Sở Giao thông công chính Hà Nội đã có đề án nghiên cứu, đề xuất các giải pháp giảm bụi trên địa bàn TP.Hà Nội từ năm 2004. Nhưng cho đến nay, tình trạng bụi trong thành phố vẫn chưa được cải thiện là bao. Nguyên nhân do đâu?
Dọn xong lại bẩn
Qua trao đổi với ông Lê Trung Dũng – Trưởng phòng Tổ chức Cty TNHH Nhà nước 1 thành viên Môi trường đô thị, chúng tôi được biết phía Công ty đang thực hiện công tác vệ sinh tại 4 quận nội thành. Hàng ngày Cty có 10 xe quét hút bụi trên các trục đường chính. Việc rửa đường được thực hiện từ 23h00 đến 6h00 sáng hôm sau.
Khi được hỏi tại sao có thực hiện vệ sinh mà đường phố vẫn đầy bụi bẩn, ông Dũng bức xúc: “Các xe chở cát, vật liệu xây dựng (VLXD) vào thành phố vẫn chưa được che đậy đúng quy định. Nhiều công trình xây dựng không có trạm rửa xe trước khi xe ra khỏi công trường. Đặc biệt, tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng vẫn tiếp diễn thường xuyên”.
Những điểm dễ nhận thấy thường xuyên bị đổ trộm rác thải là ngõ 165 Thái Hà, đường Bưởi, cuối đường Nguyên Hồng đoạn gần sông Tô Lịch…
Trên hết vẫn là ý thức người dân
Để đối phó với tình hình bụi ngày càng trầm trọng, các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều biện pháp trong đó có việc xây dựng các trạm rửa xe tại các cửa ngõ thủ đô. Các loại phương tiện giao thông trước khi vào thủ đô bắt buộc phải qua trạm để phun nước làm sạch.
Trạm rửa xe chống bụi đầu tiên tại Dốc Kẻ (Từ Liêm) đã hoạt động vào cuối tháng 8 vừa qua. Tuy nhiên vẫn có nhiều xe không chấp hành. Cũng phải thấy rằng thời gian chưa đầy một phút cho việc rửa xe là chưa ổn. Bên cạnh đó, rửa xe là công việc của trạm, còn công tác kiểm tra lại của đơn vị khác.
Trạm giám sát kiểm tra giao thông tuyến đường Thượng Cát – Tây Tựu – tuyến đường trước khi vào Hà Nội – chỉ cách nơi rửa xe khoảng 200m, nhưng không phải lúc nào cũng có người. Trong khu vực nội thành, Công ty môi trường dù cố gắng nhưng tình hình cũng không cải thiện hơn là mấy, do không có thẩm quyền trong xử lý vi phạm đổ trộm phế thải xây dựng.
Theo quyết định số 3093/QĐ-UB, các lực lượng xử lý đối tượng vi phạm đổ phế thải xây dựng ra đường phố là công an phường sở tại và GTCC. Nhưng vì các đối tượng hoạt động về đêm, tại những đoạn đường ít người qua lại, nên tình trạng này hầu như không được hạn chế.
Ngoài ra, công ty môi trường đô thị còn gặp khó khăn trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm phát sinh. Khi có những đống phế thải xây dựng lớn hơn 5m3, Công ty phải có sự thông qua của ban quản lý vốn sự nghiệp Sở GTCC mới được thanh quyết toán tài chính.
Theo tính toán của Công ty môi trường đô thị, việc rửa đường cũng cần phải xem xét lại. Hiện mỗi ngày Cty chỉ được cấp khoảng 900m3 nước, ít hơn 400m3 so với thời điểm đầu năm 2006 nên số tuyến đường được rửa cũng ít hơn.
Ông Lê Trung Dũng có ý kiến: “Chúng tôi sẽ cố gắng phối hợp với các đơn vị liên quan để ngăn chặn những cá nhân, tổ chức làm gia tăng nồng độ bụi. Công ty cũng đang nghiên cứu để đề xuất những biện pháp làm giảm bụi như xây dựng thêm trạm rửa xe, các phương pháp dọn vệ sinh mới… Nhưng trên hết vẫn là ý thức của người dân. Mỗi một người dân có thêm một chút ý thức, thành phố sẽ hạn chế được tình trạng ngập chìm trong bụi như hiện nay”.
Cảnh sát môi trường… bất lực Ngày 17/09, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký quyết định thành lập 64 phòng cảnh sát môi trường (CSMT) thuộc sở công an các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ. Ông Trần Quốc Tỏ – Trưởng phòng 2 Cục CSMT cho biết: “CSMT là đơn vị mới thành lập nên còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt là hành lang pháp lý liên quan đến vấn đề xử phạt các hành vi gây ô nhiễm môi trường. Về chức năng, nhiệm vụ của CSMT đã được quy định rõ nhưng quyền hạn thì chưa. Nếu phát hiện ra một vụ việc như vậy, CSMT phải chuyển cho các cơ quan có thẩm quyền để xử phạt”. Ông Trần Quốc Tỏ còn cho biết thêm, các văn bản pháp quy quy định về quyền hạn của lực lượng CSMT trong việc phát hiện và xử lý vi phạm đang từng bước được bổ sung hoàn thiện. Trong việc điều tra phát hiện vụ rác thải y tế gây chú ý của dư luận thời gian qua, CSMT cũng chỉ hoàn thiện hồ sơ còn việc xử lý là do thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường. |