Tái định cư ở Sơn La – Giải pháp nào?

Ba năm triển khai thực hiện dự án tái định cư thủy điện Sơn La, tiến độ di dân nằm trong vùng dự án của các tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu là rất chậm, không bảo đảm tiến độ như kế hoạch đề ra. Trước tình hình đó, ngày 25/09/2007, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải chỉ đạo các tỉnh khẩn trương hoàn thành việc lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết các điểm tái định cư Dự án thuỷ điện Sơn La. Nguyên nhân của sự chậm trễ này là gì và đâu là giải pháp để đẩy nhanh tiến độ?

Tái định cư chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ giải phóng mặt bằng

Theo Quyết định 196 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư Dự án thuỷ điện Sơn La thì số dân phải di chuyển tính đến năm 2010 là 18.897 hộ với 91.100 nhân khẩu. Theo phương án bố trí trên địa bàn tỉnh Sơn La có 10 vùng, 83 khu, 218 điểm tái định cư sắp xếp cho 100% số dân tái định cư của tỉnh. Tỉnh Lai Châu có 4 vùng, 7 khu với 24 điểm tái định cư có khả năng bố trí cho 100% số hộ dân của tỉnh và còn có thể bố trí cho khoảng hơn 1.000 hộ tái định cư của tỉnh Điện Biên. Tỉnh Điện Biên có 3.840 hộ phải di dời, trong đó bố trí trên địa bàn tỉnh là 2.739 hộ, số còn lại bố trí tái định cư tại tỉnh Lai Châu.

Tuy có cố gắng nhưng việc thực hiện quyết định của Chính phủ ở các địa phương đang gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi được biết, ngoài 200 hộ đã đến khu tái định cư mẫu ở Nậm Chim, Si Pha Phìn, ba năm qua tỉnh Điện Biên mới chỉ di dời được 200 hộ, với 3.812 hộ nằm trong dự án. Đây là tỉnh triển khai chậm nhất tiến độ tái định cư thủy điện Sơn La. Tổng kinh phí dự án là 4.000 tỷ đồng.

Từ năm 2004 đến 2006, chính phủ đã đầu tư 750 tỷ đồng dự án tái định cư cho Điện Biên, nhưng tỉnh mới chỉ giải ngân được 137 tỷ đồng, đạt 0,03% tổng vốn đầu tư của dự án. Do giải ngân quá chậm nên năm 2007, Chính phủ không ghi vốn đầu tư dự án tái định cư thủy điện Sơn La cho Điện Biên.

Với Sơn La, tình hình xem ra có khá hơn. Từ tháng 05/2004 đến nay, Sơn La đã lựa chọn 65 khu, 206 điểm, có khả năng tiếp nhận hơn 12.500 hộ tái định cư Dự án thuỷ điện Sơn La. Sau khi được duyệt, tỉnh đã thi công 396 dự án thành phần phục vụ tiếp nhận khoảng 5200 hộ di dời đến nơi ở mới.

Để hoàn thiện mô hình các khu tái định cư, UBND tỉnh Sơn La chỉ đạo làm điểm để rút kinh nghiệm. Trước tiên Ban Quản lý dự án của tỉnh làm chủ đầu tư, trực tiếp quản lý điều hành dự án với một khu, 8 điểm tái định cư tại xã Tân Lập, huyện Mộc Châu. Phương châm của Sơn La là xây dựng cơ bản, đồng bộ, gắn việc di dời dân với xây dựng bản làng mới phát triển toàn diện. Đến nay, khu Tân Lập đã hoàn thành đủ khả năng tiếp nhận hơn 400 hộ dân đến tái định cư.

Ngoài nhà ở theo phương thức “chìa khoá trao tay” người dân còn được hưởng lợi ngay từ hệ thống cơ sở hạ tầng, khu sản xuất canh tác cơ bản. Những hộ dân sở tại bị ảnh hưởng do triển khai dự án tái định cư cũng được cấp uỷ, chính quyền quan tâm tổ chức lại sản xuất và đời sống. “Vạn sự khởi đầu nan”, sau khi rút kinh nghiệm từ mô hình Tân Lập, Sơn La đã triển khai đầu tư các dự án trên diện rộng. Tuy nhiên, trước yêu cầu của tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ xây dựng nhà máy thuỷ điện và thực tiễn đầu tư xây dựng các khu, điểm tái định cư của tỉnh thì vẫn còn rất chậm.

Hiện nay, Sơn La mới có 563 dự án thành phần được phê duyệt, với tổng số vốn đầu tư là 1.800 tỷ đồng. Các địa phương đã triển khai thi công 396 dự án, khối lượng hoàn thành mới đạt khoảng 600 tỷ đồng (khoảng 30% tổng số vốn đầu tư).

Một số thiếu sót và khó khăn

Về nguyên nhân dẫn đến thực hiện giải ngân dự án tái định cư thủy điện Sơn La chậm, có ý kiến nhấn mạnh yếu tố khách quan do khí hậu phức tạp, các khu, điểm thực hiện tái định cư ở xa trung tâm, giao thông khó khăn, hạ tầng cơ sở chưa có gì…

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng yếu tố trách nhiệm và năng lực của cán bộ thực hiện công tác tái định cư vẫn là chủ yếu. Người cán bộ thực hiện các dự án tái định cư phải có kiến thức nghiệp vụ và kinh nghiệm, đặc biệt phải có hiểu biết về lĩnh vực xây dựng cơ bản.

