Thành phố Hồ Chí Minh đang "lâm nguy" trước tình trạng ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng. Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra thì trong tương lai không xa sẽ có nhà máy nước bị đóng cửa, nhiều khu dân cư sống trong hôi thối, nguồn lợi thủy sản, nông sản… bị hủy diệt.
“Thủ phạm” là các bãi rác, các khu công nghiệp đang ngày đêm tuôn ra một lượng nước thải khổng lồ không qua xử lý.
“Tình trạng ô nhiễm nguồn nước cứ tăng dần một cách không kiểm soát như hiện nay thì không bao lâu nữa Nhà máy nước Tân Hiệp đang cung cấp nước cho hàng triệu cư dân TP.HCM có nguy cơ ngưng hoạt động” – ông Bùi Thanh Giang, giám đốc nhà máy nước này, cảnh báo.
Có thể rồi đây sẽ phải đóng cửa Nhà máy nước Tân Hiệp nếu như ô nhiễm trên sông Sài Gòn không được giải quyết nhanh chóng. Nguy cơ này trở thành hiện thực thì hàng triệu cư dân TP.HCM sẽ lâm vào cảnh “khát nước”.
Bà Nguyễn Thị Hường, phó ban kỹ thuật phụ trách kiểm nghiệm Nhà máy nước Tân Hiệp (NMNTH), cho biết trong các chất gây ô nhiễm đáng báo động là hàm lượng amoniac tăng cao và dao động liên tục gây rất nhiều khó khăn trong quá trình xử lý nước.
Nếu trước đây chất này chỉ dao động trong khoảng 0,02-0,03mg/lít thì giờ tăng lên 0,55mg/lít, có thời điểm tăng đến 1,03mg/lít (cao gấp 20 lần so với tiêu chuẩn qui định).
Ô nhiễm nặng nề
Ông Bùi Thanh Giang – giám đốc NMNTH – nói: “Trước đây amoniac chỉ tăng theo mùa hoặc theo thủy triều, hiện nay biến đổi liên tục trong ngày. Điều này làm cho qui trình xử lý NMNTH trở nên phức tạp, khó đảm bảo chất lượng nước đầu ra. Đến một lúc nào đó, có thể chúng tôi phải giảm công suất và nhiều khả năng sẽ phải ngưng hoạt động toàn bộ nhà máy”.
Một cán bộ kỹ thuật NMNTH giải thích thêm: theo cơ chế, khi châm clo vào các bể xử lý nước sẽ có tác động trước tiên với amoniac, sau đó mới tác động tới mangan, diệt vi khuẩn…
Tuy nhiên do hàm lượng amoniac quá cao sẽ “lấy” gần hết clo, khi đó nguồn clo còn lại không đủ để xử lý mangan và diệt khuẩn… Trong khi đó, theo thiết kế công suất máy, việc châm clo đã hoạt động hết công suất nên không thể can thiệp bằng cách châm thêm clo vào vì còn liên quan đến nhiều vấn đề kỹ thuật khác.
Không chỉ amoniac, chuyện ô nhiễm các kim loại nặng trong nguồn nước sông Sài Gòn cũng là một vấn đề đáng lo ngại vì qui trình của NMNTH rất khó xử lý các chất này.
Nước thải tuồn thẳng ra sông
Theo ông Bùi Thanh Giang, chất lượng nguồn nước sông Sài Gòn liên tục “nhảy múa” là do tình trạng nước thải từ các khu dân cư, khu công nghiệp lân cận trạm bơm Hòa Phú như Khu công nghiệp Tân Qui (Củ Chi), Tân Phú Trung và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương chưa được xử lý tốt nhưng lại tuồn thẳng ra sông.
Anh Huỳnh Văn Tây, đại biểu Hội đồng nhân dân xã Hòa Phú, bức xúc nói: “Khi nào có đoàn kiểm tra môi trường xuống hoặc có đại biểu tiếp xúc cử tri thì nước con kênh mới đỡ hôi, sau đó lại ô nhiễm nặng. Tôi nhiều lần phản ảnh lên xã, huyện… nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn không có gì thay đổi”.
Anh Đinh Tuấn Ba, ở ấp 3, xã Hòa Phú, cho biết thêm: “Khoảng 20-21h là các đơn vị trong khu công nghiệp bắt đầu xả nước thải nên nhà nào cũng phải đóng cửa kín mít từ sớm mà mùi hôi vẫn xộc vào. Chịu không nổi!”.
Mới đây, ngày 28/08, một đoàn khảo sát liên ngành do ông Lê Trường Giang – phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM – chủ trì đã tiến hành thị sát chất lượng nước xung quanh trạm bơm Hòa Phú và khẳng định nguồn nước khu vực này đang bị ô nhiễm.
Theo Sở Y tế, trong tổng số 15 doanh nghiệp, công ty tại Khu công nghiệp Tân Qui có đến 11 đơn vị có nước thải ô nhiễm nặng hữu cơ và hóa chất độc hại. Quá trình khảo sát thực tế cho thấy nước thải có màu đen, mùi hôi, làm ảnh hưởng đến đời sống khu dân cư xung quanh.
