Theo nghiên cứu của các nhà khoa học châu Âu, ô nhiễm không khí không chỉ ảnh hưởng đến phổi mà còn làm suy yếu chức năng tim và mạch máu, từ đó làm tăng nguy cơ đau tim hoặc tử vong.
Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Y học New England ngày 13/09/2007, các nhà khoa học thuộc hai trường đại học
Trong nghiên cứu này, các chuyên gia tập trung vào ảnh hưởng của động cơ diesel, vì loại động cơ này tạo ra những phần tử gây ô nhiễm nhiều hơn từ 10 – 100 lần so với động cơ chạy bằng xăng.
Tim bị “stress” gấp 3 lần
Kết quả nghiên cứu cho thấy khói diesel tác động xấu đến mạch máu, làm giảm chức năng tim, tăng nguy cơ bị huyết khối, từ đó làm cho bệnh tim trở nên nghiêm trọng hơn.
Nghiên cứu được thực hiện đối với 20 người đàn ông tình nguyện ở độ tuổi 60 và từng bị đau tim trước đó ít nhất là 6 tháng. Tất cả những người này đã được điều trị thành công và trong tình trạng sức khỏe ổn định khi tham gia vào nghiên cứu này.
Những người tỉnh nguyện được hít thở không khí trong lành hoặc bị phơi nhiễm khói diesel loãng trong khi vận động cơ thể bằng cách đạp xe đạp tại chỗ mỗi lần 15 phút.
Theo kết quả giám sát điện tim, khi những người này vận động trong môi trường bị ô nhiễm bởi khói diesel thì tim của họ bị căng thẳng gấp 3 lần so với khi tập thể dục trong bầu không khí trong lành.
Đồng thời, sau khi bị phơi nhiễm với khói diesel, khả năng của cơ thể trong việc sản xuất protein t-PA – có khả năng ngăn chặn sự hình thành huyết khối – cũng bị giảm đi khoảng 1/3.
Những người tham gia nghiên cứu này đã trải qua việc phơi nhiễm chất độc hại trong không khí ở mức 300 microgram/m3 – mức độ thường có ở những nơi đông đúc xe cộ, các xí nghiệp sản xuất, nhà máy lọc dầu và những khu đô thị lớn nhất trên thế giới.
Theo các chuyên gia, nồng độ của một số chất ô nhiễm trong khói diesel hiện đã quá cao so với giới hạn cho phép của Tổ chức Y tế thế giới.
Nhóm nghiên cứu nhận định: “Việc phơi nhiễm khói diesel khi tập thể dục trong một thời gian ngắn cũng đủ làm giảm chất chống huyết khối trong máu, làm nặng thêm chứng thiếu máu cục bộ, hoặc làm tim không được cung cấp đủ máu và oxygen. Tất cả những thay đổi tiêu cực này có thể dẫn đến những cơn đau tim hoặc tử vong”.
Trưởng nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Nicholas Mills, thuộc Trường Đại học
Bệnh nhân tim nên thận trọng
Theo tiến sĩ Mills, “nghiên cứu này giúp giải thích vì sao những bệnh nhân bị bệnh tim dễ phải nhập viện vào những ngày mà mức độ ô nhiễm không khí tăng cao”.
Nhiều nghiên cứu trước đây cũng đã khẳng định mối liên hệ giữa việc phơi nhiễm ngắn hạn và dài hạn với không khí bị ô nhiễm và tỉ lệ nhập viện và tử vong cao, do tim không được cung cấp máu đầy đủ, nhịp tim bất thường, suy tim dần dần và đột quỵ.
Chuyên gia Peter Weissberg, thuộc Viện Tim Anh, phát biểu: “Kết quả nghiên cứu cho thấy ở những bệnh nhân bị bệnh mạch vành, khói diesel có thể làm giảm lượng oxy cần thiết cho hoạt động của tim, từ đó là tăng nguy cơ đau tim”.
Ông Weissberg khuyên “bệnh nhân tim nên duy trì việc tập thể dục để cải thiện sức khỏe, nhưng nên tránh những khu vực có nhiều xe cộ đang lưu thông”. Ngoài ra, những người bị suyễn, viêm phế quản và các bệnh phổi mãn tính cũng phải tránh xa nguồn không khí bị ô nhiễm.
Không tham gia vào nghiên cứu này, nhưng tiến sĩ Abraham Sanders, chuyên gia phổi của bệnh viện New York-Presbyterian (Mỹ), phát biểu: “Chúng tôi đã có chứng cứ về việc phơi nhiễm với khói diesel trong khi tập thể dục sẽ gây ra thiếu máu cục bộ, và nếu bạn đang mắc bệnh tim thì việc phơi nhiễm đó sẽ làm bệnh nặng thêm”.
Tuy nghiên cứu này tập trung vào nam giới, nhưng nhóm nghiên cứu cho rằng hậu quả tương tự cũng có thể xảy ra ở phụ nữ.
Theo tiến sĩ Mills, nếu những nghiên cứu tiếp theo khẳng định những phần tử độc hại trong khói diesel là thủ phạm chính gây ra bệnh tim, thì nên xem xét việc lắp thiết bị “bẫy bụi” vào động cơ diesel để ngăn chặn chất gây ô nhiễm phát tán vào không khí.