Khảo sát tình hình quản lý môi trường tại 110 khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) tại các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm, Phòng Công nghệ Môi trường (Cục Bảo vệ môi trường) đã xác định: Nước thải đang được xả ra môi trường "vô tội vạ" mà không qua xử lý.
Những con số đáng ngại
Kết quả khảo sát 110 KCN, KCX đang hoạt động cho thấy, mới chỉ có 61 cơ sở có hệ thống xử lý nước thải tập trung, nhưng mới chỉ có 24 hệ thống xử lý nước thải đang hoạt động, còn 38 hệ thống mới chuẩn bị xây dựng hoặc đang xây dở dang. Được biết, Bình Dương là nơi có nhiều hệ thống xử lý nước thải tập trung cao nhất, nhưng mới có 23 hệ thống xử lý nước thải.
Tuy nhiên qua kiểm tra thì chỉ có 7 hệ thống đang hoạt động. Còn các KCN, KCX ở TP.HCM chỉ có 15 hệ thống xử lý nước thải, nhưng cũng có 6 hệ thống hoạt động. Tỉnh Đồng Nai có 58 KCN, KCX nhưng chỉ có 9 hệ thống xử lý nước thải tập trung và chỉ có 4 hệ thống hoạt động nên nước thải của các KCN, KCX được đổ thẳng vào môi trường tự nhiên. Tại tỉnh Long An, địa phương này có tới 17 KCN đang hoạt động nhưng chỉ có duy nhất 1 hệ thống xử lý nước thải đang vận hành.
Kiểm tra các tỉnh thuộc những vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và miền Bắc, những nơi này rất ít KCN, KCX có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Điển hình là HN có 14 KCN, KCX nhưng mới chỉ có 3 hệ thống xử lý nước hoạt động. Còn tỉnh Vĩnh Phúc mặc dù đã có 20 KCN, KCX nhưng mới chỉ có duy nhất 1 hệ thống xử lý nước thải tập trung mà vẫn chưa hoạt động(?). Hàng loạt các KCN, KCX ở các địa phương như Quảng Ngãi, Hải Dương… cho đến nay vẫn chưa có lấy một hệ thống xử lý nước thải tập trung nào.
Có cũng như không
Kết quả kiểm tra cho thấy, tại các doanh nghiệp trong các KCN, KCX có hệ thống xử lý nước thải cục bộ đạt tiêu chuẩn theo thỏa thuận trước khi đấu nối với hệ thống xử lý nước thải tập trung của toàn khu. Nhưng ban quản lý KCN và sở tài nguyên môi trường (TNMT) địa phương vẫn chưa kiểm soát được lượng nước thải đổ vào hệ thống chung. Đã vậy, một số doanh nghiệp tại các KCN ở TP.HCM còn chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải cục bộ; có DN còn đang sử dụng hệ thống xử lý đã xuống cấp, chất lượng xử lý nước thải không cao, thậm chí còn có những DN không vận hành hệ thống xử lý riêng, dẫn đến tình trạng quá tải của hệ thống xử lý tập trung.
Tại khu vực miền Trung, kết quả kiểm tra cho thấy mới chỉ rất ít DN tự xử lý sơ bộ rồi đổ nước thải vào môi trường. Còn lại phần lớn các DN chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo nội dung đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường. Được biết, ngoại trừ KCN Thăng Long có quy chế riêng cho hạng mục bảo vệ môi trường, bao gồm quy định về hệ thống đường ống kết nối với hệ thống xử lý nước thải tập trung, hệ thống thoát nước mưa, nước thải sinh hoạt…
Còn tại các tỉnh thuộc vùng trọng điểm kinh tế phía bắc, tình trạng đổ thẳng nước thải ra môi trường đang là hiện tượng phổ biến tại các KCN, KCX. Đây là vấn đề khá nghiêm trọng đối với vấn đề bảo vệ môi trường trước tình trạng xả nước thải công nghiệp của các DN, nhưng điều đáng lo ngại là hầu hết các ban quản lý KCN, KCX chưa có hệ thống quan trắc về môi trường, những việc này được “đẩy” cho sở TNMT các địa phương hoặc do các chủ đầu tư thuê các đơn vị tư vấn thực hiện.
Chính vì nguyên nhân này mà ban quản lý các KCN, KCX không nắm được thực trạng chất lượng nước thải của các doanh nghiệp nằm trong khu vực quản lý. Không lẽ cứ để nước thải từ các KCN, KCX tiếp tục đổ thẳng vào môi trường như hiện nay?