66 xã ven sông Gianh của tỉnh Quảng Bình – bị thiệt hại rất nặng do ảnh hưởng của cơn bão số 2 vừa qua – đang dần ổn định cuộc sống. Lúc này, nỗi lo thường trực của các cấp chính quyền và nhân dân là tình hình lở đất nghiêm trọng dọc hai bờ sông Gianh.
Hầu như sau lũ, hai bờ sông Gianh đều bị sạt lở trầm trọng; có vùng, chỉ sau một đêm, sông đã lấn vào đất liền vài ba mét, làm gãy đổ nhiều đoạn đường, nhiều nhà dân, cây cối, vườn tược. Những xã Đức Hoá, Văn Hoá, Châu Hoá (huyện Tuyên Hoá), Cảnh Hoá, Quảng Tiên, Quảng Hải, Quảng Lộc (huyện Quảng Trạch) – vốn đã bị thiệt hại nặng nề trong lũ – thì sau lũ, những khu vực này lại tiếp tục bị thiệt hại do bờ sông Gianh sụt lở nghiêm trọng, ngày càng có nguy cơ đe doạ cuộc sống và sản xuất của nhân dân. Theo tính toán, với tốc độ sạt lở như hiện nay, chỉ vài chục năm nữa, đất canh tác và đất ở của các xã này sẽ hoàn toàn bị xoá sổ.
Ông Hồ Duy Thiện – Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hoá – cho biết: “Đồng thời với việc nắm tình hình sạt lở ở các địa phương, huyện chỉ đạo riết ráo việc di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm, yêu cầu các xã tìm mọi biện pháp để chuyển những hộ dân ở quá gần bờ sông sụt lở ra vùng an toàn, huyện sẽ hỗ trợ thêm kinh phí”. Theo ông Trần Đức Văn – Chủ tịch UBND xã Đức Hoá – thì việc di dời dân tránh nguy hiểm do sạt lở cũng chỉ là biện pháp tạm thời, vì không thể cứ bỏ làng, bỏ nhà mà đi mãi được.
Nhà nước cần phải nhanh tay xây kè bờ sông, đồng thời phải có những biện pháp mạnh để ngăn chặn ngay việc khai thác cát dọc bờ sông, lấn chiếm bờ sông đào hồ nuôi tôm cá… đang diễn ra khá rầm rộ dọc các địa phương hai bờ sông Gianh, nhưng chưa được ngăn chặn nghiêm túc.
Huyện Quảng Trạch có tới 15 điểm sạt lở nghiêm trọng, có nơi sông lấn vào đất liền sâu tới 20 mét và kéo dài từ 1 đến 3km. Tại các vùng sạt lở nghiêm trọng, huyện Quảng Trạch đã di dời trên 100 hộ dân. Cán bộ nhiều địa phương kêu ca rằng, nhiều năm rồi, địa phương đã liên tục kiến nghị Nhà nước có giải pháp xây kè chắn sóng, bảo vệ nhân dân, bảo vệ đất đai, đường sá nhưng chưa được quan tâm.
Mỗi năm, cứ sau lũ là sạt lở, dòng sông Gianh tiếp tục lấn sâu vào làng xóm, ruộng đồng. Trong khi Nhà nước chưa đủ sức giải quyết việc xây kè chắn sóng, thì nhiều địa phương cũng đã chủ động trồng tre dọc bờ sông để ngăn chặn xâm thực; tuy nhiên, vào mùa lũ lớn, ngay những dãy tre chắn sóng cũng bị nước lũ cuốn sạch.
Việc phải có nguồn kinh phí cấp bách để xử lý ngay những đoạn bờ sông sạt lở nặng nề nhất là việc đáng làm vào lúc này. Hầu hết những xã bị bão lũ, bị sự xâm thực của sông Gianh đều là xã nghèo. Cái khó, cái nghèo cứ chồng chất lên nhau thế này, thì không biết bao giờ cuộc sống của nhân dân mới có thể vượt qua ngưỡng nghèo như hiện nay.