Hà Giang, Tuyên Quang: Rầm rộ đào đãi vàng

Suốt một tuyến dài từ Hà Giang về Tuyên Quang, tình trạng tàu cuốc khai thác vàng đang ngày đêm hoạt động nhộn nhịp làm tan nát dòng sông Lô. Nhiều đoạn bờ sông đã rạn nứt, có dấu hiệu sạt lở. Nạn ô nhiễm môi trường cũng nghiêm trọng không kém, nguyên nhân chủ yếu là do các chủ tàu dùng thủy ngân để cô đọng vảy vàng rồi vô tư thải xuống sông.

Đuổi xã này, dong thuyền qua xã khác


Đó là câu cửa miệng của dân đào, đãi vàng trên sông Lô. Anh Nguyễn Duy Bình, nhà ở xã Ngọc Hội, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang bảo với chúng tôi như vậy. Cách đây 1 tháng, “con tàu vàng” của anh chuyên cuốc chính ở vùng bãi bồi Đại Thị, trên dòng sông Gâm. Nhưng các lực lượng chức năng của huyện Chiêm Hóa đuổi “rát mặt”, nên anh thuê thuyền máy kéo “con tàu vàng” lên khu vực xã Hùng An (huyện Bắc Quang, Hà Giang), khu vực giáp ranh giữa Tuyên Quang và Hà Giang.


Anh neo tàu trên đoạn sông Lô này để tiếp tục tìm kiếm châu báu, tài nguyên dưới lòng sông. Anh Bình cho biết, trước đây anh đầu tư khoảng 100 triệu đồng cho con tàu nhỏ, với dàn gàu có 70 xẻng, lắp máy 20 mã lực, cần gàu dài 8m. Nhưng mới 3 tháng nay, anh và 4 người cùng quê đã hùn vốn đầu tư con tàu lớn, giá gần 400 triệu đồng. Anh phải về tận Sơn Tây để đặt đóng mới con tàu. Chẳng thế, từ cần gàu, lưỡi xẻng, máy nổ đều mới và lớn hơn tàu cũ rất nhiều.

Khi chúng tôi hỏi về chuyện bị chính quyền địa phương truy quét gắt nạn tàu đãi vàng, anh Bình cười thản nhiên: “Nói thật nhé, bọn em chẳng sợ đâu. Bởi vì đuổi ở xã này, bọn em lại dong thuyền sang xã bên kia, họ có truy quét đồng loạt đâu mà lo. Nếu có bắt được thì cứ đóng phạt thôi, cấp xã phạt không quá 500 ngàn đồng. Nhưng thật ra mà nói, làm ở đâu cũng đều có chuyện đóng góp cho “thổ công” nơi đó hết rồi, nên cũng không việc gì phải lo”.

Chúng tôi tiếp tục xuôi dòng sông Lô đến địa phận tỉnh Tuyên Quang. Tại xã Xuân Vân của huyện Yên Sơn, cảnh đào bới bằng tàu cuốc hoạt động không khác gì một… công trường. Từng dàn lọc kéo những gàu cát, sỏi móc từ lòng sông đổ lên dàn sàng, bắt đầu sàng ầm ầm. Nước đỏ ngầu, những váng dầu thừa nổi loang loáng trên mặt nước.
Cách công trường này không bao xa là trụ sở của UBND xã Xuân Vân. Anh Hoàng Văn Giáp, nhà ở xã Quý Quân cho biết, nạn tàu cuốc này đã hoành hành nhiều tháng nay ở khu vực xã, song anh chẳng thấy chính quyền địa phương lên tiếng.

Không thể ngăn chặn?


Suốt từ làng Cham đến làng Vật Ong, chỉ một đoạn sông có bãi bồi nhưng có đến 20 “tàu vàng” neo đậu đặc bến. Có nhiều đoạn sông bị đào móc thành những cái hang, hố sâu hoắm. Nhiều gia đình ở khu vực bãi bồi Vật Ong còn tự cho mình quyền “quản lý” và bán bãi bồi cho tàu cuốc.

Ông Trần Văn Cường, ở làng Vật Ong kể, ông vừa bán bãi bồi đang trồng ngô bởi không thể canh giữ được. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, giá bán bãi bồi của các hộ dân ven sông Lô cho tàu cuốc thường từ 15 đến 25 triệu đồng.

Trao đổi với ông Nguyễn Văn Nhâm, chủ tịch thị trấn Bắc Quang (huyện Bắc Quang, Hà Giang), ông nhìn nhận “nạn tàu cuốc rất khó cấm triệt để”. Theo ông Nhâm, tỉnh nên cho kiểm tra và tịch thu các loại phương tiện hoạt động trái phép, không phép khai thác trên sông. Có thế mới xóa được nạn tàu vàng, chứ cứ để như hiện nay thì… bó tay! Tìm hiểu ở các huyện như Vị Xuyên, Bắc Quang (Hà Giang), Chiêm Hóa, Yên Sơn, Sơn Dương (Tuyên Quang) thì huyện nào, tỉnh nào cũng có văn bản nghiêm cấm khai thác khoáng sản trái phép trên dòng sông.


Thế nhưng quan sát thực tế, chúng tôi rất lấy làm lạ, là những “con tàu vàng” nặng hàng chục tấn vẫn lù lù, ngày đêm hoạt động công khai mà không có cơ quan chức năng nào ngăn chặn được!?. Có chăng, ngăn chặn chỉ là sự đối phó của chính quyền và ngành chức năng khi dư luận lên tiếng gay gắt về nguy cơ gây ô nhiễm, sạt lở bờ sông.

Ông Đặng Minh Sơn, Chánh thanh tra Sở Tài nguyên – Môi trường Tuyên Quang cho biết: “Thời gian qua, thanh tra tỉnh đã lập biên bản tạm giữ 8 chiếc tàu vàng hoạt động trái phép ở huyện Chiêm Hóa. Việc truy bắt các tàu vàng vẫn đang tiếp tục…”.

Mới đây, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, trưởng công an huyện Yên Sơn đã có văn bản yêu cầu các xã ven sông trên địa bàn huyện kiên quyết đuổi tàu cuốc ra khỏi địa bàn huyện nếu phát hiện được. Nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, công an các xã chỉ làm theo cho có lệ!

Bà Nguyễn Thị Hảo, Chánh thanh tra Sở Tài nguyên – Môi trường Hà Giang cho biết: “Dòng sông Lô chảy từ Trung Quốc qua xã Thanh Thủy (Hà Giang) vào Việt Nam. Đây là dòng sông tiêu thoát nước lũ rất lớn cho một loạt các tỉnh miền núi, trong đó có Hà Giang và Tuyên Quang.

Song thực trạng ô nhiễm dòng sông hiện nay đáng báo động, nhiều loài sinh vật đang biến mất. Tỉnh Hà Giang đã có sự ngăn chặn nạn khai thác trên dòng, nhưng khi lực lượng kiểm tra liên ngành truy quét thì tàu vàng lại xuôi về Tuyên Quang ẩn nấp nên… đành chịu!