Tạo ra chú ếch trong suốt

Các nhà khoa học Nhật Bản đã nhân giống thành công những con ếch trong suốt, giúp họ quan sát được nội tạng, mạch máu và trứng của chúng nằm dưới da mà không cần mổ xẻ.

Việc mổ xẻ động vật để tiến hành thí nghiệm đang trở thành chủ đề gây tranh cãi trên thế giới, đặc biệt ở các trường học, nơi mà những nhà bảo vệ động vật gây áp lực phải thay đổi, chẳng hạn chuyển sang sử dụng mô hình máy tính thay cho nghiên cứu trên vật sống.

Trưởng nhóm nghiên cứu Masayuki Sumida, giáo sư tại Viện Sinh học lưỡng cư, Đại học Hirosima, cho biết nhóm của ông đã tạo ra những sinh vật 4 chân trong suốt đầu tiên.

“Bạn có thể nhìn xuyên qua da để thấy nội tạng lớn lên như thế nào, các khối u bắt đầu và phát triển ra sao. Bạn cũng có thể quan sát quá trình chất độc ảnh hưởng đến xương, gan và các nội tạng khác với chi phí thấp hơn”.

Những chú ếch trong suốt được tạo ra từ những đột biến hiếm trên loài ếch nâu Nhật Bản, vốn có da lưng màu nâu hoặc vàng nhạt. Sự kết hợp của hai loại gene lặn khiến cho da của chúng trở nên mờ đi.

Những con ếch trong suốt cũng có thể sinh sản, và các con non thừa kế đặc điểm này của cha mẹ, nhưng đến thế hệ cháu thì tuổi thọ đã rút ngắn.