Báo cáo buôn bán động thực vật hoang dã ở Trung Quốc – 2006

ThienNhien.Net – Mạng lưới giám sát buôn bán động vật hoang dã TRAFFIC mới đây xuất bản Báo cáo tóm tắt về tình trạng buôn bán động thực vật hoang dã (ĐTVHD) ở Trung Quốc năm 2006. Đây là bản đầu tiên trong loạt báo cáo hàng năm về xu hướng mới nổi trong thực trạng buôn bán ĐTVHD của Trung Quốc, cập nhật thông tin về các hoạt động ngăn chặn nạn buôn bán bất hợp pháp cũng như hỗ trợ việc buôn bán bền vững. Báo cáo cũng nghiên cứu sức ép của việc tiêu thụ ĐTVHD tại Trung Quốc lên các điểm nóng đa dạng sinh học trên toàn cầu.

Thú lớn họ mèo

 IUCN

Vấn đề được đề cập đầu tiên trong tài liệu báo cáo là nạn buôn bán trái phép hổ và các loài thú họ mèo cỡ lớn khác của châu Á. Chúng bị khai thác xương để làm nguyên liệu y học cổ truyền, còn da để làm quần áo và đồ trang trí. Nhờ việc áp dụng lệnh cấm buôn bán năm 1993, Trung Quốc đã trở thành quốc gia tiên phong trong việc kiểm soát nạn buôn bán trái phép này. Kết quả điều tra của TRAFFIC năm 2006 cho thấy tại Trung Quốc còn khoảng gần 3% cửa hàng và điểm phân phối thuốc (trong tổng số 663 đơn vị tại 26 tỉnh thành) có tàng trữ xương hổ. So với con số 18% năm 1994, thời điểm mới áp dụng lệnh cấm, thì đây là một sự chuyển biến rõ rệt. Nhận thức của người dân và sự hợp tác cung cấp thông tin của những chủ hiệu thuốc cũng đã thay đổi theo chiều hướng tích cực.

Tuy nhiên, dù lệnh cấm đã phát huy hiệu quả đối với các sản phẩm phẩm xương hổ nhưng tại vùng Tây Tạng trong vòng 5-6 năm qua đã xuất hiện thị trường mới buôn bán da hổ và báo, mặc dù khi được phỏng vấn người dân ở đây thừa nhận rằng họ biết hành động đó là trái pháp luật. Số liệu năm 2005-2006 cho thấy nạn buôn bán da hổ, báo có suy giảm đôi chút. Các nhà bảo tồn cho rằng cần có những nghiên cứu sâu hơn trước khi có công bố chính thức, tuy nhiên thực tế đã chứng mình rằng sự kết hợp đồng thời hai yếu tố thực thi pháp luật và nâng cao nhận thức hoàn toàn có thể giúp kiểm soát được nạn buôn bán da hổ, báo, như kết quả đã thu được đối với xương hổ.
 
Hiện Chính phủ Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực từ phía các chủ nuôi hổ, họ yêu cầu xóa bỏ lệnh cấm để cho phép trở lại hoạt động buôn bán trong nước các sản phẩm từ hổ nuôi. Theo TRAFFIC, Nếu Trung Quốc chấp thuận đề nghị này rất có thể sẽ gây nên sự gia tăng nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ hổ và đe dọa quần thể hổ ngoài tự nhiên.

Cá rạn san hô

 IUCN

Báo cáo cũng đề cập đến nạn buôn bán các loài cá rạn san hô tại Hồng Kông và miền Nam Trung Quốc, thị trường nhập khẩu mặt hàng này lớn nhất thế giới để tiêu thụ trong các nhà hàng. Phần lớn các loại cá đó bị đánh bắt tại các rạn san hô nhiệt đới thuộc vùng “Tam giác san hô”, bao quanh bởi  3 nước Inđônêxia, Malaixia và Philíppin, nơi được coi là vùng trung tâm đa dạng sinh học rạn san hô của thế giới.

