Năm 2007, tỉnh Nghệ An có kế hoạch sẽ trồng 10.000 ha rừng và từ nay đến cuối năm (còn khoảng 3,5 tháng) là thời điểm thời tiết thích hợp để các địa phương trong tỉnh tập trung ra quân nhằm phấn đấu hoàn thành kế hoạch trồng rừng năm 2007.
Để việc trồng rừng đạt kết quả cao, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với các địa phương, đã cử các cán bộ kỹ thuật xuống các vùng trọng điểm để hướng dẫn các chủ rừng, các hộ nông dân trồng rừng đúng theo cơ cấu giống cây trồng và thực hiện đúng kỹ thuật trồng rừng.
Riêng việc phát triển trồng rừng nguyên liệu, do nhu cầu diện tích trồng rừng là rất lớn (vì gỗ nguyên liệu đang được giá, nhanh cho thu hoạch và trong khi cung chưa đủ cầu), nên tỉnh càng siết chặt việc quản lý để đảm bảo đúng cơ cấu giống cây trồng rừng và vùng rừng trồng nhằm kiên quyết không để tình trạng người dân tự ý phá bỏ các loại rừng khác để trồng rừng nguyên liệu. Tỉnh cũng ban hành chính sách khuyến khích đối với nông dân trồng rừng bằng việc hỗ trợ 50% giá cây giống, với định mức giao mật độ trồng rừng 1.700 cây/ha và hỗ trợ cho người trồng rừng 400.000 đồng/ha cho những diện tích đất trồng rừng (nằm trong vùng quy hoạch) mới được khai hoang.
Hiện nay, nhu cầu trồng rừng trên địa bàn tỉnh Nghệ An là rất lớn. Tuy nhiên, việc trồng rừng đang gặp khó khăn, do địa phương thiếu vốn và giống cây rừng. Tỉnh đang khắc phục tình trạng này bằng việc khuyến khích các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh đến địa phương đầu tư trồng rừng, gắn với chế biến, tiêu thụ các sản phẩm từ rừng.
Với chủ trương khuyến khích này, đến nay tại Nghệ An đã có một dự án trồng rừng nguyên liệu của Công ty InnovGreen (thuộc Tập đoàn Gree Elite) với tổng vốn đầu tư 60 triệu USD, được thực hiện từ năm 2007 đến năm 2012 với mục đích trồng 70.000 ha rừng tại các huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Tương Dương và Kỳ Sơn.