng hoảng nhiên liệu tập trung vào than củi – loại nhiên liệu chủ yếu sử dụng trong các gia đình ở Châu Phi. Công nghiệp sản xuất than củi đã diễn ra hàng nghìn năm nay nhưng những sự kiện gần đây ở Cộng hòa dân chủ Công-gô đã làm nhu cầu của mặt hàng này tăng rõ rệt.
Để tạo ra than củi thì cần phải chặt cây, tàn phá nơi cư trú của động vật và phá hủy những thành phần tạo nên hệ sinh thái. Ru-an-da, một nước có dân số lớn và là láng giềng của Công gô đã chặt trụi những cánh rừng bản địa trong khi dân ở vùng biên giới ngày càng tăng do phải tiếp nhận thêm những người tị nạn. Nhu cầu về than củi tăng lên và gần như không thể thỏa mãn được.
Để gìn giữ những cánh rừng và quần thể gô-ri-la còn sót lại, tổng thống Paul Kagame đã bất ngờ ban hành một pháp lệnh về cấm sản xuất than củi.
Tuy nhiên, thật trớ trêu khi nền công nghiệp đen này đã vượt ra khỏi biên giới của Công-gô, và đang đe dọa nơi sinh sống của loài gô-ri-la ở những nước láng giềng.
Với những chính sách không hiệu quả của chính phủ Công-gô, những cánh rừng thuộc vườn quốc gia đã trở thành tài sản chung và gần như ai cũng có thể tranh phần, từ nông dân đến các quan chức chính phủ hay quân nổi loạn.Những kẻ này sẵn sàng xóa bỏ một trong những mắt xích sinh thái, có nguồn gốc gần gũi với loài người. Những gì đang diễn ra với loài gô-ri-la thực sự đã gây sốc cho chúng ta và cũng là một tấm thảm kịch cho con người.
Cần phải có nguồn năng lượng thay thế để đáp ứng cho nhu cầu của cả Ru-an-đa và Đông Công-gô. Và phải áp dụng những quy định của Cộng hòa dân chủ Công-gô, nơi những cánh rừng được gìn giữ tốt trong một thời gian dài thay vì sự giàu lên tức thời của một vài cá nhân.
Cần sát cánh cùng nhau
Vấn đề giờ đây không chỉ mang tính địa phương nữa bởi thế giới có thể sẽ mất đi một trong số những loài động vật quý hiếm và có sức hấp dẫn nhất trên trái đất, đồng thời đang phải đối mặt với hiểm họa biến đổi khí hậu.
Sự phá hủy rừng làm mất đi một nguồn lớn hấp thụ CO2 trong bầu khí quyển, bên cạnh đó hoạt động đốt than củi là một trong số các nguồn phát sinh nhiều nhất khí CO2.
Mặc dù các tổ chức bảo tồn báo động về tình trạng loài gô-ri-la và cộng đồng thế giới đã có phản ứng, nhưng rõ ràng rằng chỉ bảo tồn không là chưa đủ để giải quyết vấn đề này.
Đây là một cuộc khủng hoảng trong quá trình phát triển của con người và những hành động mang tính toàn cầu được đưa ra là cần thiết như tìm nguồn năng lượng thay thế cho nhiên liệu than củi tại địa phương, tạo sinh kế thay thế cho việc chặt phá rừng của người dân .
Nếu những nhu cầu cơ bản về than củi bị bỏ qua và chúng ta chỉ tập trung quá nhiều vào loài gô-ri-la núi, chúng ta sẽ không thể nhìn thấy nguồn gốc dẫn đến sự hủy diệt chúng, sự hủy diệt những cánh rừng và những loài sinh vật làm nên tính đa dạng sinh học của nhiều vùng đất.
Chúng ta cũng sẽ mất đi nhiều lợi ích do những cánh rừng mang lại. Và cuối cùng chúng ta có thể chứng kiến một cuộc khủng hoảng của con người mà sẽ lớn hơn rất nhiều so với tấm thảm kịch của 9 con gô-ri-la.