Trong giai đoạn 2000 – 2006, trung bình mỗi năm Hồng Kông nhập khẩu 15.000 tấn các loại cá rạn san hô, từ hơn 30 nước trên thế giới (chủ yếu từ In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-lip-pin và Thái Lan). Hầu hết các loại cá này được đánh bắt từ tự nhiên. Nhu cầu về cá đang gia tăng tại Hồng Kông và sự phát triển thị trường tại các tỉnh Nam Trung Quốc đã làm giảm số lượng các loại cá này trong tự nhiên. Những lái buôn vì vậy cũng vươn xa hơn để tìm những nguồn hàng mới.

Hồi tháng 9 năm ngoái, Phi-lip-pin đã phát hiện và bắt giữ một tàu từ lục địa Trung Quốc cập cảng hàng hải quốc gia Tubbataha thuộc vùng biển Sulu, trung tâm đảo tam giác san hô, trên có chứa hàng tấn cá rạn san hô không có giấy phép, trong đó có 350 con cá hàng chài đầu to. Đây là loài có tên trong phụ lục II của CITES, chỉ được buôn bán khi có giấy phép


Hồng Kông là nơi tiêu thụ lớn nhất các loài cá rạn san hô trên thế giới. Vì vậy, sự tham gia của Hồng Kông có ý nghĩa rất quan trọng đối với tính hiệu quả của các chiến dịch chống buôn bán ĐVHD.

Gỗ nhập khẩu

 IUCN

Sự tăng trưởng ngoạn mục của ngành nhập khẩu gỗ vào Trung Quốc trong suốt thập kỉ trước, phần lớn ăn theo tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của nước này, cũng bị đưa ra xem xét. Các chuyên gia cho rằng nó đã gây một số ảnh hưởng không tốt đến các khu rừng lớn trên thế giới trong đó có vùng Viễn Đông Nga, Boóc-nê-ô và Đông Phi.

Năm 2005, Trung Quốc nhập khẩu tới 20 triệu m gỗ từ Nga, chiếm 58% tổng lượng gỗ nhập khẩu của Trung Quốc và gấp hơn 10 lần lượng gỗ nhập khẩu của Nga năm 1998. Chính sách của Trung Quốc là khuyến khích việc nhập khẩu gỗ, thể hiện bằng việc bãi bỏ thuế nhập khẩu gỗ  khối và gỗ xẻ năm 2000, giảm thuế nhập khẩu các sản phẩm gỗ thành phẩm và bán thành phẩm từ 20% xuống còn 3% vào năm 2002. Các nước cung cấp gỗ chủ yếu cho Trung Quốc là Nga, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a.
 
Những quốc gia này đang phải đối mặt với vấn đề khai thác gỗ quá mức và bất hợp pháp. Các chuyên gia cho biết ít nhất 20% lượng gỗ tại Nga hiện đang bị khai thác phi pháp.
 
Để giảm bớt tình trạng này, trong năm qua, Trung Quốc tiếp tục duy trì những các hoạt động hướng dẫn để giúp người tiêu dùng và các cơ sở kinh doanh không mua gỗ và các sản phẩm bằng gỗ có nguồn bất hợp pháp, đống thời phát triển các tiêu chuẩn để phân loại xuất xứ gỗ. Bộ tiêu chuẩn này sẽ được ấn hành thành tài liệu tham khảo cho các quốc gia thành viên của Mạng lưới thương mại gỗ toàn cầu.
 
Năm 2006, TRAFFIC đã xuất bản một quyển sách tiếng Trung hướng dẫn nhận dạng các loại gỗ nhập khẩu từ Nga nhằm giúp các quan chức thi hành luật quản lý việc buôn bán gỗ hợp pháp và bền vững với Nga. Trong năm nay, TRAFFIC sẽ  hỗ trợ việc hoàn thiện các điều luật về nhập khẩu gỗ từ các khu rừng thuộc Boóc-nê-ô và Đông Phi. Đây là những khu rừng đóng vai trò lớn đối với hệ đa dạng sinh học toàn cầu, đang chịu áp lực từ nhu cầu nhập khẩu gỗ của Trung Quốc.  

