Nhiều đoạn sông Thị Vải – vùng đông Nam bộ thuộc Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và TP.HCM – đang bị nạn ô nhiễm môi trường hủy diệt. Điều này chỉ mới xảy ra độ chục năm trở lại đây, khi nhà máy công nghiệp, cảng sông… mọc lên dày đặc.
Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, rất “đặc trưng”… mùi nước sông Thị Vải tại khu vực cảng Gò Dầu (thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai). Màu nước nâu nâu, đỏ đỏ chạy dài hàng chục kilômet khiến tất cả những ai có dịp quan sát dòng sông này đều khó quên.
Các nhà chuyên môn cho rằng mùi hay màu cũng chỉ là một trong những biểu hiện của tình trạng ô nhiễm. Còn muốn biết đích thực mức độ ô nhiễm nặng nhẹ đến đâu, nhất định phải phân tích mẫu nước mới có thể đánh giá được.
Dòng sông chết
GS.TS Lâm Minh Triết – nguyên viện trưởng Viện Tài nguyên và môi trường ĐH Quốc gia TP.HCM – nói rằng nồng độ oxy hòa tan trong nước là một trong những thông tin đầu tiên, rất quan trọng để đánh giá môi trường nước có còn sự sống hay không.
Một kết quả phân tích mẫu nước năm 2004 được Sở TN-MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cung cấp ghi: “Điểm lấy mẫu ở khu vực gần cửa xả nước thải của Công ty Vedan”.
Kết quả: nồng độ oxy hòa tan trong nước (đơn vị mg/lít) qua bốn đợt phân tích (khoảng ba tháng/đợt) tương ứng là 0,3; 0,3; 2,2 và 2,6.
Đối chiếu với tiêu chuẩn chất lượng nước mặt VN thì kết quả đo đạc nồng độ oxy hòa tan trong nước ở hai đợt đầu tiên còn rất xa mới đạt được mức thấp nhất của tiêu chuẩn (2mg/lít); kết quả đo đạc chỉ tiêu này của hai đợt cuối năm 2004 cũng chỉ mới xấp xỉ mức thấp nhất của tiêu chuẩn.
Tuy nhiên, nếu so sánh với tiêu chuẩn nước ngọt bảo vệ đời sống thủy sinh, các mức nồng độ oxy hòa tan trong nước qua các đợt phân tích của năm 2004 là không đạt yêu cầu (thấp nhất phải đạt là 5mg/lít).
Các nhà chuyên môn khẳng định những kết quả phân tích mẫu nước này là chứng cứ xác thực nhất để nói rằng chất lượng nguồn nước ở sông Thị Vải đã bị suy giảm nghiêm trọng. Hay nói cách khác, với mức nồng độ oxy hòa tan trong nước thấp đến như vậy, kéo dài hàng chục kilômet trên sông Thị Vải, coi như không còn sự sống ở những đoạn sông này.
Trong một diễn biến khác, tại báo cáo Thủ tướng Chính phủ về ô nhiễm sông Thị Vải vào tháng 08/2006, Bộ Tài nguyên – môi trường nhìn nhận một thực trạng xót xa: “Khu vực bị ô nhiễm nặng nhất kéo dài khoảng 10 km từ xã Long Thọ (Nhơn Trạch, Đồng Nai) đến xã Mỹ Xuân (Tân Thành, Bà Rịa – Vũng Tàu), nồng độ oxy hòa tan trong nước chỉ ở mức từ 0,5mg/lít trở xuống”.
Bộ này giải trình với Thủ tướng rằng “với nồng độ oxy thấp như vậy, các sinh vật ở dưới nước không thể sinh trưởng và phát triển được. Môi trường ở sông Thị Vải cũng không còn khả năng tự làm sạch…”.
Số liệu “thăm khám sức khỏe” sông Thị Vải ở các năm tiếp theo cũng hết sức đáng buồn: 2005 và 2006, qua kết quả phân tích mẫu nước thì nồng độ oxy hòa tan trong nước chẳng nhích lên được chút nào, thậm chí còn thấp hơn.
