ThienNhien.Net – Theo thông tin từ Chương trình Birdlife quốc tế tại Việt Nam, đơn vị thực hiện Dự án “Lồng ghép quản lý nguồn nước và đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Chư Yang Sin tỉnh Đăk Lăk” 2005 – 2010, VQG Chư Yang Sin có tới 14 loài hạt trần <i>(Gymnospermae)</i>.
Mục tiêu của Dự án là Bảo tồn lâu dài các đặc tính đa dạng sinh học của Vườn quốc gia Chư Yang Sin, trong khuôn khổ lồng ghép quản lý vùng đầu nguồn và đa dạng sinh học thông qua các hoạt động xây dựng và hỗ trợ cho công tác quản lý bảo tồn Vườn quốc gia Chư Yang Sin. Tháng 4 năm 2007, Dự án đã tiến hành điều tra thành phần cây Hạt trần trong vùng lõi của Vườn quốc gia Chư Yang Sin tại ba khu vực chính: Khu vực quanh đỉnh Chư Yang Sin (độ cao từ 478m đến 1785m), Khu vực đỉnh núi Dù (độ cao đạt 1748m) và khu vực đỉnh Chư Yang Lăk (độ cao đạt 1679m) với sự tham gia của một chuyên gia thực vật của Viện điều tra quy hoạch rừng và 06 cán bộ của Vườn quốc gia Chư Yang Sin trong 18 ngày tại thực địa. Kết quả khảo sát đã gặp và thu mẫu được 14 loài Hạt trần bao gồm:
Thông Đà Lạt (Pinus DaLatensis), Pơ Mu (Fokienia hodginsii), Bách xanh núi đất (Calocedrus macrolepis), Du sam (Keteleeria evelyniana), Đỉnh Tùng (Cephalotaxus mannii), Thông lá dẹt (Pinus krempfii), Hoàng đàn giả (Dacrydium elatum), Thông lông gà (Dacrycarpus imbricatus), Kim giao núi đất (Nageia wallichiana), Thông tre (Podocarpus neriifolius), Thông ba lá (Pinus kesiya), Dây gắm (Gnetum montanum), Rau bép (Gnetum gnemon var. domesticum) và Tuế lá xẻ (Cycas micholitzii).
Như vậy, theo các chuyên gia thực vật thì Vườn quốc gia Chư Yang Sin có thành phần loài Hạt trần là rất phong phú, chỉ tính riêng cho các loài thuộc nhóm thông đã biết chính xác 11 loài chiếm 1/3 trong tổng số loài Thông có mặt tại Việt Nam (33 loài). Trong số đó có các loài có giá trị bảo tồn cao cũng như các giá trị đặc hữu như Pơ mu, Bách xanh núi đất, Đỉnh tùng, Thông lá dẹt, Thông Đà Lạt, Du sam núi đất, Kim giao núi đất, Hoàng đàn giả….
Tuy nhiên, hiện nay Vườn quốc gia Chư Yang Sin đang phải đối mặt với tình trạng khai thác trái phép gỗ quý trong Vườn như Pơ mu, Thông tre… của một số đối tượng là người dân tộc tại chỗ sống trong vùng đệm của Vườn. Để bảo tồn được những giá trị đa dạng sinh học của Vườn nói chung và các loài Hạt trần nói riêng không chỉ là trách nhiệm của Ban quản lý Vườn quốc gia mà còn là trách nhiệm của tất cả các cấp chính quyền, các ngành có liên quan và của toàn dân.