Thông đỏ là một nhóm cây có giá trị cao trong việc chữa bệnh ung thư tại trung Quốc. Nghiên cứu gần đây cho thấy Trung Quốc đã có những ảnh hưởng nhất định tới hoạt động buôn bán bất ổn định các loài cây này. Sự phát triển của ngành công nghiệp buôn bán các thành phần và chiết xuất từ thong đỏ là một trường hợp cụ thể cho thấy sự phát triển kinh tế một cách nhanh chóng và làm suy giảm nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng bị suy giảm tại nước này. Các loài cây này đang bị đe doạ do sự khai thác vỏ cây và lá theo vụ để sản xuất thuốc chữa bệnh ung thư. Mặc dù thực tế là vào năm 2004, bốn giống thông đỏ châu Á đã được liệt kê trong phụ lục II của công ước CITES.
 
Trong vòng 10 năm qua, tỉnh Vân Nam, nơi phân bố tập trung thông đỏ của Trung Quốc đã bị mất 90% số lượng. Hiện Trung Quốc phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, chủ yếu từ một số nước như Canada, My-an-ma và Bắc Triều Tiên. Tương lai ngành công nghiệp này tùy phụ vào kế hoạch nhân giống và phát triển thông đỏ của Trung Quốc, số lượng còn lại trong tự nhiên hầu như không còn đủ duy trì cho tương lai.
 
Theo nhận định của TRAFFIC, phương pháp nhân giống thông đỏ tại TQ bước đầu đã được thực hiện tuy vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu hiện tại. Trong thời gian tới, TQ cần cải thiện công nghệ chiết xuất góp phần giảm việc khai thác trái phép từ tự nhiên, đồng thời cải thiện chính sách, công tác kiểm tra và theo dõi nguồn nguyên liệu của ngành. Nếu như các cây được nhân tạo không thể sống sót thì áp lực đối với nguồn nguyên liệu sẽ vẫn tiếp diễn.

 


Tê tê:

 IUCN

Tại Trung Quốc, thịt tê tê được chế làm thuốc bổ và vẩy của loài này được sử dụng làm các loại thuốc cổ truyền.

Việc tiêu thụ tê tê tại Trung Quốc hiện bị đánh giá là thiếu bền vững, thể hiện qua sự suy giảm quần thể tê tê trong tự nhiên, khiến những kẻ buôn bán phải mở rộng phạm vi truy lùng để đáp ứng nhu cầu tê tê tại thị trường Trung Quốc. Người ta đã tiến hành một đánh giá nhanh 24 vụ buôn bán tê tê trong năm 2006, tổng cộng 1685 con tê tê và 1938 kg vẩy tê tê đã bị bắt giữ, cũng có nghĩa là gần 4000 con tê tê đã bị giết hại để thu được số vảy như vậy. Trong đó số, tê tê bị bắt giữ tại tỉnh Quảng Đông và tỉnh Quảng Tây chiếm 70%, còn lại tại một số tỉnh khác như Vân Nam, Phúc Kiến, Triết Giang và Hải Nam. Đa số tê tê có nguồn gốc từ các  nước láng giềng, đặc biệt là Việt Nam.   