Tuy nhiên, hiện khu công nghiệp này chưa có ban quản lý nên khó kiểm soát được nước thải của các nhà máy. “Có khả năng công ty, xí nghiệp có hệ thống xử lý nước thải nhưng không vận hành thường xuyên, có lúc thải nước chưa xử lý ra ngoài vào ban đêm như người dân phản ảnh…” – Sở Y tế kết luận.
Tiếng kêu không thấu “trời xanh”
Tình trạng ô nhiễm nguồn nước trên sông Sài Gòn không phải là vấn đề mới. Lãnh đạo NMNTH nói mặc dù là đơn vị sử dụng trực tiếp nguồn nước sông Sài Gòn nhưng không đủ thẩm quyền để giải quyết vấn đề ô nhiễm mà chỉ “kêu gào” với các cơ quan quản lý địa phương, Sở Tài nguyên & Môi trường, thậm chí đến UBND TP.HCM. Tuy nhiên, liên tục nhiều năm nay tiếng kêu chưa thấu “trời xanh” nên việc ô nhiễm vẫn ngày càng diễn biến nghiêm trọng.
Ông Bùi Thanh Giang cho biết để đảm bảo nước ra từ NMNTH đạt chất lượng theo tiêu chuẩn, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn đã phải tăng gần gấp đôi chi phí xử lý hóa chất, tăng định mức điện… và hiện phải sản xuất trong tình trạng cầm cự.
Trong khi đó, Sở Y tế còn cho rằng vị trí lấy nước hiện nay của trạm Hóa An cũng không phù hợp do ở khu vực tiếp nhận cả sự ô nhiễm của thượng nguồn lẫn hạ nguồn, đồng thời đề xuất nên dời điểm tiếp nhận của NMNTH lên vị trí gần hồ Dầu Tiếng (thuộc tỉnh Tây Ninh). Theo ông Bùi Thanh Giang, việc này sẽ khó khả thi, tốn nhiều tiền bạc và công sức.
Điều đáng nói là giữa lúc “dầu sôi lửa bỏng” nhưng các cơ quan được giao nhiệm vụ “gác cửa” về môi trường TP lại “giậm chân tại chỗ” trong việc xác định nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước sông Sài Gòn.
Ông Nguyễn Văn Phước, phó giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường, cho biết đã bàn giao việc này cho đơn vị trực thuộc sở là Chi cục Bảo vệ môi trường. Thế nhưng ngày 20/09, ông Trịnh Thanh Nhã – chi cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường – lại nói: “Chỉ giám sát chất lượng chung chung thôi chứ không làm gì vì tốn kinh phí rất lớn. Nhìn thấy nhà máy xả nước gây ô nhiễm thì mình chỉ ghi nhận chứ đâu nói được cụ thể khu vực đó có bao nhiêu nhà máy, tổng lượng nước xả, mức độ ô nhiễm…”.
Về việc các khu công nghiệp ở Bình Dương cũng là một nguồn gây ô nhiễm sông Sài Gòn, ông Nhã cho rằng “không thể tự nhiên qua nhà người ta kiểm tra được trừ khi Bộ Tài nguyên & Môi trường, Cục đường sông thấy vấn đề bức bách chỉ đạo phối hợp thực hiện”. Cũng theo lời ông Nhã, đã báo cáo số liệu quan trắc chất lượng nguồn nước sông Sài Gòn cho các đơn vị cấp cao hơn như Sở và Bộ Tài nguyên & Môi trường.
Những con số báo động Nhà máy nước Tân Hiệp lấy nước mặt từ sông Sài Gòn (tại trạm bơm Hòa Phú, huyện Củ Chi) xử lý thành nước sạch với công suất 300.000m3/ngày (hiện chạy ở mức 280.000m3/ngày), hoạt động chính thức từ giữa năm 2004, là nơi cung cấp nước sạch cho hàng triệu người dân tại các quận huyện: 6, 7, 8, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Gò Vấp, Nhà Bè, Bình Chánh… Theo báo cáo của Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn, tình trạng ô nhiễm trên sông Sài Gòn đã đến mức báo động. Các số liệu quan trắc chất lượng nước khu vực thượng và hạ nguồn của trạm bơm Hòa Phú (trạm bơm lấy nước sông Sài Gòn cung cấp cho Nhà máy nước Tân Hiệp) cho thấy các chỉ tiêu về độ đục, mangan tăng 4-7 lần so với năm 2005, amoniac tăng gấp 10 lần và ngày càng diễn biến xấu hơn. Đặc biệt, chỉ tiêu về coliform (gây bệnh đường ruột) có thời điểm tăng đến 50 lần so với năm 2005. Chỉ tính riêng trong ba tháng 6, 7 và 08/2007 thì các chỉ tiêu về độ đục, mangan, amoniac tiếp tục tăng gấp đôi so với cùng thời điểm của năm 2006. |