Theo dự báo của Quỹ quốc tế về bảo vệ thiên nhiên thế (WWF), hiện 5 dòng chảy ở châu Á đang bị cạn kiệt là Dương Tử, Salween, Ganges, Indus và Mê kông. Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích gần 40.000 km2, chiếm hơn 79% diện tích tam giác châu thổ sông Mê Kông. Đây là vùng giàu tiềm năng về nhiều mặt, có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước, đóng vai trò chính trong việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Do đó sông Mê Kông bị cạn kiệt sẽ là thảm họa cho cả khu vực này bao gồm Việt Nam, Campuchia, Lào.
Về mùa khô ở Đồng bằng sông Cửu Long hầu như không có mưa, nguồn nước chủ yếu do sông Mê kông cung cấp, bình quân lưu lượng mùa kiệt khoảng 2.000 m3/s. Bên cạnh đó, thảm thực vật phía thượng nguồn đang bị suy giảm nghiêm trọng, ước tính lưu lượng chảy về Đồng bằng sông Cửu Long lúc đó chỉ còn khoảng 1.000m3/s, nguy cơ hạn hán rất nghiêm trọng.
Để giải quyết vấn đề này, TS. Trần Đình Hòa, Viện Khoa học Thủy lợi đã đưa ra giải pháp nhằm tạo nguồn nước ngọt cho Đồng bằng sông Cửu Long. Trữ nước ngọt bằng các hồ nhân tạo, giải pháp này đã được áp dụng ở một số hồ chứa ở những vùng ngập sâu, nơi mà sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả như Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, một số khu vực thuộc U Minh (Cà Mau). Những vùng trũng này có thể tạo ra các hồ chứa tới vài tỷ mét khối nước. Các công trình ngăn sông quy mô vừa, để ngăn mặn và trữ nước cho từng vùng, kết hợp chống hạn đi kèm với ngăn mặn. Các công trình thủy lợi xây dựng theo hướng này sẽ phát huy tác dụng tốt khi kết hợp với công tác xây dựng các hệ thống đê vùng khép kín.
Ưu điểm nổi bật của giải pháp này là công trình xây dựng đơn giản, mức đầu tư xây dựng thấp, công trình sớm phát huy hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế của nước ta hiện nay. Ngăn các sông lớn, là giải pháp mang tính chiến lược, lâu dài.
Phương pháp ngăn các sông lớn này sẽ biến Đồng bằng sông Cửu Long thành đồng bằng vùng ngọt ở phía trên và vùng mặn ở phía dưới, gần biển. Hướng này sẽ cho phép giải quyết triệt để vấn đề xâm nhập mặn, cải thiện rất tốt vấn đề thoát lũ nhưng có trở ngại là cần lượng kinh phí rất lớn.
TS. Trần Đình Hòa cũng kiến nghị: Nhà nước cần có một chương trình lớn nghiên cứu cụ thể để tìm ra phương án công trình hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các bước tiếp theo của quá trình đầu tư xây dựng công trình. Đây là vấn đề mang tính chiến lược ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế xã hội các vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung, do đó phải được nghiên cứu, xem xét một cách khoa học, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến giải pháp công trình. Bởi vì nó không chỉ đảm bảo những nhiệm vụ như cấp nước nông nghiệp, dân sinh, công nghiệp… mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến việc tiêu thoát lũ, giao thông đường thủy, đảm bảo cân bằng sinh thái cho cả khu vực.