“Tiềm năng thuỷ sản trên hồ Hoà Bình thì lớn. Trong lòng hồ có nhiều loài cá, trong đó có những loại cá đặc sản, giá trị kinh tế cao. Nhưng tình hình khai thác hiện nay đang trong tình trạng vô tội vạ, khó quản lý. Sản lượng cá trong hồ ngày một giảm sút. Đã đến lúc phải có giải pháp cụ thể để quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên hồ Hoà Bình một cách bền vững” – Ông Phạm Văn Chân, Giám đốc Chi cục Thuỷ sản cho biết.
Tiềm năng
Trước khi xây dựng công trình Thuỷ điện Hoà Bình, sông Đà có khoảng 123 loài cá, trong đó có cả những loài cá di cư vào sông để đẻ như cá mòi, cá cháy… Từ khi có hồ Hoà Bình, chưa có cơ quan chức năng nào đứng ra điều tra, khảo sát về số lượng các loài cá trên hồ. Nhưng phải khẳng định, hồ Hoà Bình có nguồn lợi thuỷ sản lớn. Hàng năm, cung cấp cho thị trường hàng nghìn tấn cá các loại. Có nhiều loại cá quý hiếm mà nơi khác không có được như cá Lăng, cá Vực… Ngoài ra, sản lượng tôm, tép trong hồ cũng khá lớn. Các xã ven hồ như: Vầy Nưa, Tiền Phong, Tân Dân, Hiền Lương, (Đà Bắc); Thung Nai (Cao Phong); Thái Thịnh (TP Hoà Bình) nghề cá là một trong những nghề chính, đem lại thu nhập đáng kể.
Ông Đinh Văn Thậu, xóm Trà Ang, xã Vầy Nưa cho biết: Gia đình ông cùng 45 hộ trong xóm làm nghề khai thác thuỷ sản trên hồ đã gần 20 năm nay. Hết đói nhờ con cá mà khá lên cũng nhờ con cá. Nghề khai thác cá thường diễn ra vào ban đêm. Mặt trời xuống núi là cả xóm rong thuyền ra hồ. Mờ sáng hôm sau, thuyền lái buôn lên mua cá ngay trên hồ. Ngày nhiều thì được trên 100 nghìn đồng, ít cũng trên 50 nghìn đồng. Ngày công nghề khai thác thuỷ sản cao gấp nhiều lần nghề nông. Nhiều gia đình ở xã Vầy Nưa còn có nghề thả đó tôm. Nhà nhiều đó một đêm thu được vài chục cân tôm tươi, bán tại bến hoặc bán chuyển thuyền ngay trên hồ cũng được cả trăm nghìn đồng.
Anh Đinh Văn Khuyến, xóm Mực, xã Tiền Phong cho biết: Có lần đi thả lưới, vợ chồng anh được mẻ cá mè 3 – 4 con với trên 10kg/con. Cứ rong thuyền ra hồ là có tiền. Trong xóm có nhiều hộ làm nhà xây, mua sắm được tivi đều nhờ con cá, con tôm.
Ông Chân khẳng định: Hồ Hoà Bình có nhiều lợi thế để phát triển ngành nghề thuỷ sản. Mặt hồ rộng gần 9.000 ha trên địa phận của gần 20 xã, khí hậu nhiệt đới, lượng nước ổn định, luôn luân chuyển và không có sóng lớn. Hồ có nhiều luồng lạch thuận lợi cho cá sinh sản. Hồ là nguồn cung cấp sản lượng thuỷ sản lớn cả về lượng và chất.
Thực trạng khai thác
Theo như ông Chân cho biết: Nguồn lợi thuỷ sản trên hồ Hoà Bình sau khi xây dựng Thuỷ điện giảm sút do mất và thay đổi bãi đẻ của các loài cá, việc khai thác chưa hợp lý, cường độ khai thác tăng. Người khai thác cùng một lúc dùng cả lưới cỡ to, cỡ vừa và cỡ nhỏ. Tình trạng dùng sung điện vẫn còn xảy ra. Đây là hình thức khai thác mang tính huỷ diệt.
Ông Đinh Văn Lành, Bí thư Đảng uỷ xã Vầy Nưa cho biết: Bọn “thuỷ tặc” thường hoạt động vào thời điểm gần sáng, chúng nổ mìn ở nơi nước lặng, gần bờ. Một lúc chúng nổ 2 thậm chí 3 quả mìn rồi dùng thuyền, vợt vét vớt cá nổi. Tất cả thời gian diễn ra chỉ 20 – 30 phút. Khi lực lượng an ninh xã đến hiện trường, chúng đã cho thuyền chạy ra giữa hồ và chuyển cá sang thuyền máy đưa về hạ lưu.