Nhưng trên thực tế số cán bộ tham gia vào ban quản lý dự án của các địa phương chủ yếu được “nhặt” từ các lĩnh vực khác sang theo kiểu chắp vá nên khả năng quản lý, giám sát công tác tái định cư rất hạn chế nếu không muốn nói là không quản lý được. Đấy là chưa kể không ít cán bộ thiếu yên tâm với công việc bởi nhiều lý do, nhưng rõ nhất là họ lo khi dự án hoàn thành, mình sẽ về đâu?… Với một số cán bộ, do cường độ công việc quá lớn so với số lượng, năng lực và trình độ mà họ có nên ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng dự án tái định cư là điều khó tránh khỏi.

Một mâu thuẫn dễ nhận ra là, khối lượng công việc của các dự án thành phần rất lớn trong khi yêu cầu của tiến độ di chuyển dân lại rất khẩn trương. Một dự án dù to dù nhỏ cũng phải tuân thủ đầy đủ trình tự, thủ tục mà cán bộ dự án vừa thiếu lại vừa yếu thì thật khó mà nhanh được. Chất lượng nhiều hồ sơ dự án, thiết kế, dự toán không bảo đảm chất lượng, không đủ điều kiện để phê duyệt. Đó là chưa kể đã có những dự án vừa thiết kế vừa thi công gây nên sai sót, lãng phí. Không ít chủ đầu tư chưa tập trung cao độ cho việc lập quy hoạch chi tiết, giải phóng mặt bằng, chưa sâu sát kiểm tra, đôn đốc, giám sát thực hiện các dự án, thậm chí có biểu hiện “khoán trắng” cho tư vấn. Công tác đấu thầu, chỉ định thầu chưa được coi trọng.

Thực tế ở hai tỉnh Điện Biên và Sơn La cho thấy vấn đề nghiệm thu, thanh toán cũng còn nhiều vướng mắc chủ yếu là kiểu ứng vốn theo khối lượng hoàn thành. Số ít công trình hoàn thành đưa vào sử dụng đã bộc lộ những bất cập về chất lượng. Điều này cho thấy công tác quản lý Nhà nước về xây dựng, nhất là về chất lượng chưa chặt chẽ. Cơ chế phối hợp giữa các ngành chức năng, liên quan đến tái định cư thiếu đồng bộ cũng là một trong những nguyên nhân tạo ra vướng mắc và dẫn đến chậm trễ. Điển hình phải là việc giải quyết đất sản xuất cho gần 100 hộ tái định cư ở bản Huổi Lực (Điện Biên). Sự phối hợp thiếu đồng bộ giữa Ban quản lý dự án với chính quyền và các ban ngành đã dẫn đến các hộ không có đất sản xuất.

Đâu là giải pháp tháo gỡ?

Nguyên nhân chậm trễ thì dễ thấy, nhưng giải pháp để khắc phục nhằm đẩy nhanh tiến độ lại là việc không đơn giản. Tuy nhiên, để đạt mốc: “Quý IV năm 2009 hạn chót hoàn thành dự án tái định cư để chính thức ngăn đập thủy điện Sơn La vào năm 2010” thì trước hết phải giải bài toán: Những cán bộ tham gia vào ban quản lý dự án phải là những người am hiểu và có trách nhiệm với công việc được giao. Đi kèm với đó phải có những chế độ, chính sách phù hợp để họ yên tâm với nhiệm vụ.

Mặt khác, công tác thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án phải được tiến hành khẩn trương theo đúng tinh thần: Cải cách thủ tục hành chính để sớm trình Chính phủ điều chỉnh quy hoạch tổng thể di dân tái định cư. Đây là cơ sở để lập, phê duyệt các dự án thành phần tại các khu, điểm tái định cư, vì vậy nếu làm chậm không thể bảo đảm tiến độ di dân. Dù đấu thầu hay chỉ định thầu thì cũng cần chấn chỉnh lại việc lựa chọn nhà thầu, nhanh nhưng tất cả các khâu, các bước trong quy trình đều phải bảo đảm đúng quy định.

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cần phải được tăng cường, trước hết là củng cố lực lượng làm công tác này cả về trách nhiệm và chuyên môn. Giải quyết kịp thời mọi khó khăn, vướng mắc trong đền bù, giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án thành phần theo hướng đến đâu dứt điểm đến đó; vừa tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện dự án, vừa bảo đảm mục tiêu sớm ổn định nơi ở và đời sống nhân dân, trong thực hiện các dự án thành phần, cần tuân thủ đúng thứ tự ưu tiên: mạng lưới giao thông; điện, nước sinh hoạt; trường lớp học, trạm y tế… Mặt khác, cần mở rộng dân chủ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia giám sát các khâu, các bước trong quy trình đầu tư xây dựng các dự án. Cần coi đây là một biện pháp quan trọng góp phần bảo đảm chất lượng các dự án tái định cư.