Theo ước tính tổng số người tị nạn vì lý do thời tiết trên thế giới hiện vào khoảng từ 25 tới 50 triệu người, so với 20,8 triệu người tị nạn chính thức chạy loạn chiến tranh hay xung đột ở các nước trên thế giới.
Thảm họa chung
Vào đêm Giáng Sinh năm ngoái, đảo Lohachara của Ấn Độ, sau thời gian dài bị biển cả lấn chiếm khiến cư dân phải chạy sang đảo lân cận, cuối cùng đã chìm hẳn dưới làn nước Vịnh Bengal. Đây là hòn đảo đầu tiên có người sinh sống biến mất hẳn trên bản đồ do hậu quả của thời tiết ấm dần trên toàn cầu.
Về phần những người dân địa phương tìm được chốn dung thân trên hòn đảo gần đó, số phận họ cũng chưa hẳn đã yên vì ngay chính hòn đảo này, hàng nghìn mẫu đất cũng đã bị nước biển tràn ngập. Trước hiểm họa mực nước biển ngày càng dâng cao, ước tính khoảng 30.000 người dân trên đảo cũng sẽ phải đến phiên tản cư vào năm 2020.
Nhìn chung, đây không phải là trường hợp cá biệt bởi hiện nay, rất nhiều nơi trên Trái Đất cũng đang có nguy cơ bị nước biển xóa tên, trong đó có các đảo quốc ở Ấn Độ Dương, ở Trung và Nam Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, những vùng đất trải dài từ Bangladesh tới Ai-Cập cũng bị biển cả đe dọa. Trên vùng Bắc cực, người Inuit, tức thổ dân trong khu vực lạnh giá Bắc Mỹ và đảo Greenland, cũng đang lo tìm chỗ khác sinh sống vì băng tuyết ngày càng tan nhanh.
Trong bối cảnh này, quan chức của Úc lo rằng thời tiết thay đổi sẽ khiến toàn bộ dân số các đảo quốc lân cận như Kiribati và Tuvalu chạy sang Úc, bởi thực tế địa lý cho thấy nước Úc chắc chắn sẽ phải lãnh nhận dòng người tản cư, những người vì lý do thời tiết thay đổi mà trở thành người tị nạn, nhưng lại không được công nhận là người ‘tị nạn’.
“Tị nạn” mà không “tị nạn”
Hiện tại, không ai có thể nói chính xác số người tị nạn vì chịu tác động của hiện tượng thời tiết ấm dần trên toàn cầu sẽ lên đến bao nhiêu trong tương lai. Các nhà khoa học ước tính trong 50 năm nữa, thành phần này có thể vào khoảng từ 50 triệu đến 250 triệu người. Phiền nỗi tuy phải bỏ nhà bỏ cửa tìm nơi lánh nạn, những người này lại không được xem là ‘dân tị nạn’ theo định nghĩa lâu nay trong công pháp quốc tế.
Theo luật quốc tế, ‘người tị nạn’ là những người phải bỏ nước ra đi vì lý do chính đáng bắt nguồn từ nỗi lo sợ bị chính quyền sở tại hà hiếp dựa vào lý do chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, chính kiến hay hội viên một đoàn thể xã hội nào đó. Chính vì định nghĩa vừa nêu, luật quốc tế hiện chưa có quy định gì về quyền lợi, phúc lợi và về những biện pháp bảo vệ dành cho những người mất nhà mất cửa vì lý do thời tiết. Ngoài ra, hiện cũng chưa có cơ quan quốc tế nào, như Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc được ủy nhiệm công tác giúp đỡ thành phần người tị nạn vì thời tiết.
Trong tình hình hiện nay, một số vấn đề được đặt ra là liệu công pháp quốc tế có quy định các nước phải có nghĩa vụ ‘bảo vệ’ thành phần tị nạn này hay không? Ngoài ra, luật nhân quyền, luật tị nạn quốc tế và luật môi sinh có thể được áp dụng để xác định quyền lợi của đối tượng này cũng như trách nhiệm của nước thu nhận người tị nạn hay chăng?
Đây là những câu hỏi khó thể nào giải đáp cho minh bạch vì còn tùy ở cách phân tích có nguyên tắc để xem quốc gia sở tại bị ràng buộc ra sao một khi họ đã tự nguyện đảm nhận trách nhiệm thể theo các thỏa ước và thông lệ.
Phương cách giúp đỡ
Trước hết, nói đúng ra, luật tị nạn không được áp dụng cho trường hợp những người rời bỏ quê quán do thời tiết thay đổi. Tuy nhiên, một số nguyên tắc để bảo vệ họ và cương vị người tị nạn vẫn có thể phù hợp – cụ thể như người tị nạn không thể nào bị gởi trả về nguyên quán, nếu họ vẫn có thể gặp nguy hiểm hay bị hãm hại.
Hai nữa, luật nhân quyền quốc tế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì luật này bảo vệ những quyền lợi căn bản nhất của con người, bao gồm quyền được sống, quyền được đối xử tử tế, nhân đạo và được tôn trọng. Các thành phần thiểu số về sắc tộc, tôn giáo, ngôn ngữ hay thổ dân phải được phép sống theo tập tục văn hóa của họ, được tự do tín ngưỡng, được nói tiếng mẹ đẻ. Các tòa án nhân quyền cũng công nhận ‘các cộng đồng thổ dân được quyền sống trên đất đai của họ, được sử dụng tài nguyên địa phương để bảo tồn văn hóa và nòi giống cộng đồng mình’.
Thứ ba, môi trường là ‘tài nguyên chung’ để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của con người. Nhà nước không được sử dụng lãnh thổ thuộc chủ quyền của mình bằng cách nào đó gây nguy hại đến các nước khác. Luật lệ quốc tế về môi trường đòi hỏi các nước phải thực thi những chương trình giảm thiểu các loại khí thải nhà kính, phải ngăn ngừa, giảm bớt các hoạt động gây ô nhiễm môi trường khắp nơi và bảo tồn nền đa sinh trong thiên nhiên.
Thực ra việc bảo vệ môi trường là ‘một phần tối quan trọng trong học thuyết nhân quyền ngày nay’ vì đây là khía cạnh cơ bản để thực thi các quyền lợi của con người như quyền được chăm sóc y tế và quyền sống còn. Trong bối cảnh ngày càng có nhiều người phải bỏ đất đai ruộng vườn do hậu quả của hiện tượng thời tiết thay đổi trên toàn cầu, để bảo vệ thành phần tị nạn này, luật lệ quốc tế trong các lãnh vực vừa nói cần được nối kết để ấn định trách nhiệm cho các nước.