Đây chỉ là những con số rất nhỏ so với thực tế. Tuy nhiên, khi  so sánh với số liệu năm 2005: 10 vụ - bắt giữ 629 con và 469 kg vảy tê tê, thì thấy nạn buôn bán trái phép tê tê có chiều hướng gia tăng. Kết quả khảo sát cũng cho thấy càng mở rộng điều tra các vụ buôn bán tê tê tại các tỉnh phía Nam Trung Quốc thì thấy lượng tê tê bị bắt giữ càng nhiều hơn. Rất  có thể các vụ buôn bán đã ảnh hưởng đến các nước có hệ đa dạng sinh học cao như Việt Nam, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a. TRAFFIC sẽ tiền hành điều tra tiếp theo trong năm 2007.

Ngà voi:

 IUCN

Hàng loạt vụ tịch thu ngà voi tại Trung Quốc trong năm 2006 cho thấy việc kiểm soát các vụ buôn bán bất hợp pháp vẫn còn là một thách thức đối với các nhà chức trách:
-          6 tháng đầu năm 2006, hải quan Thượng Hải phát hiện 13 vụ buôn bán ngà voi, tịch thu 16 chiếc ngà và các sản phẩm từ ngà voi như đồ trang sức, con dấu.
-          8 tháng đầu năm 2006, Hải quan Hàng Châu (tỉnh Triết Giang) đã bắt giữ 30 vụ - gấp đôi so với cùng kỳ năm 2005.
-          Tháng 05/2006, Hồng Kông bắt giữ vụ buôn bán 4 tấn ngà voi - vụ lớn nhất tại Hồng Kông từ năm 1989.
-          Tháng 07/2006, Đài Loan tịch thu 5 tấn ngà voi – số lượng vận chuyển ngà voi lớn nhất từ trước đến nay tại Đài Loan.

Nạn buôn bán này đe doạ đến quần thể sinh sống tự tại các khu vực đa dạng sinh học có tầm quan trọng toàn cầu, đặc biệt là vùng vịnh Công gô và vùng bờ biển Đông Phi. Trong hội nghị CITES vào tháng 10/2006, CITES đã bày tỏ sự lo ngại rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục là một địa điểm chính buôn bán bất hợp pháp ngà voi và từ chối việc chấp thuận coi Trung Quốc là đối tác được hưởng chế độ ưu đãi buôn bán một lần ngà voi, được CITES đưa ra năm 2002.    

Xây dựng mạng lưới giám sát và mở rộng hợp tác, truyền thông vì bảo tồn

Vùng biên giới Trung Quốc giáp với khu vực Đông Dương, Nam Á, và Nga, và các cửa khẩu lớn như Thượng Hải, Quảng Châu chính là những điểm nóng về buôn bán ĐTVHD trái phép. Các nhà thi hành luật của Trung Quốc đang nỗ lực để kiểm soát những “vùng nhạy cảm” này.

Năm 2006, Trung Quốc thành lập “Mạng lưới Giám sát Buôn bán ĐTVHD”. Mạng lưới này đang phát triển các nhóm  tình nguyện rộng khắp trên toàn lãnh thổ Trung Quốc nhằm hỗ trợ cơ quan chức năng phản ứng nhanh với tội phạm về ĐTVHD đồng thời đưa ra các cảnh báo sớm. Họ cũng đã tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng điều tra thị trường buôn bán ĐTVHD và cơ chế gửi thông tin cho các nhà chức trách.

Kết quả gần đây nhất thu được là thành viên mạng lưới phát hiện 1 vụ buôn lậu ĐVHD lớn, gồm các loài báo,  tê tê, rắn và rùa nước ngọt. Hầu hết các trường hợp thông báo đều ở vùng biên giới phía Tây và phía Nam tỉnh Vân Nam, điều này càng thể hiện rõ nết tính hữu ích của Mạng lưới này trong việc điều tra hoạt động buôn bán xuyên biên giới.

