ThienNhien.Net – Ngày 06/08/2007, Hậu Giang khởi công xây dựng nhà máy giấy lớn nhất cả nước với tổng số vốn lên đến 1,2 tỷ USD do công ty TNHH Giấy Lee & Man (Trung Quốc) làm chủ đầu tư. Đây là một trong 3 dự án công nghiệp lớn, nếu được triển khai tiến hành, nó sẽ đem lại nhiều lợi ích về mặt kinh tế và xã hội không chỉ riêng đối với Hậu Giang mà còn với đồng bằng sông Cửu Long và cả nứơc. Nhưng xung quanh dự án này, có rất nhiều những quan ngại về vấn đề môi trường và an ninh sinh thái đang được mọi người quan tâm.
Dự án nhà máy giấy Hậu Giang được xây dựng tại khu công nghiệp ven sông Hậu, có công suất 420.000 tấn giấy chất lượng cao/năm, 330.000 tấn bột giấy/năm và ước tính nó sẽ đem lại công ăn việc làm cho khoảng 6000 lao động địa phương khi đưa vào sử dụng. Một viễn cảnh tốt đẹp cho một tình thuần nông nghèo, vừa mới tách tỉnh như Hậu Giang. Nó sẽ giúp tỉnh có những bước đột phá mới trong phát triển kinh tế, chuyển từ thuần nông sang nền kinh tế công nghiệp và dịch vụ. Phải chăng, chính vì thế mà dự án đã nhanh chóng được Sở KH-ĐT tình cấp phép trong khi còn nhiều vấn đề liên quan đến nguồn nguyên liệu, đặc biệt là vấn đề môi trường sinh thái, ngay cả khi dự án còn chưa tiến hành Đánh giá tác động môi trường.
Theo như nhà đầu tư cho biết: nguyên liệu để phục vụ cho nhà máy sẽ là 80% nguyên liệu phế thải nhập ngoại, còn lại 20% là nguyên liệu trong nước. Vấn đề này đã gây tranh cãi và lo ngại cho nhiều người, đặc biệt là các nhà môi trường. Chưa nói đến khả năng lượng giấy phế thải nhập khẩu liệu chưa chắc đảm bảo ổn định lâu dài cho sản xuất vì các nước trong vùng cũng đang hướng tới việc tận dụng khả năng tái chế giấy, việc tiếp nhận và sử dụng nguồn giấy phế thải sẽ đẩy toàn bộ ô nhiễm cho người dân trong vùng phải hứng chịu.
Vấn đề đáng lo ngại nhất chính là an toàn môi trường sinh thái trong khu vực. Nhà máy nằm ở gần cuối vùng thượng nguồn của nguồn nước, nếu việc xử lý chất thải không triệt để thì sẽ rất nguy hiểm. Chỉ cần một lượng nhỏ chất độc hại thoát ra ngoài môi trường sông, biển (chính là môi trường nuôi trồng thuỷ sản) thì sẽ làm ô nhiễm hệ sinh thái, ảnh hưởng đến vùng nguyên liệu, khả năng gây nhiễm bẩn các sản phẩm chế biến xuất khẩu là khó tránh khỏi…Ngoài việc có thể làm tôm cá chết hàng loạt, gây thiệt hại rất lớn cho nông dân, còn ảnh hưởng vô cùng lớn đến chất lượng thuỷ sản xuất khẩu vốn đang được các nước nhập khẩu kiểm soát nghiêm ngặt.
Cũng theo các nhà tư vấn, lượng xút (NaOH) dùng làm nguyên liệu sản xuất ảnh hưởng đến nguồn nước sông Hâu là không đáng băn khoăn vì nhà đầu tư chỉ dùng trong việc sản xuất bột giấy tẩy trắng (330.000 tấn/năm) với tỷ lệ 84kg NaOH/tấn bột giấy với con số lý thuyết mỗi năm cần 27.720 tấn NaOH. Để khắc phục ảnh hưởng, nhà máy sẽ lắp đặt dây chuyền thu hồi kiềm từ “dịch đen” (Lignin) bằng phương pháp đốt có thu nhiệt và “tro kiềm”. Toàn bộ lượng “tro kiềm” này sẽ được tái sử dụng cho quá trình sản xuất nhằm giảm lượng nguyên liệu kiềm tiêu thụ và không thải ra môi trường. Quá trình tẩy trắng cũng không làm phát sinh Dioxin vì chất tẩy trắng sẽ được dùng là H2O2 (Oxy già).
