Công trình đập Tam Hiệp của Trung Quốc có thể dẫn tới thảm họa về môi trường nếu chính quyền không có biện pháp giải quyết các vấn đề nảy sinh một cách khẩn trương.
Ông Vương Tiểu Phương, kỹ sư trưởng của công trình này nói không thể làm ngơ trước các vấn đề về môi sinh như lở đất, đất chuồi và ô nhiễm nguồn nước.
Theo ông, tại một số nơi, việc phát triển không được hoạch định kỹ đã làm các vấn đề thêm tồi tệ.
Các chỉ trích gia lâu nay đã cảnh báo rằng công trình thủy lợi lớn nhất thế giới này có thể gây ra ảnh hưởng to lớn về môi trường.
Đập Tam Hiệp được xây dựng với kinh phí 25 tỷ đôla trên con sông lớn nhất nước – Trường Giang, và theo kế hoạch sẽ hoàn tất vào cuối năm 2008.
Hơn một triệu người đã được chuyển đi tái định cư khỏi nơi xây đập, mà Trung Quốc nói có mục đích điều hòa lũ lụt và cung cấp điện năng.
Trả giá về môi trường
Ông Vương phát biểu tại một cuộc họp báo rằng Trung Quốc cần để ý khắc phục các vấn đề về môi trường: “Chúng ta không thể lơi lỏng cảnh giác trước các vấn đề an ninh môi trường và sinh thái mà công trình đập Tam Hiệp gây ra.”
“Không thể lấy môi trường để trả giá cho phát triển kinh tế được”.
Các quan chức cảnh báo rằng chất lượng nước sinh hoạt của người dân trong khu vực đang bị ảnh hưởng. Còn chính phủ Trung Quốc đang lo ngại rằng việc tàn phá môi sinh có thể gây bất ổn về chính trị.
Đầu mùa hè, người đứng đầu cơ quan Bảo vệ Mội trường Trung Quốc cảnh báo rằng các quan ngại về môi trường đã làm tăng con số các cuộc biểu tình trong nước.
Tuy nhiên nay chẳng còn con sông nào ở Trung Quốc mà không bị xây cất thủy lợi và nhiều công trình đang được thực hiện khắp mọi nơi.