Trong khi đó, kết quả đo đạc chất lượng nước sông Thị Vải mới nhất do Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM thực hiện, được công bố vào tháng 05/2007, cho thấy thượng nguồn sông Thị Vải (khu vực gần điểm xả nước thải của Công ty Vedan) có lúc bằng… không.
Ô nhiễm chì rất nặng
Sông Thị Vải còn bị ô nhiễm nghiêm trọng do chất hữu cơ, chất dinh dưỡng, chất lơ lửng, mùi hôi, vi khuẩn và đáng lo hơn là các chất độc hại kim loại nặng.
Trước đây, yêu cầu phân tích mẫu nước theo dõi diễn biến “sức khỏe” của sông Thị Vải do tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thực hiện vào thời điểm năm 2005, trong tất cả sáu vị trí có lấy mẫu nước trên sông Thị Vải để phân tích đều phát hiện có sự hiện diện của chì, cadimi và đều vượt tiêu chuẩn cho phép.
Đến cuối năm 2006, cơ quan chuyên môn của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đưa ra kết luận rất đáng lo ngại trên sông Thị Vải “ô nhiễm chì nặng và rất nặng (tùy vào từng khúc sông)”.
Theo số liệu cập nhật gần đây nhất, tháng 05/2007, sự hiện diện của chì và cadimi vẫn ở mức báo động “ô nhiễm nặng”, vượt tiêu chuẩn cho phép 4-5 lần.
Chưa hết, cơ quan chức năng còn phát hiện có cơ sở sản xuất công nghiệp thải cả chất xyanua – một loại chất độc hại với môi trường và sức khỏe cộng đồng – vào sông Thị Vải với hàm lượng vượt chuẩn cho phép hàng chục lần.
Quá nhiều thủ phạm đầu độc sông Thị Vải
Theo một con số thống kê, lượng nước thải công nghiệp đổ xuống sông Thị Vải trong một ngày ước khoảng trên 33.000m3. Nhưng phần lớn lượng nước thải này không được xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn đã tống thẳng ra sông Thị Vải.
Đơn cử, Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 (thuộc Đồng Nai) tập trung các ngành dệt nhuộm, cơ khí, điện tử… với lượng nước thải hàng nghìn mét khối/ngày.
Nhưng có những thời điểm trong thành phần nước thải của khu công nghiệp này chất ô nhiễm hữu cơ vượt chuẩn cho phép hơn gấp đôi, chất dinh dưỡng vượt chuẩn gấp 5-6 lần, còn vi khuẩn có khu vực vượt chuẩn hơn 1.000 lần…
Tại một số khu vực là đường thoát nước thải của khu công nghiệp luôn bốc mùi hôi thối, người dân phản ảnh có lúc ô nhiễm nghiêm trọng làm tôm, cá ở các ao đầm trong khu vực chết hàng loạt.
Các cơ quan chuyên môn tính toán chỉ riêng một doanh nghiệp sản xuất gạch men thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có tổng tải lượng các chất ô nhiễm gồm các chất hữu cơ, cặn lơ lửng… thải thẳng xuống sông Thị Vải khoảng hơn 4.000 kg/ngày.
Dọc sông Thị Vải có hàng trăm nhà máy công nghiệp mỗi ngày thải ra sông Thị Vải thấp thì vài trăm kilogam tổng các chất ô nhiễm, còn mức trung bình thì mỗi nhà máy cũng thải cả nghìn kg các chất ô nhiễm/ngày…
“Mất bò mới lo làm chuồng”! Tháng 11/2006, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã phê duyệt kế hoạch tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Thị Vải (đoạn thuộc tỉnh). Kèm theo kế hoạch qui mô này là 11 chương trình, dự án. Biện pháp được xem là cứng rắn gây chú ý nhất là quyết định hạn chế cấp phép đầu tư năm loại dự án gồm xi mạ, chế biến thủy sản, sản xuất hóa chất bảo vệ thực vật, sản xuất phân bón và sản xuất bột giấy. |