Di dời doanh nghiệp gây ô nhiễm: Vướng vì thiếu đất

Sau khi Chính phủ có Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”, các địa phương đã triển khai các chương trình của riêng mình. Tuy nhiên, đến nay, việc di dời vẫn chưa đạt kết quả cao, doanh nghiệp (DN) kêu vướng chính sách còn chính quyền cũng lúng túng trước khó khăn của DN.

Cơ sở ô nhiễm nhiều hơn dự kiến


Theo khảo sát ban đầu vào năm 2003 về nhu cầu di dời các doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm, TP.HCM phải di dời 260 cơ sở kinh doanh gây ô nhiễm. Với con số này, kế hoạch đặt ra là đến cuối 2004 sẽ hoàn tất. Tuy nhiên, đến cuối năm 2006, con số cơ sở kinh doanh gây ô nhiễm đã lên đến 1.402, vượt xa dự kiến ban đầu. Đây chính là nguyên nhân khiến thành phố không dự kiến chuẩn bị đủ các điều kiện di dời nhất là về đất đai.

Chính vì thế, kế hoạch di dời của TP đã phải gia hạn đến hết 2006. Nhưng tổng kết lại chương trình cũng cho thấy trong tổng số 1.402 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm đã có kế hoạch di dời thì có 1.261 đơn vị đã triển khai thực hiện quyết định của UBND TP. Trong đó có 630 đơn vị di dời, 463 đơn vị ngưng hoạt động sản xuất, 127 đơn vị chuyển đổi ngành nghề và 36 đơn vị khắc phục tại chỗ, 5 đơn vị xin gia hạn lùi thời gian di dời. Số còn lại vẫn còn vướng nhiều vẫn đề và chưa thực hiện được.

Tại Hà Nội, việc di dời các DN gây ô nhiễm cũng gặp không ít khó khăn, không ít DN khi TP ra quyết định cưỡng chế mới thực hiện công tác di dời. Tuy nhiên, đến thời điểm này rất nhiều DN đã nằm trong kế hoạch di dời thuộc các KCN cũ trong nội thành, các cơ sở sản xuất nhỏ gây ô nhiễm vẫn chưa được khắc phục triệt để.

Một tình trạng khó xử đối với các địa phương là di dời những DN thuộc quyền quản lý các bộ ngành đóng trên địa bàn bao giờ cũng phức tạp và chậm hơn. Tại TP.HCM có 19 doanh nghiệp thuộc Bộ Công thương phải di dời với thời hạn đến hết năm 2006. Nhưng cho đến nay vẫn còn 11 DN chưa thực hiện.

Báo cáo tổng kết 3 năm thực hiện quyết định của Thủ tướng về di dời các cơ sở gây ô nhiễm vào cuối năm 2006 cho thấy, các bộ vẫn còn chậm hơn trong việc thực hiện di dời các DN ô nhiễm. Tổng kết đến cuối 2006 cho thấy, các bộ ngành mới xử lý được 26% cơ sở gây ô nhiễm nói chung. Bộ Xây dựng là cơ quan chủ trì, phối hợp với các địa phương xử lý 39 cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, 52 bãi rác ô nhiễm nhất, thì đến 2006 có 19 cơ sở hoàn thành, đạt 39%. Bộ Công nghiệp mới có 22/63 cơ sở không còn gây ô nhiễm nghiêm trọng. Bộ NN&PTNN có 9/24 cơ sở hoàn thành xử lý triệt để…

Lúng túng vì thiếu quỹ đất

Hỗ trợ các DN ô nhiễm di dời, Nhà nước đã ban hành hành nhiều chính sách hỗ trợ trong đó tập trung vào 2 nhóm chính là đất đai và hỗ trợ tài chính  với rất nhiều ưu đãi. Tuy nhiên, thực tế triển khai, nhất là tại các đô thị lớn có nhiều DN ô nhiễm thì vấn đề tạo quỹ đất mới cho DN di dời là cực kỳ khó khăn.

Ở Hà Nội, hàng loạt DN sản xuất công nghiệp như rượu bia, dệt nhuộm, sản xuất văn phòng phẩm hiện đang sử dụng hàng chục ngàn mét vuông đất nội thành. Quỹ đất mới để di dời các DN này là điều không đơn giản. Trong khi đó, đa số DN phải di dời là những DN nhỏ, có nhiều khó khăn về tài chính nên việc đi thuê đất tại các KCN mới theo giá kinh doanh là điều rất khó khăn. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở TP.HCM khi hàng loạt DN đồng ý di dời nhưng bị tắc ở khâu tìm kiếm mặt bằng mới. TP cũng nhận biết khó khăn nay nhưng việc giải quyết không dễ vì thiết quỹ đất. 


Biện pháp để hỗ trợ mà các địa phương có nhiều DN di dời thực hiện là xây dựng những khu công nghiệp mới dành ưu tiên cho DN ô nhiễm di dời nhưng do nhu cầu quá lớn nên không thể đáp ứng kịp. Vì vậy, có thể nói, đất đai là khó khăn lớn nhất khi di dời các cơ sở ô nhiễm, không chỉ DN bất lực mà chính quyền cũng lúng túng.


Trong khi đó, giải quyết vấn đề di dời từ một địa điểm trung tâm thuận lợi về sản xuất ra một khu công nghiệp mới xa hơn mà có khi hạ tầng chưa hoàn chỉnh, tốn kém về di chuyển, chi phí kinh doanh tăng lên… cũng khiến nhiều DN lo lắng về khả năng ổn định sản xuất, so sánh được mất… dẫn tới chây ỳ, không chịu di chuyển. Bên cạnh đó, chi phí di dời hiện nay chủ yếu trong chờ vào tiền chuyển đổi cơ sở, mặt bằng cũ trong khi việc chuyển nhượng kéo dài và vướng nhiều thủ tục nên DN cũng gặp khó về vốn cho di dời.


Bộ Tài nguyên – Môi trường cũng thừa nhận để đảm bảo mục tiêu di dời DN ô nhiễm nhưng không để DN phải dừng sản xuất thì còn nhiều vấn đề phải giải quyết. Trong đó, chính sách đất đai vẫn còn nhiều điểm chưa thống nhất, đồng bộ và thủ tục chưa thuận lợi. Việc hỗ trợ tài chính và tiếp cận nguồn vốn vay hỗ trợ di dời vẫn còn hạn chế. Các hạn chế này nếu không được khắc phục thì mục tiêu di dời các DN ô nhiễm hẳn khó hoàn thành.


Bộ Tài Nguyên – Môi trường cho biết, để khắc phục những khó khăn hiện nay, Bộ đang chuẩn bị xây dựng hẳn Chương trình mục tiêu quốc gia về hỗ trợ xử lý triệt để các DN ô nhiểm môi trường ngiêm trọng. Chương trình không chỉ xử lý các cơ sở ô nhiễm hiện tại mà sẽ rà soát phát hiện và xử lý các cơ sở mới phát sinh. Đặc biệt, Chương trình sẽ tập trung xây dựng hệ thống chính sách đồng bộ từ các đất đai, tài chính, hỗ trợ nghiên cứu khoa học – đổi mới công nghệ… để khuyến khích các DN ô nhiễm di dời.