Ngày 19/09/2007, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đã có cuộc họp với đại diện một số bộ, ngành TW, các nhà khoa học, tư vấn, đầu tư…để giải trình them một số thông tin về dự án xây dựng nhà máy giấy Hậu Giang. Lý giải cho những quan ngại về hoạt động của nhà máy và nước thải sẽ ảnh hưởng đến môi trường nước sinh hoạt và nuôi trồng thuỷ sản, đơn vị tư vấn của dự án đã đưa ra những thông tin khoa học nghe đầy thuyết phục. Theo đó, để sản xuất 330.000 tấn bột giấy tẩy trắng /năm, nhà máy phải xử lý lượng nước thải 27.000m3/ngày đêm, nước có nồng độ BOD 700 mgO2/lít, COD 2.000 mgO2/lít và SS (chất rắn lơ lửng) là 1.300 mg/lít. Đối với nhà máy sản xuất giấy với công suất 420.000 tấn/năm thì cần xử lý lượng nước có nồng độ BOD 515 mgO2/lít, COD 1.461 mgO2/lít và SS 1.214 mg/lít với tổng khối lượng 29.272m3/ngày. Nước thải ra đạt tiêu chuẩn môi trường Việt Nam (TCVN 5945-2005), có nghĩa là nồng độ BOD trong nước thải chỉ bằng hoặc nhỏ hơn 30mgO2/lít, COD bằng hoặc nhỏ hơn 50mgO2/lít và SS chỉ bằng hoặc nhỏ hơn 50mg/lít. Vào mùa kiệt, toàn bộ nước thải đã qua xử lý được chứa lại trong các hồ sinh thái để tái sử dụng mà không thải ra sông, như vậy sẽ không làm ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt và nuôi trồng thuỷ sản.
Từ những giải trình trên, Cục Nuôi trồng thuỷ sản đã khẳng định rằng, dự án sẽ được thực hiện nếu đảm bảo 3 tiêu chủân về BOD, COD vá SS theo qui định của Bộ KH-CN.
Còn về phía Vụ Công nghiệp-Tiêu dùng (thuộc Bộ Công Thương) thì khuyến khích và ủng hộ chủ trương đầu tư của tỉnh Hậu Giang vì nhu cầu về giấy của chúng ta hằng năm trung bình là 1,8 triệu tấn/năm, trong khi trên thực tế chỉ đạt lượng giấy sản xuất là 1,1 triệu tấn/năm. Mặt khác, các tính toán cho biết đến năm 2050 nhu cầu về giấy của chúng ta sẽ vào khoảng 5,1 triệu tấn. Đồng thời, Vụ cũng nhấn mạnh rằng, giấy nguyên liệu nhập khẩu không quá lo ngại nếu như ta làm đúng và tiến hành các giải pháp và công nghệ xử lý. Và nguyên liệu để phục vụ nhà máy không phải là nỗi lo đáng kể.
Cũng đồng tình với ý kiến của Vụ Công nghiệp-Tiêu dùng, Cục Lâm nghiệp cho rằng phải có tính toán về vấn đề qui hoạch sử dụng đất hợp lý. Cục Lâm nghiệp không sợ việc khai thác sẽ dẫn đến phá rừng tràm hiện có vì mục đích xây dựng nhà máy ở đây là khuyến khích dân trồng rừng và giải quyết việc làm cho người dân- đó là 2 điều rất quan trọng trong phát triển. Cục Lâm nghiệp cũng tỏ rõ quan điểm: Lo được nguồn nguyên liệu tại chỗ (chứ không phải nhập khẩu) là quan trọng nhất và phải chiếm tối thiểu 70% là lý tưởng.
Vụ KH-CN (Bộ NN-PTNT) thì cho rằng: Chúng ta cần xem xét đầy đủ mọi khía cạnh từ tính ổn định và chủ động về nguồn nguyên liệu cũng như các giải pháp môi trường rõ rang để tránh những nghi vấn và hậu quả khôn lường khi tiến hành dự án.
Thực ra, ở Việt Nam đã có nhiều tỉnh, địa phương kiên quyết từ chối các dự án đầu tư phát triển như: Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình 2 khi đang thi công đã bị tỉnh “cự tuyệt” yêu cầu di dời ra khỏi thành phố, thành phố Hải Phòng cũng từ chối dự án sản xuất phân đạm nguyên liệu than, Quảng Nam và Hải Dương cũng đã từ chối nhiều dự án đầu tư… Tất cả đều nhằm bảo vệ môi trường, hệ sinh thái cũng như đời sống sức khoẻ của người dân.
Liệu nhà máy giấy Hậu Giang có bị đình chỉ, điều đó còn tùy thuộc kết quả đánh giá của các cơ quan chức năng. Một số ý kiến chuyên gia cho rằng trong trường hợp nhà máy được tiếp tục hoạt động, nhà máy cần cam kết và thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường, thực hiện tốt trách nhiệm đối với cộng đồng, đặc biệt là những người dân sở tại, bên cạnh đó
cần có sự giám sát chặt chẽ của chính quyền chuyên trách cũng như các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Cục cảnh sát Môi trường để nhà máy thực hiện nghiêm luật định.
Nếu làm được như vậy thì dự án mới thực sự có ý nghĩa phát triển bền vững, phát triển kinh tế và xã hội.