Chương trình “Census of Marine Life” ra đời là nỗ lực nghiên cứu đại dương lớn nhất trong lịch sử cận đại với sự tham gia của trên 300 nhà khoa học thuộc 70 quốc gia thế giới. Theo lịch trình, đến năm 2020, các nhà khoa học sẽ đặt chân đến mọi nơi dưới đáy các đại dương và tiếp theo sẽ thống kê và đưa vào bản đồ tất cả các dạng sinh vật sống dưới biển – từ các loài tảo đến cá nhà táng.
Các sinh vật cực đoan
Các nhà đại dương học hầu như mỗi tuần đều phát hiện thêm vài ba loài sinh vật biển mới. Một trong những sự kiện khoa học gây xôn xao năm 2006 là việc bắt được tại vùng biển San Hô một con tôm, mà giới khoa học bấy lâu nay vẫn đinh ninh rằng, chúng đã tiệt chủng từ 50… triệu năm trước, trong kỷ Jura!
Đó là cơ thể sống nhiều tuổi nhất của biển cả lọt vào danh mục năm 2006 trong đó có tới 500 loài sinh vật mới (150 thuộc loài cá). Họ hàng nhà tôm, cá mực và vi khuẩn sống dưới đáy Đại Tây Dương, tại khu vực khe biển nóng nhất thế giới (nhiệt độ lên tới 407°C!) đã khiến các nhà đại dương học hết sức bất ngờ.
Trong làn nước tối tăm thuộc vùng biển Weddell ở ven bờ biển
Chỉ có được những khám phá lớn trên đại dương, một khi có đủ kinh phí và các Chương trình nghiên cứu quốc tế. Chi phí cho những Chương trình như vậy có thể sánh với số tiền đã đầu tư cho nghiên cứu Vũ trụ. Tiếc rằng, sự thật cho đến nay người ta vẫn chi số tiền cho chương trình khám phá Sao Hỏa lớn hơn nhiều lần nghiên cứu đại dương. Đầu tư cho chương trình thống kê các sinh vật biển kéo dài 10 năm chưa đến 1 tỷ USD, trong khi chỉ riêng tàu thăm dò Sao Hoả Cassini đã ngốn 1,5 tỷ USD!
Vi khuẩn đa chức năng
Các nhà nghiên cứu đang dần khám phá những bí mật ngày càng bất ngờ từ các đại dương. Năm 2006, các nhà địa chất đã xác định được tầng vi khuẩn sống ở độ sâu 400 mét dưới đáy đại dương. Điều thú vị nhất là loài ký sinh trùng này đã có 16 triệu năm tuổi. Những cơ thể này có thể tồn tại trong những điều kiện đặc biệt khắc nghiệt chỉ nhờ vào hệ thống dinh dưỡng thay thế dựa trên cơ sở tổng hợp hóa học, tận dụng nhiều nguyên tố, trong đó có lưu huỳnh và sắt.
Và đó chỉ là đỉnh chóp của tảng băng chìm, bởi các đại dương, chiếm khoảng 70% diện tích Trái đất ẩn chứa một nửa tổng số tất cả vi khuẩn sống trên hành tinh chúng ta. GS. Axel Schippers, Chuyên gia vi sinh học địa chất thuộc Viện nghiên cứu Khoa học địa chất và Thiên nhiên Đức, một trong số các chủ nhiệm Chương trình nghiên cứu đại dương cho rằng, các loài vi khuẩn dưới đáy đại dương có thể đóng vai trò quyết định đối với khí hậu Trái đất, tham gia vào quá trình “hạch toán” khí ga hâm nóng Trái đất, tức sản xuất và hấp thụ khí cácboníc hoặc giải phóng khí mêtan. Nhà nghiên cứu Đức cũng không loại trừ giả thiết theo đó, khoảng 3,8 tỷ năm trước, dưới đáy đại dương có thể đóng vai trò khởi đầu sự sống trên Trái đất. Dưới đáy đại dương yên bình hơn rất nhiều so với trên mặt đất, sự sinh tồn không bị xáo trộn bởi núi lửa bùng phát hay thiên thạch va đập. Mãi sau khi chinh phục các đại dương, vi khuẩn mới xâm chiếm đất liền.