Từ khi tham gia các hoạt động quốc tế trong Chương trình Con người và Sinh quyển (2000-2006), Việt Nam đã đóng góp 5 khu dự trữ sinh quyển (KDTSQ) cho nhân loại, trong đó gần đây nhất là KDTSQ Kiên Giang, trước đó là rừng ngập mặn Cần Giờ, rừng Cát Tiên (thuộc các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng và Đắc Lắc), quần đảo Cát Bà (Hải Phòng), vùng đất ngập nước ven biển liên tỉnh châu thổ sông Hồng. Và hiện nay, tỉnh Cà Mau cũng đang ráo riết tiến hành các thủ tục đề cử Vườn Quốc gia mũi Cà Mau là KDTSQ thế giới.
Theo các nhà khoa học, các KDTSQ đang tạo điều kiện dễ dàng cho việc trao đổi kinh nghiệm và chia sẻ kiến thức về phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên trên trái đất. Mục đích chính của các KDTSQ là nghiên cứu và tìm ra các giải pháp sử dụng đất giúp cho việc nâng cao mức sống cho người dân mà không gây hại đến môi trường.
Các KDTSQ cũng là nơi chia sẻ kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm ở các quy mô quốc gia, khu vực và quốc tế. Đồng thời, các KDTSQ đang tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác trong việc giải quyết các vấn đề quản lý tài nguyên thiên nhiên. Đây là điểm hẹn lý tưởng cho các nhà khoa học, các cán bộ quản lý, các nhà tổ chức, các cá nhân muốn gặp gỡ, trao đổi về các giải pháp trong một cơ chế điều hành thống nhất.
Các KDTSQ là những mô hình tốt cần được nhân lên ở nhiều nơi.Trong thời gian qua, những nỗ lực của lãnh đạo tỉnh Cà Mau đã khẳng định quyết tâm của tỉnh trong việc xây dựng hồ sơ đề cử Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và Vườn Quốc gia U Minh hạ trở thành KDTSQ thế giới. Hai địa điểm trên có tính đa dạng sinh học rất cao, nếu được công nhận KDTSQ sẽ tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội với tốc độ nhanh, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống.
Để được UNESCO công nhận là KDTSQ thế giới, công việc chuẩn bị không dễ dàng. Trong nhiều năm, các nhà khoa học của Việt Nam và quốc tế đã liên tục tiến hành những cuộc khảo sát, nghiên cứu sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, từ tự nhiên đến xã hội của toàn bộ diện tích đề cử. Và chỉ riêng hồ sơ đề cử cũng phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần. Điều đó cho thấy giá trị của KDTSQ một khi được thế giới công nhận là vô cùng to lớn.
Mới đây, PGS – Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Trí, Phó Chủ tịch Hội đồng con người và sinh quyển thế giới, thì mục tiêu này hoàn toàn khả thi nếu như Cà Mau chú ý đến việc quy hoạch, phân vùng chức năng, thành lập Ban quản lý, xác định logo thương hiệu cho KDTSQ Mũi Cà Mau, tạo sự phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành trong tỉnh cho xây dựng KDTSQ Mũi Cà Mau, hợp tác quốc tế với việc học tập, trao đổi kinh nghiệm với các nước trên thế giới trong việc xây dựng, phát triển KDTSQ.
Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau được thành lập năm 2002, có diện tích 41.862 ha, trong đó diện tích trên đất liền 15.262 ha, diện tích ven biển 26.600 ha. Với vốn rừng đước, mắm nằm ven biển bãi bồi, nơi đây được xem là khu rừng ngập mặn có giá trị lớn nhất nước ta hiện nay. Tại đây hiện có hơn 100 loài động vật quý hiếm đang sinh sống. |