Phát triển du lịch làng nghề: Cần những giải pháp đồng bộ

Nước ta có hệ thống làng nghề khá phong phú, rất thích hợp để khai thác và phát triển du lịch. Tuy nhiên, hiện nay tiềm năng ấy vẫn chưa được các địa phương quan tâm đúng mức. Trong khi nhiều làng nghề đang đứng trước nguy cơ mai một và lãng phí cơ hội thì những dự án đầu tư vẫn còn nằm trên giấy. Đã đến lúc, để trở thành điểm du lịch hấp dẫn, ngoài sự vận động của các làng nghề, cần phải có những giải pháp đồng bộ từ phía các cơ quan chức năng.

Hệ thống làng nghề là một trong những nguồn tài nguyên du lịch quan trọng của nước ta. Phát triển du lịch làng nghề không chỉ mang lại lợi nhuận kinh tế mà còn là cơ hội để quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam. Tuy nhiên, vì rất nhiều nguyên nhân mà tiềm năng này vẫn chưa được khai thác hiệu quả.

“Nàng công chúa… ngủ say”

Đi dọc chiều dài đất nước hình chữ S, du khách có thể thấy nhiều vùng quê với mật độ làng nghề dày đặc gắn với những giá trị văn hoá, lịch sử lâu đời. Theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, hiện nay nước ta có khoảng hơn 2000 làng nghề thủ công, thuộc 11 nhóm nghề chính như: sơn mài, gốm sứ, thêu ren, mây tre đan, cói, dệt, giấy, tranh dân gian, gỗ, đá…, hàng năm thu hút khoảng 13 triệu lao động, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 600 triệu USD. Điểm chung của các làng nghề là thường nằm trên trục giao thông, cả đường bộ lẫn đường sông, đặc điểm này được hình thành từ xưa, giúp các làng nghề có thể dễ dàng luân chuyển hàng đi các nơi tiêu thụ. Đây cũng là điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng các tour, tuyến du lịch.

Ngoài những lợi thế như cảnh quan thiên nhiên, vị trí địa lý, nét văn hoá đặc sắc, các làng nghề truyền thống còn có sức hút đặc biệt bởi mỗi làng lại gắn với một vùng văn hoá hay một hệ thống di tích. Chị Sylive Briset, phóng viên của tạp chí Le Courie’ (Pháp) thường xuyên có dịp sang Việt Nam cho biết: “Mỗi lần sang Việt Nam, tôi lại đến thăm các làng nghề, vừa để tác nghiệp, vừa để tìm hiểu kỹ hơn về cuộc sống người dân. Tôi thích khám phá sâu về hệ thống các di tích lịch sử gắn với dân làng nghề như đền, chùa, miếu…”. Ngoài ra, du khách không chỉ được ngắm nhìn khung cảnh làng quê thanh bình mà còn được tham quan nơi sản xuất, thậm chí có thể cùng tham gia làm sản phẩm. Chính điều này đã tạo nên sức hấp dẫn riêng của làng nghề. PGS.TS Phạm Trung Lương, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch làng nghề nhận định: “Làng nghề truyền thống được xem như một dạng tài nguyên du lịch nhân văn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bởi các sản phẩm du lịch làng nghề luôn bao hàm trong nó cả những giá trị vật thể và phi vật thể”.

Tiến sĩ Phạm Từ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch)
Du lịch làng nghề là loại hình du lịch văn hoá chất lượng cao. Theo thống kê, lượng khách chọn du lịch văn hoá- làng nghề hiện chiếm tới 60% trong tổng lượng 800 triệu khách du lịch trên toàn thế giới. Việt Nam là nước có nhiều tiềm năng để khai thác, phát triển du lịch làng nghề. Nếu được đầu tư đúng mức, khai thác hợp lý, đây sẽ là phương tiện giao lưu, quảng bá đất nước, con người mạnh mẽ và sâu rộng nhất. Khi văn hoá được giao thoa một cách tích cực thì giới hạn về không gian, địa lý sẽ không còn ý nghĩa. Lợi ích kinh tế, văn hoá, vị thế của địa phương, quốc gia sẽ tăng lên gấp bội.


