Ozone vừa hại phổi vừa làm suy yếu miễn dịch

Theo các chuyên gia Mỹ, việc phơi nhiễm ozone không chỉ gây tổn thương phồi mà còn làm giảm số lượng tế bào miễn dịch quan trọng, khiến cơ thể dễ bị tấn công bởi các chất độc có trong không khí bị ô nhiễm, nhất là ở các khu đô thị.

Mặc dù từ lâu các nhà khoa học đã biết việc phơi nhiễm ozone, một thành phần chính trong ô nhiễm không khí đô thị, có khả năng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, hô hấp và tử vong, nhưng cơ chế gây bệnh thực sự của ozone vẫn chưa được biết rõ.


Gần đây, các chuyên gia thuộc Trung tâm Y khoa của Đại học Duke, North Carolina, Hoa Kỳ, đã thực hiện một nghiên cứu về ảnh hưởng của ozone đối với hệ miễn dịch bẩm sinh, giúp giải đáp một phần về ảnh hưởng của ozone đối với sức khỏe con người.


Kích thích tiến trình tự hủy, làm giảm đại thực bào    

Theo nhóm nghiên cứu, việc phơi nhiễm ozone không chỉ làm tăng thương tổn ở phổi trong quá trình cơ thể chống lại các độc tố của vi khuẩn, mà còn đẩy nhanh tiến trình tự hủy (apoptosis) của những tế bào miễn dịch có khả năng “tiêu hóa” các vật thể lạ và giữ cho đường hô hấp luôn thông suốt.


Tiến trình tự hủy là một quá trình thoái hóa, già cỗi và tiêu hủy dần của tế bào bình thường trong cơ thể.


Theo các chuyên gia, “nếu chuột đã bị phơi nhiễm ozone trước, rồi sau đó bị phơi nhiễm tiếp với nội độc tố của vi khuẩn trong không khí, thì chúng sẽ bị giảm số lượng đại thực bào (macrophages) trong phổi. Việc phơi nhiễm ozone trong bối cảnh này đã kích thích tiến trình tự hủy của các tế bào miễn dịch”.


Vai trò chính của đại thực bào là tiêu hủy các thành phần cặn bã của tế bào và bắt giữ, tiêu diệt các tác nhân gây bệnh. Ở phổi, đại thực bào có chức năng loại bỏ các thành phần hoại tử và bụi, giúp ngăn chặn hiện tượng viêm tế bào.


Bác sĩ John Hollingsworth, chuyên gia về phổi và là tác giả chính của nghiên cứu này, phát biểu: “Ozone có thể làm cho hệ miễn dịch bẩm sinh trở nên hoạt động thái quá, giết chết các tế bào miễn dịch quan trọng, khiến phổi dễ bị tấn công bởi các tác nhân từ bên ngoài, như hóa chất độc và vi khuẩn”.


Trong các thử nghiệm của mình, nhóm nghiên cứu đã so sánh và phân tích sự khác nhau giữa 2 nhóm chuột: một nhóm được hít thở không khí trong phòng và nhóm kia bị phơi nhiễm ozone, nhằm đánh giá những phản ứng của cơ thể khi phải sống trong bầu không khi có chứa ozone ở mức gây hại.


Ông Hollingsworth cho biết: “Ở chuột bị phơi nhiễm ozone, các tuyến hô hấp ở phổi phải hoạt động quá mức và số lượng tế bào bị viêm cũng cao hơn so với chuột không bị phơi nhiễm”.


Hơn nữa, nghiên cứu này cũng cho thấy việc phơi nhiễm ozone còn làm giảm nồng độ tế bào miễn dịch lưu thông trong máu.


Đề nghị điều chỉnh ngưỡng gây hại của ozone


Trong khi các nhà hoạch định chính sách đang tranh cãi về mức độ nào của ozone trong không khí là an toàn cho việc hít thở của con người, thì nghiên cứu này cho thấy ozone không chỉ ảnh hưởng đến phổi mà còn làm suy yếu hệ miễn dịch.


Các chuyên gia sẽ tiếp tục nghiên cứu về cơ chế tác động của ozone trong việc làm chết các tế bào trong macrophages trong phổi. Họ cũng sẽ tập trung vào ảnh hưởng của ozone đối với các phản ứng miễn dịch.


Theo tiêu chuẩn hiện nay, ngưỡng gây hại của ozone trong không khí là 85 phần tỷ (85 ppb). Bất cứ sự vượt quá nào đối với ngưỡng này cũng đều có hại cho sức khỏe con người.


Tuy nhiên, nhiều tổ chức y tế quốc tế, trong đó có Hội Lồng ngực Hoa Kỳ, đã đề nghị hạ thấp ngưỡng gây hại của ozone trong không khí xuống còn 60 ppb.


Các tổ chức này đã viện dẫn các nghiên cứu cho thấy những tác hại nghiêm trọng của ozone đối với sức khỏe con người, nhất là trẻ em và những cá nhân có sức đề kháng yếu trước các chất độc hại trong không khí bị ô nhiễm.


Khi lượng ozone trong không khí tăng, dù chỉ trong thời gian ngắn, số ca mắc bệnh đường hô hấp và tử vong hằng ngày cũng tăng theo. Ozone còn bị xem là chất gây ung thư cho một số động vật, cũng như là tác nhân gây đột biến ở một số vi khuẩn.
Nghiên cứu của bác sĩ Hollingsworth và các cộng sự được công bố trên tạp chí Immunology (Miễn dịch học), ngày 01/10/2007.