Việc khai thác cá con bằng đăng vó đèn cũng diễn ra ở hầu khắp các xã ven hồ. Ở bến Trà An, một đêm đăng đèn chỉ kéo vó một lần. Mùa nước cạn, có mẻ vó được hàng trăm kg cá tép. Loại cá này thường chỉ bằng lá tre. Một xóm có 10 – 15 vó đăng đèn, một đêm có thể thu cả tấn cá tép. Ông Lành cho biết thêm: Vui là có tiền cải thiện đời sống cho nhân dân nhưng xót xa lắm. Mấy vụ nay, cá đã giảm nhiều, có khi đi thả lưới cả đêm chỉ được vài con cá mè. Trước đây, chỉ neo thuyền quanh xóm, xa lắm cũng chỉ cách nhà 1 – 2 km, nay phải rong thuyền đi cả tiếng đồng hồ mới đến bãi cá.
Nhiều người gắn bó với sông nước cũng phải công nhận rằng, thả lưới bây giờ ít được cá tự nhiên nặng 15 – 20 kg. Điều đó cho thấy, cá tự nhiên đã kiệt dần. Có những hộ ở xã Tiền Phong sử dụng 20 tấm lưới các loại. Cá đi chìm, cá ăn nổi, cá to, cá bé đều không lọt lưới.
Từ năm 2002 đến 2005, Trung tâm thuỷ sản đã thả xuống hồ gần 60 tấn cá giống. Nhưng số lượng cá còn lại trên hồ khó mà biết được đạt bao nhiêu phần trăm lượng cá thả. Vì Trung tâm thả cá buổi sáng, buổi trưa, buổi tối dân đã dùng thuyền đi dọc bờ để vớt. Đặc điểm của cá giống khi mới thả còn lạ môi trường sống từ ao ra hồ rộng, sâu nên chưa ra xa bờ mà nổi lên ven bờ. Ông Đinh Văn Thậu, một người dân sống bằng nghề cá tâm trạng không khỏi lo lắng: Chỉ khai thác mà không bảo vệ thì cá biển cũng kiệt chứ đừng nói cá trong hồ.
Giải pháp
Chi cục Thuỷ sản vừa được thành lập tháng 08/2006, được giao nhiệm vụ quản lý nguồn thuỷ sản trên hồ Hoà Bình. Nhiệm vụ thì lớn nhưng cơ sở vật chất phục vụ cho công tác lại thiếu thốn. Trung tâm chỉ có 8 người, không tàu thuyền, không có lực lượng thanh tra. Đối tượng khai thác thuỷ sản nhiều, rải rác khắp lòng hồ và chủ yếu khai thác về ban đêm do đó rất khó quản lý, xử lý các trường hợp vi phạm Luật Thuỷ sản.
Đời sống nhân dân vùng lòng hồ còn nhiều khó khăn, một trong những nguồn thu nhập chính là khai thác cá, tôm trên hồ. Để quản lý, bảo vệ nguồn thuỷ sản trên hồ, Chi cục đã tổ chức tuyên truyền, triển khai các chương trình, Luật Thuỷ sản đến người dân. Năm 2007 đã mở được 10 lớp khuyến ngư, phát hàng nghìn tờ rơi.
Tuy nhiên, theo ông Chân, cần điều tra lại các loài cá trên hồ, các bãi cá đẻ, lực lượng, ngư cụ khai thác. Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền đến từng người dân, làm cho mọi người thật sự tự giác chấp hành Luật. Mở rộng mô hình nuôi cá lồng. Một hộ nuôi 3 – 4 lồng cá theo đúng quy trình kỹ thuật, một năm cho thu nhập không dưới 20 triệu đồng; không dùng lưới mắt bé, vó đăng đèn để khai thác.
Nuôi trồng gắn với khai thác hợp lý sẽ đem lại hiệu quả kinh tế, bền vững. Công tác bảo vệ thuỷ sản chủ yếu là ở chính quyền địa phương. Các xã xây dựng tổ, đội an ninh bảo vệ, tuần tra khu vực hồ trên địa phận xã quản lí như xã Vầy Nưa, Thung Nai. Xử lý nghiêm những đối tượng dùng mìn, sung điện bắt cá. Giao nhiệm vụ tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật nuôi, khai thác thuỷ sản ở địa phương cho cán bộ khuyến nông viên cơ sở. Dân hiểu luật, tự giác thực hiện luật, coi cá trên hồ như cá trong ao nhà mình, có như vậy nguồn thuỷ sản trên hồ Hoà Bình mới giàu lên. Hồ giàu cá, tôm, dân sẽ hết đói nghèo.