Loay hoay tìm cách bứt phá

Lợi ích của việc phát triển du lịch làng nghề không chỉ thể hiện lợi nhuận kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động địa phương mà còn bảo tồn được giá trị văn hoá ngàn đời của ông cha ta. Nắm bắt được cơ hội, rất nhiều tỉnh thành như Hà Tây, Hoà Bình, Bắc Ninh, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng… đang triển khai mạnh mẽ loại hình này trong đó Bến Tre là một trong những địa phương tiên phong. Với khoảng 500km sông, rạch chằng chịt, địa thế ấy đã tạo giúp Bến Tre có những vườn cây trái đặc sản, sân chim, ngôi nhà cổ… Lãnh đạo tỉnh xác định du lịch vườn là một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế.

Ông Nguyễn Duy Phương, Phó giám đốc Sở Thương mại – Du lịch Bến Tre cho biết: Tỉnh khuyến khích người dân tham gia làm du lịch, gắn du lịch với xoá đói giảm nghèo. Nhờ những chính sách hỗ trợ hợp lý và sự năng động của người dân, hiện Bến Tre đã có 29 điểm du lịch vườn, dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều điểm do người dân quản lý không chỉ khai thác giá trị kinh tế vườn mà còn giới thiệu những nghề truyền thống, văn hoá dân gian với du khách.

Gia đình ông Võ Văn Phúc (xã An Khánh, huyện Châu Thành), ngoài trồng cây ăn quả còn nuôi ong lấy mật. Khách du lịch đến đây sẽ được thưởng thức món đặc sản từ mật ong và các chương trình ca nhạc tài tử, một loại hình ca nhạc dân gian độc đáo của vùng Nam Bộ. Trong mỗi tour du lịch vườn, khách có thể ngồi trên chiếc thuyền ba lá, len lỏi giữa những dòng kênh, rạch rợp bóng dừa, rồi ghé thăm các khu vườn bên bờ kênh, xem quy trình sản xuất kẹo dừa, thậm chí, nếu thích, du khách còn có thể tham gia vào những công đoạn sản xuất kẹo.

Hiệu quả đã thấy rõ, năm 2005 lượng khách du lịch tới Bến Tre tăng gần 151.000 người, doanh thu trên 83 tỷ đồng (gấp đôi năm 2002). Đầu năm 2006, trên 20 hãng lữ hành từ khắp các địa phương đã ký hợp đồng đưa khách đến các điểm du lịch ở xứ dừa. Tính đến tháng 03/2007, Bến Tre đã đón gần 79.000 du khách, trong đó có trên 26.000 khách quốc tế.

Là tỉnh tập trung nhiều làng nghề nhất cả nước, Hà Tây lại có “chiêu” thu hút khách tham quan bằng cách tổ chức lễ hội du lịch làng nghề truyền thống thường niên nhằm quảng bá những sản phẩm của làng nghề trong tỉnh. Theo ông Nguyễn Dần, cán bộ Sở Du lịch Hà Tây, tại những kỳ hội chợ, nhiều làng nghề đã có cơ hội ký hợp đồng xuất khẩu tại chỗ, mang lại giá trị hàng tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, Sở cũng thường xuyên tổ chức các tour đi về trong ngày. Giá mỗi tour như vậy thường không quá 300.000 đồng/người.

Ngoài ra, tiếp thị du lịch qua việc xây dựng các trang web giới thiệu làng nghề, tạo ra cơ hội quảng bá thương hiệu và sản phẩm, mang lại thu nhập cao cho các hộ sản xuất lại là cách để các tỉnh Bắc Ninh, Huế, Đà Nẵng,… kích cầu loại hình du lịch làng nghề. Có lẽ, độc đáo hơn cả là mô hình du lịch bằng trâu tại làng gốm Bát Tràng (Hà Nội). Tới đây, du khách có cơ hội ngồi lên chiếc xe trâu, thong dong ghé thăm các lò gốm trong làng với giá chỉ 10.000đồng/cuốc. Nghệ nhân Nguyễn Văn Hai, 65 tuổi tự hào về hình thức tiếp thị “độc nhất vô nhị” này. “Nhờ có hình thức du lịch kết hợp này mà lượng du khách đến thăm làng nghề chúng tôi đã tăng gấp 3 – 4 lần so với trước” – ông Hai nói.