Công nghiệp mạ tạo ra một lượng đáng kể chất thải công nghiệp độc hại sau mạ. Cách xử lý chất thải mạ thông dụng hiện nay ở Việt Nam là chôn lấp. Giải pháp này chưa hợp lý vì vẫn có thể gây ô nhiễm nguồn nước ngầm với các hóa chất vô cơ, các ion kim loại như ion sắt, ion Crôm 6+… có thể gây ra các bệnh ung thư, nhiễm độc thần kinh… đồng thời còn bỏ phí một lượng đáng kể kim loại quý như Ni, Cr.
Hiện nay nguồn cung cấp Ni cho sản xuất trong nước chủ yếu là nhập khẩu. Do trữ lượng Ni từ các mỏ khai thác của thế giới ngày cạn kiệt nên giá Ni liên tục tăng, dao động ở mức 550- 600.000 đồng/1kg.
Xuất phát từ yêu cầu thực tế sản xuất, một nhóm các cán bộ nghiên cứu của Viện Khoa học Vật liệu, thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tiến hành thực hiện Đề tài “Nghiên cứu công nghệ xử lý và tái sử dụng bã thải rắn trong công nghiệp mạ Crôm, Niken” nhằm tái chế thu hồi các kim loại quý như Ni, Cr trong chất thải công nghiệp.
Tuy mới bắt đầu triển khai hơn một năm, song đề tài đã thu được một số kết quả rất tích cực. Những sản phẩm thu hồi từ chất thải mạ của đề tài như tấm Niken, Niken đồng xu, phục vụ mạ siêu nhanh, muối Niken sunphát có chất lượng cao đã đáp ứng được tiêu chuẩn của ngành mạ kim loại.
Tập thể tác giả tham gia đề tài đã tìm ra được phương pháp để loại bỏ các tạp chất ra khỏi dung dịch Niken sunphát thu hồi để làm nguyên liệu cơ sở cung cấp trực tiếp cho quá trình điện phân, đặc biệt là đã ổn định được công nghệ xử lý chất thải với thành phần và hàm lượng tạp chất biến động rất lớn ở đầu vào và trong quá trình sản xuất để chất lượng đầu ra luôn đồng đều. Sản phẩm Niken do Viện chế tạo có thể đạt chất lỏng cao tới 99,9% và khi đưa vào sản xuất đại trà luôn đạt chất lượng ổn định từ mức 99,5% trở lên.
Hiện nay, nguồn cung cấp chủ yếu chất thải công nghiệp mạ cho đề tài là từ Công ty sản xuất phụ tùng ô-tô xe máy Goshi – Thăng Long với dây chuyền mạ vào loại lớn nhất Đông Nam Á với lượng chất thải hằng năm lên đến hàng trăm tấn. Thông thường trong nguồn bã thải mạ có chứa từ 3-5% Ni khi ở dạng bã thải tươi, nếu để khô thì hàm lượng Ni có trong chất thải lên tới 10-20%. Như vậy, chỉ riêng lượng bã thải của một Công ty Goshi – Thăng Long đã cho phép thu hồi được hàng chục tấn Ni mỗi năm với giá trị lên tới hàng chục tỷ đồng tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động. Đồng thời, tái chế rác thải cũng giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được rất nhiều chi phí xử lý.
Những thành công bước đầu của đề tài vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao cho xã hội, vừa góp phần bảo vệ môi trường cho cộng đồng. Trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu mong muốn sẽ cố gắng tiếp tục hoàn thiện công nghệ và hướng tới một giải pháp hoàn thiện hơn nhằm thu hồi các kim loại quý và loại bỏ các yếu tố độc hại khỏi chất thải mạ, kết quả còn lại sau xử lý sẽ là những chất thải chỉ chứa các tạp chất phi kim dễ xử lý bằng các biện pháp thông thường như đốt, chôn lấp mà không ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường tự nhiên.