Các cuộc điều tra ở vùng biên giới Lào-Trung Quốc và Myanma-Trung Quốc cho thấy họat động buôn bán da báo, sừng linh dương và tê tê diễn ra rất tự do. Vùng biên giới có nhiều nhà hàng đặc sản thú rừng và đây có thể là một phần nguyên nhân kích nạn buôn lậu thịt thú tươi từ các nước láng giềng. Kết quả điều tra cũng cho thấy có khoảng Những cuộc điều tra tiếp đó do các tình nguyện viên của Mạng lưới tiến hành ở Trùng Khánh cho thấy 85 loài lưỡng cư và bò sát bị buôn bán , trong đó có kỳ đà nước châu Á và trăn Ấn Độ (hai loài này có trong danh sách được bảo vệ đặc biệt của Trung Quốc) và nhiều lòai rùa nước ngọt đang bị đe dọa tuyệt chủng tại vùng hạ lưu sông Mêkông đoạn qua Cam-pu-chia và Việt Nam.

Báo cáo cũng cho biết trong năm qua Trung Quốc đã có nhiều nỗ lực tham gia hợp tác khu vực và hợp tác quốc tế trong công tác chống nạn buôn bán trái phép ĐTVHD như hợp tác với các quốc gia vùng hạ lưu sông Mê Kông, phía Đông Hymalaia và tham dự các hội thảo khu vực, hội thảo do CITES tổ chức.

Trong năm 2006, Liên minh giám sát buôn bán ĐTVHD, thành viên gồm TRAFFIC, WWF và IUCN tại Trung Quốc, đã ra thông cáo chung về quy định mới của Trung Quốc về Nhập khẩu và Xuất khẩu các lòai ĐTVHD có nguy cơ tuyệt chủng, thông cáo này đề nghị chính phủ Trung Quốc lặp lại cam kết của mình về việc cấm buôn bán hổ từ tất cả các nguồn. Đồng thời, Liên minh đã tổ chức phân phát 30.000 tờ poster nâng cao nhận thức về bảo tồn lòai hổ trong các cộng đồng người Tây Tạng ở các tỉnh Thanh Hải, Tứ Xuyên, Vân Nam, Cam Túc và Tây Tạng. Năm 2007, Liên minh sẽ tập trung vào sự kiện Olympic Bắc Kinh – 2008 để kêu gọi việc mua bán ĐTVHD hợp pháp và bền vững ở Trung Quốc.

Một trong những chìa khóa để thay đổi thực tế là dựa vào truyền thông. Trung Quốc là nơi tiêu thụ chính về các loại ĐVHD. Vì thế, TRAFFIC xác định răng chính người tiêu dùng Trung Quốc phải hiểu được giá trị thực của thú tiêu xài này và khả năng dẫn đến tuyệt chủng các các lòai khi bị khai thác buôn bán. Năm 2006, TRAFFIC đã liên kết với Ogilvy, một công ty truyền trông có tiếng tại Trung Quốc, xây dựng chiến dịch về nhận thức cho người tiêu dùng nội địa tập trung vào nhóm dân thành thị tiềm năng mua sản phẩm từ voi, hổ và các lòai rùa nước ngọt châu Á. Ý tưởng của chiến dịch là mô tả quá trình tiến hóa của các loài, đột lâu dài của mỗi với, với 1 sự quá trình tiến hóa đột ngột dừng lại tại các sản phẩm từ động vật hoang dã đã đe dọa các lòai đang có. Quá trình tiến hóa của hổ dừng lại ở 1 chai rượu hổ cốt, còn loài rùa nước ngọt thì dừng lại ở 1 bát súp. Sau đó, người tiêu dùng sẽ được hướng dẫn tới những thông tin về mối hiểm họa của nạn buôn bán ĐTVHD và những hành động góp phần bảo vệ những lòai này. Trong năm 2007, TRAFFIC sẽ điều tra tình trạng tiêu thụ động thực vật hoang dã tại 6 thành phố lớn ở của Trung Quốc. Thông tin sẽ được phổ biến rộng rãi để khuyến khích những sáng kiến nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng Trung Quốc và chiến dịch tranh thủ Olympic 2008 ở Bắc Kinh.