Dùng vi khuẩn để diệt… lăng quăng. Một nhóm các nhà khoa học tại Viện Pasteur TPHCM vừa nghiên cứu thành công chế phẩm vi sinh từ chủng vi khuẩn <i> Bacillus thuringiensis subsp. israelensis serotype </i> H14 diệt lăng quăng.
TS. Hồ Thị Hồng Nhung – Viện Pasteur TP.HCM cùng các cộng sự vừa nghiên cứu thành công một loại chế phẩm vi sinh học từ chủng vi khuẩn có tác dụng diệt trừ được lăng quăng trong nhiều điều kiện sống khác nhau. Chỉ cần 200g chế phẩm này, với giá thành khoảng 300.000 đồng có thể bảo vệ được một khu vực có diện tích 1 ha khỏi nạn lăng quăng.
Đây là kết quả của đề tài khoa học “Nghiên cứu sản xuất chế phẩm vi sinh từ chủng vi khuẩn Bacillus thuringiensis subsp. israelensis serotype H14 diệt lăng quăng muỗi”. Thời gian nghiên cứu của đề tài kéo dài từ tháng 01/2006 – 09/2007.
Nhóm nghiên cứu đã thành công bước đầu trong công nghệ sản xuất ra vi khuẩn B. thuringiensis subsp. israelensis H 14 (Bti) với hiệu năng cao, khoảng 1 tấn/tháng. Loại chế phẩm sinh học chứa vi khuẩn này có tác dụng diệt lăng quăng trong nhiều điều kiện sống khác nhau, từ ao tù nước đọng cho đến nước kênh rạch.
Khi Bti theo nước và thức ăn vào trong ruột của lăng quăng, độc chất của vi khuẩn sẽ gây thủng ruột và diệt lăng quăng.
Tuy nhiên, trước khi đưa ra sử dụng rộng rãi, loại chế phẩm chứa vi khuẩn như nói trên còn phải được thông qua đánh giá của Hội đồng khoa học do Sở Khoa học-Công nghệ TP.HCM lập.
Đáng chú ý là nghiên cứu trên đã được sự đầu tư từ một công ty tư nhân hoạt động trong lĩnh vực công nghệ sinh học, chứ không dùng kinh phí Nhà nước.
Trên thế giới, các nước phát triển như Bắc Mỹ, Châu Âu đã kiểm soát được dịch sốt xuất huyết do hạn chế được lăng quăng. Một trong các biện pháp là sử dụng chế phẩm vi sinh có thành phần Bti rải xuống các khu vực tự nhiên có muỗi sinh sống.
Bti có thể giết được mọi loại lăng quăng muỗi thường cũng như muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, sốt rét, hay loại bệnh mới như viêm não Nipar (Philipine), bệnh viêm não Chikungunya.
Theo nhận định của Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization – WHO), trong 5 – 10 năm tới tất cả các loại bệnh này đều chưa có vắcxin phòng ngừa.